Không chỉ thành công trong việc “gọi vốn” đầu tư mà format mới tinh, Vietnam Why Not còn quy tụ được dàn Hoa hậu, Á hậu, siêu mẫu đắt giá nhất sẵn lòng “bỏ showbiz” để tham gia một cuộc chơi như những runner thứ thiệt. Hai yếu tố này đã mang lại một gameshow đủ sức hút với cả khán giả khó tính.
Lẽ đương nhiên, câu chuyện hậu trường của gameshow thực tế thực hiện giữa mùa dịch hay mối quan hệ giữa người đẹp, chân dài sẽ ra sao sau mỗi cuộc đua tranh siêu kịch tính. Dịp này, nhà sản xuất Trần Việt Bảo Hoàng cũng là CEO của UNI Media - đơn vị sản xuất chương trình Vietnam Why Not - đã dành cho TUỔI TRẺ CƯỜI ONLINE 1001 chia sẻ thú vị.
Show truyền hình thực tế "độc" nhất năm Cô Vy
Cuộc “du ngoạn kéo dài” của Cô Vy đã làm cho những “ông lớn” của truyền hình thực tế Việt lo sợ phải sản xuất gameshow “trong nhà”. Chỉ riêng UNI Media - đơn vị “sinh sau” đã tạo cú nổ chấn động khi ra mắt show thực tế 100% bằng hành trình qua 11 tỉnh thành dọc Nam - Bắc mang tên Vietnam Why Not - Đi Việt Nam đi.
Ít ai dám hình dung, yếu tố tạo nên thành công cho gameshow lại chính là sự liều lĩnh của cả ê-kip khi dám đi ngược với số đông để sản xuất một chương trình khám phá và trải nghiệm trong lúc mưa bão, dịch bệnh “căng như dây đàn” và bài toán chi phí vô cùng nan giải khi gần như các công ty, nhãn hàng đang “thắt lưng buộc bụng”.
Để lý giải điều này, Bảo Hoàng cho biết UNI Media được một nhãn hàng ra đề bài làm chương trình quảng bá, kích cầu du lịch trong nước sau mùa dịch. Là người có niềm đam mê đặc biệt với sản xuất truyền hình thực tế và ấp ủ tạo ra một show riêng, không chấp nhận “bó chân” vào lối mòn của những “ông lớn”, Bảo Hoàng phát triển ý tưởng này thành một format hoành tráng và “tận dụng” chính nguồn tài nguyên có sẵn trong tay là dàn hoa hậu, á hậu, người mẫu đình đám bậc nhất làng giải trí Việt.
Và dự án chương trình truyền hình thực tế Vietnam Why Not cùng với ứng dụng về du lịch cùng tên ra đời từ đó. Có lẽ vì ý tưởng táo bạo và thông điệp rất sát với thực tế nên format này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ Tổng cục du lịch, đối tác đầu tư.
Còn từ câu chuyện ý tưởng đến thực tế lại là một hành trình gian truân với không ít lần đứng tim, sốt vó vì ‘tai nạn’ ập đến bất ngờ. Nhà sản xuất của Vietnam Why Not tâm sự, có nhiều điều thú vị về quá trình sản xuất chương trình. Đơn cử là sự liều lĩnh khi mang ê-kip 100 người rong ruổi 11 tỉnh thành với tần suất làm việc liên tục trong 25 ngày để kịp phát sóng. Lúc nào, cả ê-kip cũng như chạy đua với thời gian vì Covid có thể quay lại bất ngờ.
Sau loạt sự cố trên trời rơi xuống: điểm quay đầu tiên ở TP. HCM bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid, hay lần quyết định đưa cả ê-kip từ Đà Lạt ra Ninh Bình trong đêm, bỏ qua miền Trung để tránh bão lớn lịch sử…. ê-kip sản xuất lẫn người chơi đều hiểu rằng, họ đã ngồi trên mũi tên và chỉ có thể lao đi. Và việc của ê-kip là đón nhận mọi trục trặc với tâm thế bình tĩnh nhất.
Với tốc độ làm việc hơn 20 tiếng/ngày, ê-kip 100 người của UNI Media cùng với 9 người đẹp phải trải qua những giờ phút căng não, luôn đấu tranh với tâm lý “đi tiếp hay dừng lại” vì thiên tai hay dịch bệnh đều là yếu tố bất khả kháng đối với bất kỳ ai
Vietnam Why Not: khai thác góc nhìn mới về người đẹp Việt
Yếu tố ăn khách đầu tiên của Vietnam Why Not chắc chắn phải kể đến dàn mỹ nhân khủng nhất V-biz gồm 9 cô gái: Hoa hậu Ngọc Diễm, Siêu mẫu, Á hậu Võ Hoàng Yến, Hoa hậu Khánh Vân, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam Ngọc Châu, Á hậu Vũ Hoàng My, Á hậu Mâu Thuỷ, Á hậu Kim Duyên, Người đẹp Hương Ly – Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, Người đẹp Tường Linh – Top 15 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019.
Họ sẵn sàng dành trọn ba tuần để “lăn lộn” qua 11 tỉnh thành. Đây quả thực là một ý tưởng “điên rồ” làm cả giới truyền thông, sản xuất chương trình phải trầm trồ thán phục.
Với 5 thử thách: Đố, Đua, Đẹp, Đấu và Độc được xem khá nặng đô cho các nàng hậu vốn gắn với hình ảnh “bánh bèo” nữ tính. Chính nhà sản xuất cũng đặt ra nguy cơ về vấn đề sức khỏe, sự va chạm của người chơi với nhau và liệu rằng kết thúc cuộc đua, các cô gái còn giữ được tình chị em như ban đầu. Nhưng băn khoăn này hoàn toàn không xảy ra.
Ngược lại, các cô gái có thêm sự gắn kết, cơ hội thể hiện cá tính, thế mạnh riêng. Còn nhà sản xuất cũng phải ngạc nhiên trước sự “lăn xả”, không ngại xấu, thậm chí bầm dập chân tay vì những thử thách có độ khó đến người chơi chuyên nghiệp phải ngao ngán.
Hình ảnh đáng nhớ nhất khi Á hậu Hoàng My bật khóc với chiến thắng ở thử thách leo thác tại Bảo Lộc hay hình ảnh các cô gái mặt mũi tái xanh vì say sóng bởi trò chơi cảm giác mạnh tại Phú Quốc. Đó là màn vừa đấu sức vừa đấu khẩu của người đẹp trên nhà phao Nha Trang để lại một hình ảnh rất khác về người đẹp, hoa hậu, siêu mẫu Việt.
Trần Việt Bảo Hoàng cho biết, anh bất ngờ khi nhận được cái gật đầu ngay khi ngỏ lời mời. Một phần vì thông điệp ý nghĩa của format và chính các thử thách đã khơi dậy sở thích trải nghiệm và chinh phục của người đẹp.
Anh chia sẻ: “Trong quá trình ghi hình, ê-kip gần như không có thời gian để ăn một bữa ăn đàng hoàng nhưng tất cả đều rất đồng lòng và quyết tâm. Mọi người thường nghĩ hoa hậu, á hậu luôn bay hạng C, check-in chỗ sang chảnh...
Nhưng đi với ê-kip này, các bạn chỉ được ngủ sau 12 giờ đêm, làm việc 20 tiếng/ngày. Không chỉ thế, các bạn vẫn vui vẻ ăn cơm hộp, vừa ăn trên xe vừa make-up, thay trang phục trong thời gian di chuyển đến điểm quay kế tiếp. Thương nhất khi các bạn không kêu ca mà chỉ “yêu sách” rằng bữa ăn phải có thêm nhiều rau xanh, vì họ cần giữ dáng. Còn khổ tâm hơn khi vừa giữ dáng, vừa phải nạp đủ năng lượng để có sức thi đấu”.
Chi tiết khác không thể hiện trên sóng, đó là “vốn liếng” của người chơi chỉ có chiếc điện thoại hành trình nhưng họ đã nhanh chóng “bắt bài” của ban tổ chức trong những thử thách về kiến thức. Ở chặng Ninh Bình, người chơi gặp khó vì phải xử lý lượng kiến thức lịch sử khổng lồ trong thời gian ngắn nên thể hiện không tốt.
Nhưng ở ngay chặng sau, họ lấy lại phong độ và đoán được thử thách tiếp theo. Đến chặng Huế, các bạn tranh thủ tìm hiểu và giải rất nhanh câu đố sắp xếp thứ tự triều vua, bản đồ lăng tẩm cố đô… trong khi chưa được tham quan và nghe giới thiệu về nơi đây.
Một điều khác, Vietnam Why Not là sân chơi để các nàng hậu thể hiện được thế mạnh của mình. Võ Hoàng Yến có sức khỏe rất tốt, Khánh Vân rất tinh tế nhẹ nhàng, Tường Linh có năng khiếu ẩm thực hay Mâu Thủy là cô nàng có khả năng lãnh đạo nhóm rất cừ…
Bên cạnh đó, những phản ứng bộc phát, nổi nóng hay tinh thần cạnh tranh vì “màu cờ sắc áo” của các người đẹp cũng là gia vị độc đáo tạo nên sức hấp dẫn với khán giả.
Ngoài 9 người chơi cố định, Vietnam Why Not cũng có thêm những người đẹp khách mời làm "đậm vị" cho chương trình. Format là cuộc đua có quyết định thắng thua cũng khiến các nàng hậu “sang chấn tâm lý” ít nhiều. Nhưng không ai trong số các bạn đòi bỏ cuộc hay có phản ứng tiêu cực dù khi chơi, họ phản ứng quyết liệt, bất bình với kết quả.
“Hơn hết, các bạn ấy luôn hiểu rõ vai trò khi tham gia sân chơi này chính là sứ mệnh quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước, kích cầu du lịch. Sau mỗi thử thách, chúng tôi có những cuộc phỏng vấn nho nhỏ để các bạn bộc bạch cảm xúc giúp giải tỏa tâm lý hiệu quả. Và những diễn biến, kịch tính trên sóng là cảm xúc thật của người chơi. Ở ngoài hiện trường thế nào, chúng tôi gần như giữ nguyên vẹn để đưa lên sóng.” - Trần Việt Bảo Hoàng chia sẻ thêm.
Ước mơ “xuất khẩu” format Việt ra thế giới
Mùa 1 của Vietnam Why Not đã khép lại với hiệu ứng lan tỏa tích cực, khán giả có thêm những ý tưởng mới để khám phá các điểm đến thú vị. Thay vì chỉ ngắm cảnh, check-in, du khách giờ đây có thể thử trải nghiệm những trò chơi thú vị từ chương trình.
Nhà sản xuất Vietnam Why Not vui mừng tiết lộ: “Sau các tập phát sóng, chúng tôi nhận được chia sẻ của khán giả nói về trải nghiệm của chính họ qua trò chơi mà các nàng hậu chơi. Đó thực sự là tín hiệu ý nghĩa khi chương trình chúng tôi sản xuất được khán giả tin tưởng. Đây sẽ là động lực để ê-kip bắt tay vào thực hiện mùa tiếp theo”.
UNI Media - đơn vị sản xuất và giữ bản quyền format Vietnam Why Not cũng hào hứng chia sẻ về kế hoạch phát triển đưa format này trở thành chương trình truyền hình thực tế uy tín về du lịch với nhiều phiên bản: người nổi tiếng, phiên bản địa phương, phiên bản quốc tế….
Thừa nhận việc thị trường gameshow đang có dấu hiệu bão hòa vì số lượng chương trình thực tế “xuất xưởng” ngày một nhiều, Trần Việt Bảo Hoàng cho biết, yếu tố làm nên thành công của gameshow là chất lượng, cái tâm của nhà sản xuất đi cùng thông điệp, ý nghĩa tích cực được lan tỏa trong cộng đồng.
Và anh tự tin hơn khi đang nắm trong tay một format thuần Việt, không vay mượn, lại được ê-kip chuyên nghiệp trong nước sản xuất như Vietnam Why Not. Với tiền đề này, UNI Media sẽ sớm tạo ra những format chất lượng, độc đáo, thú vị cho khán giả.
CEO của UNI Media chia sẻ: “Đã làm phải luôn mơ lớn”. Đó là tham vọng có thể xuất khẩu format truyền hình ra thế giới trong tương lai không xa bên cạnh việc đưa UNI Media trở thành thương hiệu uy tín về sản xuất truyền hình thực tế nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận