Vui là anh gánh vác ổn thỏa trọng trách giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam giữa lúc sân khấu ngắc ngoải vì dịch COVID-19, ra mắt khán giả với vai trò đạo diễn vở kịch Đêm trắng được trao giải thưởng Vở diễn sân khấu xuất sắc nhất năm, nổi bật trong các hoạt động thiện nguyện giúp người khó khăn, trẻ em...
Còn buồn là lần đầu tiên sau gần 20 năm anh không thể tham gia Táo quân và cũng lần đầu tiên sau vài chục năm không thể về quê ăn Tết với cha mẹ vì COVID-19.
Tôi vẫn gắng giữ được một Xuân Bắc nghệ sĩ
* Năm qua hầu hết nghệ sĩ phải "ngồi yên" vì dịch COVID-19, còn Xuân Bắc lại rất bận rộn.
- Tôi là mẫu người không bao giờ chịu để cho mình ngồi yên hay chờ đợi. Nếu không có ai mời tôi làm việc thì tôi tự tìm việc để làm.
Ví dụ, năm qua anh em nghệ sĩ trong nhà hát không được lên sân khấu nhiều, tôi cùng cán bộ công đoàn nhà hát tổ chức những chương trình thiện nguyện, vận động tài trợ để đi đến những nơi đang cần sự hỗ trợ.
Tết ông Công ông Táo vừa rồi, chỉ có một ngày rảnh ra chút, tôi lập tức cùng anh em làm clip để tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong việc phóng sinh.
Không được diễn cho khán giả, chúng tôi vẫn lựa chọn kịch bản dàn dựng những vở kịch gây tiếng vang trong Liên hoan kịch nói toàn quốc, vẫn là đơn vị nhất toàn đoàn trong liên hoan sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao, đồng thời đời sống của anh em nghệ sĩ được quan tâm. Với nhà hát, tôi luôn cố gắng để mình không phải xấu hổ vì đã chưa nỗ lực.
* Cho nên anh mới được vinh danh Nghệ sĩ ấn tượng của năm...
- Tôi rất bất ngờ khi được trao giải và tôi rất vui, cảm thấy vinh dự vì sự tôn vinh này. Tôi vui vì hai năm làm công tác quản lý vậy mà tôi vẫn gắng giữ được một Xuân Bắc nghệ sĩ theo nghĩa trọn vẹn của từ nghệ sĩ, được công chúng ghi nhận. Nếu tôi mà được vinh danh "Nhà quản lý ấn tượng" thì tôi mới lo (cười).
Tôi quan niệm những người làm nghệ thuật nói chung - đặc biệt là nghệ sĩ - bên cạnh làm nghề thì còn cần thêm tinh thần cống hiến, phát triển xã hội, tạo cảm hứng, kích thích mong muốn làm việc tốt trong cộng đồng. Nghệ sĩ phải lan tỏa sự tử tế trong xã hội thông qua cách sống, nếp nghĩ, nếp làm việc của mình.
Cách cống hiến của tôi là hỗ trợ hoàn cảnh yếu thế, người nghèo, vận động việc trồng cây, đọc sách, làm các dự án chống phân biệt đối xử với phụ nữ, chống bạo hành trẻ em, bảo vệ thiên nhiên...
* Nhưng năm qua cũng chứng kiến nhiều chuyện không vui với một số nghệ sĩ làm từ thiện mà giờ đây họ được "minh oan". Anh có nghĩ những ồn ào năm qua có thể khiến các nghệ sĩ sẽ bớt nhiệt tình hơn trong các hoạt động thiện nguyện?
- Tôi rất buồn trước những ồn ào xung quanh chuyện nghệ sĩ làm từ thiện năm qua. Buồn vì niềm tin của xã hội vào những điều tốt đẹp không đủ mạnh mẽ. Dù buồn nhưng tôi tin rằng các nghệ sĩ qua quãng thời gian tổn thương vừa rồi cũng như những nghệ sĩ khác vẫn không mất đi nhiệt huyết cống hiến vì cộng đồng.
Chúng tôi vẫn sẽ làm thiện nguyện nhưng có thể chúng tôi làm cách khác, hiệu quả, kín kẽ, có niềm tin trong cộng đồng hơn. Tôi tin vào những giá trị tốt đẹp bền vững như: lòng tốt, sự sẻ chia, tình thương yêu, sự giáo dục.
Về nhà ăn Tết là điều thiêng liêng
* Với những người chỉ xem anh là một diễn viên hài theo hướng ít tôn trọng, anh cảm thấy sao?
- Mỗi người ở vị trí khác nhau, nhận thức khác nhau sẽ đánh giá khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng. Có người xem Xuân Bắc diễn hài thì cười sảng khoái, người lại bảo "Thế mà cũng cười được". Con tôi là người chê tôi diễn đầu tiên. Bạn ấy đùa rằng: "Bố ơi bố nhạt thế này là từ trẻ hay từ khi lấy vợ mới nhạt?".
Nhưng có người khi xem tôi diễn vai chính kịch thì lại thốt lên rằng họ ngạc nhiên khi thấy một góc khác của Xuân Bắc và bảo sẽ thật phí khi không xem tôi diễn chính kịch. Trong khi đó có người lại bảo tôi chỉ làm hài được thôi.
Cho nên đánh giá của khán giả là vô cùng lắm và là quyền của mọi người. Với tôi, tôi chỉ trả lời bằng tác phẩm, chỉ cố gắng tốt nhất vai trò của mình. Và tôi tin những khán giả có trách nhiệm với chính mình khi thưởng thức nghệ thuật đều có đánh giá khách quan.
* Mấy chục năm qua dù lập nghiệp ở Hà Nội nhưng anh vẫn về quê ăn Tết cùng bố mẹ phải không?
- Bạn hỏi tôi lại xúc động vì cuộc gọi mới đây với mẹ tôi. Mẹ tôi đã im lặng hồi lâu trên điện thoại trước khi an ủi tôi rằng: "Mấy chục năm xa nhà Tết năm nào các con cũng về với bố mẹ, năm nay không về được cũng không sao, bố mẹ vẫn còn đây cơ mà".
Mẹ tôi động viên tôi thôi chứ mẹ mong tôi về lắm. Tết mà. Chỉ vì COVID-19 mà 10 tháng nay tôi không thể về thăm bố mẹ. Tết này chắc cũng không dám về vì lo cho bố mẹ già yếu.
Với tôi về nhà ăn Tết không chỉ thiêng liêng với cá nhân mà tôi còn làm điều này để dạy về nguồn cội cho các con.
Năm nào cũng về quê ăn Tết, tôi cũng lo vợ tôi một lúc nào đó có thể không vui nhưng tôi luôn động viên vợ rằng mình ở tuổi này có quê, còn cha mẹ để về là tốt lắm, rằng đặt mình vào vị trí bố mẹ, sau này già cả các con cũng sắm sửa về ăn Tết cùng mình chẳng phải sẽ hạnh phúc lắm sao. Tôi vẫn nói với vợ con phải giữ cái nếp này.
* Anh cũng thuộc tuýp con trai "mang tiền về cho mẹ" chứ?
- Tôi mang niềm vui, sự tự hào, sức khỏe, nụ cười về cho cha mẹ. Và có tiền mang về cho mẹ thì đó là điều quá tuyệt vời. Cho nên vừa rồi có vụ tranh luận xung quanh bài hát của Đen, tôi rất muốn được hỏi chuyện những người không thích chuyện mang tiền về cho mẹ. Chà, giữa mang tiền về cho mẹ và mang ưu phiền về cho mẹ thì mang tiền về cho mẹ là tuyệt vời lắm chứ.
* Năm đầu tiên không tham gia Táo quân, có lẽ Tết này với anh khá chống chếnh?
- Năm nay tôi không tham gia được vì nhiều lý do. Buồn trống trải. Tôi hụt hẫng, trống trải thực sự. Gần 20 năm tham gia Táo quân tôi hầu như nói nhiều nhất, đứng nhiều nhất trên sân khấu này.
Nhưng năm nay tôi không những mất đi một thói quen quan trọng kéo dài hàng thập niên mà còn mất đi dịp cùng anh em bạn bè đưa ra một tác phẩm vừa là sân khấu vừa là tác phẩm chính luận báo chí thâm sâu được khán giả cả nước đón đợi xem trong đêm cuối cùng của năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận