Bác sĩ Ashwaq Muharram phát thuốc cho người dân ở Yemen - Ảnh: BBC |
Trong 20 năm làm bác sĩ ở thành phố cảng Hudaydah ven Biển Đỏ, bác sĩ Ashwaq Muharram chưa bao giờ phải chứng kiến sự việc nào khủng khiếp như vậy.
Bà nói: “Tôi đã từng thấy những cảnh đói khổ này khi xem các bản tin trên truyền hình nói về nạn đói ở Somalia. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình chứng kiến ở Yemen”.
Trong nhiều năm, bà Muharram làm việc cho các tổ chức cứu trợ quốc tế. Nhưng khi chiến tranh nổ ra tại Yemen vào tháng 3-2015, hầu hết các tổ chức này đều đã rút đi, những ai còn lại cũng rút ngắn quy mô hoạt động của họ.
Vậy là bây giờ bà Muharram bỏ tiền túi để phân phát thuốc men, thực phẩm cho mọi người trong khả năng của mình, dùng chiếc ôtô của bà làm bệnh xá lưu động, hỗ trợ bất cứ những ai có thể.
Thành phố Hudaydah, nơi bà Muharram sinh sống, hiện do lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát, là nơi tiếp nhận tới 70% lượng thực phẩm nhập khẩu vào Yemen. Nhưng nay thành phố không những bị phong tỏa mà còn liên tục phải hứng chịu các đợt không kích của liên quân do Saudi Arabia chỉ huy. Bom đạn và tình trạng bị phong tỏa, cấm vận là nguy cơ kép với các bệnh nhân của bác sĩ Muharram.
Bà cho biết: “Nếu anh không chết vì bom, anh cũng sẽ chết vì bị ốm hoặc chết đói. Và cái chết kinh khủng nhất là chết đói”.
Chất đầy một ôtô thuốc men, nữ bác sĩ 41 tuổi lên đường tới Beit al-Faqih, cách thành phố Beit al-Faqih khoảng 100km về phía đông nam. Ngôi làng đó từng một thời trù phú với các nông sản chính là chuối và xoài phục vụ cho xuất khẩu.
Nhưng nay hoạt động xuất khẩu đình đốn, hầu hết công nhân đều mất việc và người ta phải đổ bỏ trái cây cho lừa ăn vì hầu hết người dân Yemen bây giờ không còn tiền để mua nữa.
Ở đó, bà Muharram gặp bé trai Abdulrahman đã 18 tháng tuổi nhưng vì suy dinh dưỡng chỉ nặng bằng một em bé sơ sinh 6 tháng và cho tới giờ vẫn chưa biết đi, chưa biết nói. Abdulrahman cần một loại sữa đặc biệt để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Loại sữa đó trước đây từng bán phổ biến ở Yemen, nhưng kể từ ngày cảng biển ở Hudaydah bị phá hủy và tình trạng cấm vận bắt đầu, mẹ em không thể tìm mua được loại sữa đó, bất kể chị đã lùng kiếm ở mọi cửa hàng.
Cảnh tượng đó không hề xa lạ với bác sĩ Muharram. Sau khi chiến tranh xảy ra, chồng bà đổ bệnh tim rất cần thuốc điều trị. Bà Muharram tới bệnh viện tim mạch ở thủ đô Sanaa của Yemen, nhưng bệnh viện chẳng còn gì để có thể giúp bà.
Nữ bác sĩ bật khóc nhớ lại: “Lúc đó chồng tôi như đang chết dần trước mặt tôi và tôi không thể làm gì được...”.
Sau đó chồng bà phải bỏ chạy sang Jordan, mang theo hai người con của họ. Cả hai đứa trẻ đều phải nghỉ học. Bà Muharram vẫn ở lại Hudaydah với tâm trạng vô cùng đau khổ: “Tôi mệt mỏi vì là một bác sĩ, là một người mẹ và là một người vợ”.
Nhưng lúc này ở Hudaydah đầy người tị nạn chạy từ các vùng chiến sự ác liệt khác của Yemen tới đây. Những người mà theo mô tả của bác sĩ Muharram: “Một số người trong họ từng có cuộc đời như tôi và giờ thì hãy nhìn đi, họ đã mất tất cả”.
Hơn 3 triệu trong tổng số dân 27 triệu người ở Yemen hiện đang phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh. Trong khi đó, tất cả các cảng biển đều đã bị lực lượng liên quân do Saudi Arabia chỉ huy phong tỏa.
Cùng với đó, nhiều quốc gia trước đây từng chấp nhận công dân Yemen không cần thị thực thì nay đã đóng lại cánh cửa ưu đãi này.
Không làm được gì nhiều, nhưng với nỗ lực từng chút một có thể, nữ bác sĩ 41 tuổi Muharram vẫn cần mẫn, lặng lẽ mỗi ngày tìm đến với những người dân khổ sở nhất tại Yemen.
Máy bay vẫn vần vũ trên trời mỗi ngày, bom vẫn nổ, và người đàn bà ấy vẫn đơn độc trong nỗ lực cứu giúp những ai có thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận