Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc - Ảnh: G.Tiến |
Và anh bắt đầu câu chuyện của mình với giọng đầy hào hứng:
“Ngay từ nhỏ tôi đã có suy nghĩ mình sẽ đi theo con đường của ba má (cha của NSƯT Thành Lộc là NSND Thành Tôn, mẹ là nữ nghệ nhân hát bội Huỳnh Mai - PV). Hồi đó, cả gia đình tôi sống trong một mái đình lớn, trong lòng mái đình ấy có chứa một sân khấu để biểu diễn.
Những hình ảnh lung linh, những màu sắc chói lòa, những mũ, áo, cân, đai, những vũ điệu, lời ca... của sân khấu cứ vây quanh tôi mỗi ngày và làm tôi choáng ngợp. Xem ba má biểu diễn hằng đêm, tôi rất ngưỡng mộ và ước mơ trở thành diễn viên cải lương như ba má.
“Nhãn hàng OMO (thuộc Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam) tổ chức chương trình “Việt Nam, hãy ước mơ!” nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ hãy để con em mình tự hào chia sẻ ước mơ, đồng thời không ngừng nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ ấy (xem chi tiết tại http://hayuocmo.omovietnam.com)”. |
Bà BÙI LÊ HỒNG NGỌC (đại diện nhãn hàng OMO) |
* Thưa anh, ước mơ của anh có được gia đình ủng hộ không?
- Ba má tôi rất quan tâm đến ước mơ của con và luôn tạo mọi điều kiện cho các con được ăn học tới nơi tới chốn. Có lần ba tôi đã nói ông không muốn người đời khinh thường nghệ sĩ vì cho rằng con em nghệ sĩ thì ít học.
Ông nói chúng tôi phải có kiến thức trước đã, phải học xong trung học rồi muốn làm gì thì làm. Bạn cứ hình dung mà xem: sân khấu biểu diễn ở sát ngay chỗ ngủ với tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát sôi động ngay bên tai, nhưng cứ đến 9g tối là ba tôi cầm roi mây lùa cho đàn con phải nhắm mắt ngủ! Bởi ông sợ chúng tôi thức khuya coi hát thì sáng mai sẽ không thể tỉnh táo mà đi học.
Tuy vậy nhưng tôi mê quá, mê đến mức quên cả nỗi sợ cây roi mây, tôi lén ba xin người cậu (là anh của mẹ tôi, chủ gánh hát hồi đó) để được đóng vai quần chúng trên sân khấu, dù biết sau đó mình sẽ bị ăn đòn.
Ba tôi làm dữ vậy chứ trong thâm tâm ba má tôi rất vui, vui vì con mình sẽ là người kế nghiệp của mình. Ba tôi sở trường là hát bội, ông có vũ đạo rất đẹp. Ở trong đình, vào những buổi chiều rảnh rỗi, ông thường kêu mấy anh chị Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Long ra để ông dạy vũ đạo. Thấy thế tôi cũng học ké các anh chị và được ba chỉ dạy tận tình. Từ những bài học ngày đó mà sau này tôi áp dụng được khá nhiều trong nghề nghiệp của mình.
Khi được 8 tuổi, tôi bắt đầu có chút nhận thức và quyết định bước vào lĩnh vực nghệ thuật. Tôi đã trở thành một trong những diễn viên nhí đầu tiên cộng tác với nghệ sĩ Xuân Phát trong đội kịch thiếu nhi, được biểu diễn và phát sóng trên truyền hình. Lúc đó ba không còn đánh tôi nữa mà ủng hộ tôi, vì ông yên tâm một tháng tôi chỉ xuất hiện một lần trên truyền hình sẽ không ảnh hưởng đến học tập.
* Anh có thấy mình là người may mắn trên con đường thực hiện ước mơ của mình?
- Có thể khẳng định rằng: ba tôi rất nghiêm khắc, nhưng ông chính là bệ phóng cho những ước mơ của các con. Ông dạy chúng tôi bằng roi mây với yêu cầu sau này làm gì cũng được: lao công, quét rác... nhưng không được dốt. Nhờ vậy mới có tôi như hôm nay!
Có một điều đặc biệt là ba má tôi không bao giờ áp đặt con cái phải làm những nghề mình mong muốn. Tôi ước mơ trở thành diễn viên kịch nói, ba má tôi cũng ủng hộ chứ không ép tôi phải đi theo nghề của ba má. Ngay cả chuyện tôi bỏ thi cuối học kỳ lớp 11 ở trường phổ thông để thi vào trường sân khấu, khi biết tôi thi đậu ba chỉ hỏi tôi: “Còn việc học văn hóa thì sao?”, tôi nói con sẽ học bổ túc văn hóa là ba gật gù đồng ý ngay.
Ba má tôi có một đặc điểm là không bao giờ khen con mình mà chỉ toàn chê thôi. Khi xem tôi diễn trên tivi, ba má không nói gì - tức là khen rồi đó. Trong bữa cơm gia đình, ba tôi thường khen đồng nghiệp của mình: chú này diễn giỏi ở điểm X, cô kia diễn xuất sắc ở điểm Y... Đó là cách ông gián tiếp dạy nghề cho các con.
* Từ cuộc đời mình, anh rút ra được kinh nghiệm gì trong việc vun đắp cho những ước mơ của trẻ em trở thành hiện thực?
- Tôi nghĩ điều đầu tiên là hãy lắng nghe và tôn trọng ước mơ của con trẻ. Chúng ta có thể hướng nghiệp cho con em khi con chưa trưởng thành, chưa có sự suy nghĩ, nhận thức chín chắn. Nhưng tôi cho rằng sự hướng nghiệp chỉ nên mang tính cố vấn chứ không phải chỉ đạo. Khi con đến một độ tuổi nào đó, hãy để con cái chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như vậy các con mới trưởng thành được. Thậm chí, rất có thể con em mình phải trả giá, nhưng hãy cứ để con em được trả giá, vì rất có thể đó là một trải nghiệm cần thiết và vô cùng quan trọng sau này.
Xin mời bạn đọc gửi câu chuyện về những ước mơ của con em mình về báo Tuổi Trẻ: [email protected]. Với những câu chuyện đặc biệt, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia tư vấn đưa ra lời khuyên về cách giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trong quá trình phát triển của bé, tạo nền tảng cho những thành công trong tương lai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận