Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh - Ảnh: NVCC
Trong buổi trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online tại Bình Minh Jazz Club, nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh bộc lộ chân dung về người đàn ông thổi saxophone ở tuổi 63 vẫn đau đáu với từng nốt nhạc, không ngừng cống hiến cho "jazz Việt", truyền lửa cho thế hệ sau.
Nghệ sĩ sinh năm 1954 cũng không giấu được những cảm xúc bộc phát của người đàn ông đôn hậu, chân thành khi nói về nhạc jazz, về những năm tháng chật vật bám trụ, lèo lái "con thuyền nhạc jazz club" và đặc biệt là về mối quan hệ còn nhiều xung khắc với con trai là nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc.
Recado Bossanova - Quyền Văn Minh & Quyền Thiện Đắc
Tôi muốn hình ảnh Quyền Văn Minh lùi xuống một tí
* Ông có thể giới thiệu đôi điều về đêm nhạc vào tối 27-10?
- Đây chính là đêm tôi chuyển giao thế hệ. Với 20 năm lăn lộn, câu lạc bộ nhạc jazz tôi đã gây dựng được lực lượng, tôi muốn lực lượng này tinh nhuệ hơn, nâng lên đẳng cấp cao hơn.
Quyền Thiện Đắc sẽ là thuyền trưởng. Với những kinh nghiệm Đắc học được, một thế hệ mới với sức trẻ sẽ nâng tầm jazz, nhất là thời kỳ hiện tại nhạc jazz đã có thị trường nhất định.
Câu lạc bộ nhạc jazz bây giờ có nhiều người đã nghỉ chơi từ lâu bây giờ lại quay lại. Trong họ vẫn còn nhiệt huyết với jazz. Nhiều cháu đến chỉ định chơi một, hai bài rồi vì hưng phấn mà ngồi lại nói chuyện về Jazz.
Đêm nhạc sẽ có sự xuất hiện của một cháu bé 9 tuổi, trình diễn một bản nhạc bí mật dành tặng ông nội của mình - cũng là một người bạn tôi.
Còn có cả 2 nghệ sĩ 13 tuổi và 11 tuổi biểu diễn. Sau đó sẽ là những bản nhạc kinh điển phương Tây xen kẽ các bản nhạc âm hưởng Việt Nam theo phong cách jazz.
Tôi muốn hình ảnh Quyền Văn Minh lùi xuống một tí, chỉ xuất hiện lúc đầu thôi, còn lại là rất nhiều gương mặt trẻ.
* Ông định nghỉ hưu sau đêm nhạc ư?
- Tôi vẫn ở đây chứ, vẫn còn biểu diễn, còn viết. Tôi vẫn có ước mơ là mỗi tối có hai tiếng biểu diễn âm nhạc, một tiếng đầu là các bản kinh điển thế giới, tiếng sau là âm nhạc dân gian Việt Nam.
Tôi đã có tuổi, nhưng nhìn ra thế giới, các bậc vĩ đại trên thế giới có những người 80 tuổi vẫn chơi jazz. Giờ tôi vẫn tâp luyện, xây dựng những chương trình riêng.
Jazz là thứ âm nhạc vĩ đại. Những người chơi jazz là nghệ sĩ, họ chơi ngẫu hứng tức là họ tư duy. Sự mới mẻ luôn xuất hiện hằng ngày hằng giờ.
Chơi Kenny G à? Bố lại làm phiền con!
* Nhạc jazz đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, bằng chứng là đã có nhiều đêm nhạc jazz với nghệ sĩ jazz quốc tế trình diễn với giá vé khá cao, ví dụ như đêm nhạc của nghệ sĩ Nhật Yamamoto vừa rồi ở Nhà hát lớn.
Ông có đi thưởng thức những đêm jazz như thế và có khi nào chạnh lòng vì nghệ sĩ jazz trong nước chưa có những chương trình riêng tương tự?
- Khi Yamamoto đến diễn, ông ấy còn ghé qua Câu lạc bộ nhạc jazz Bình Minh, hỏi chuyện tôi.
Nhìn người nhưng chúng tôi không chạnh lòng vì vẫn cùng nhau tự tổ chức nhiều đêm nhạc riêng, đã lưu diễn ở Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản… cùng các festival âm nhạc quốc tế.
Số festival quốc tế chúng tôi từng tham dự có lẽ còn nhiều hơn số đêm nhạc mà chúng tôi chơi trong nước.
Cha con nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc đều là giảng viên saxophone tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - Ảnh: NVCC
* Nghệ sĩ danh tiếng Kenny G cũng từng sang Việt Nam biểu diễn trong khán phòng gần 4.000 khán giả. Tôn thờ nhạc jazz, ông có cho rằng nhạc jazz Kenny G chơi là "nhạc thang máy"?
- Nó là thứ nhạc có ảnh hưởng một chút nhưng không phải jazz, hoặc có thể gọi là smooth jazz. Đây là âm nhạc thời trang, nhạc nhẹ.
Tôi đã gặp Kenny G trong đêm diễn ở Hà Nội và trả lời phỏng vấn về nhạc jazz của ông ấy ở Câu lạc bộ nhạc jazz.
Mình chào đón Kenny G như một vị khách với lời hay ý đẹp; nhưng với tôi âm nhạc Kenny G tẻ nhạt, nghe được đến bài thứ ba thôi.
Nếu bạn nghe đĩa jazz của một nghệ sĩ jazz đích thực thì càng nghe càng muốn nghe nữa.
* Jazz đích thực, có thể hiểu thế nào, thưa ông?
- Nó đầy màu sắc. Với mỗi bản nhạc, mỗi chủ đề, người ta chơi ngẫu hứng, không bao giờ lặp lại. Còn Kenny G thì tè tí te, tè tí te, cứ thế thôi.
Tôi có rất nhiều ảnh các nghệ sĩ vĩ đại ở Câu lạc bộ nhạc jazz với tầm ảnh hưởng suốt đời không hết, nhưng không có chỗ nào treo ảnh của Kenny G.
Đây không phải coi thường mà những âm nhạc của nghệ sĩ này không nằm trong tiềm thức của mình.
Mặc dù phải nói thật nhạc của Kenny G có sức bao trùm ghê gớm.
Riêng Trung Quốc, hỏi ra nhiều người chỉ biết Kenny G chơi jazz. Nhưng trong âm nhạc chúng ta bằng nhau. Cùng chơi jazz, nhưng âm nhạc của Kenny G để chúng tôi tham khảo thôi.
* Nhưng Kenny G hẳn là có công đại chúng hóa nhạc jazz chứ ông?
- Thì đấy là âm nhạc thị trường mà. Nó là "popular" thì phải có khán giả đông.
Kenny G có một chiêu là làm được vòng tròn hơi lấy từ mũi vào khoang miệng thổi ra luôn. Cái đấy thì tôi chịu. Nó tạo ép phê cho khán giả. Nhưng về mặt trí tuệ âm nhạc thì thế giới có nhiều người vĩ đại lắm.
Chúng ta có thời gian ngồi tập hợp lại những nghệ sĩ chơi saxophone thổi soprano của thế giới thì Kenny G không biết xếp hàng thứ bao nhiêu.
Ở jazz club, cũng có khách yêu cầu thổi bài Kenny G, tôi bảo tôi thổi đúng bài này thôi. Tôi chơi vì chiều khách. Chứ ở đây chúng tôi không chơi Kenny G mà chơi nhạc jazz của các nghệ sĩ khác.
Họ đến Câu lạc bộ nhạc jazz như đến thăm trái tim tôi, thì tôi đón chào. Nhưng bảo chơi thật điêu luyện nhạc của Kenny G thì không.
Nói thật mình không làm được như hắn, vì hai tư tưởng, hai hướng là khác nhau. Ta chỉ nên có một chút giao thoa như thế
Cũng có nhiều nghệ sĩ saxophone thổi soprano và có tính đại chúng lắm, chứ không chỉ có Kenny G. Âm nhạc của thế giới luôn phong phú vô cùng.
Tất nhiên ta cũng phải nói thật, khi muốn xã hội hóa thì ta cũng phải lùi thấp xuống một tí.
Chẳng hạn tôi từng có một chương trình là Jazz với ca khúc Việt Nam, để thông qua các ca khúc Việt Nam, đưa một số cái ngẫu hứng của jazz vào, để khán giả dễ tiếp cận tinh thần của nhạc jazz.
Chợ Xa - Quyền Văn Minh & Quyền Thiện Đắc
Đau lòng lắm tôi mới phải nói với con như thế!
* Ông từng đưa những nhạc cụ nào của Việt Nam vào các tác phẩm jazz Việt mà mình từng biểu diễn?
- Đây là câu hỏi rất thú vị. Tôi không làm việc ấy, vì thứ nhất, nhiều người làm cái này rồi. ví dụ Nguyên Lê.
Họ lấy cái kỳ lạ của nhạc cụ dân tộc để kết hợp với nhạc cụ phương Tây. Còn tôi muốn bằng đúng những nhạc cụ tây phương đó, tôi chơi giai điệu Việt Nam.
Tính Việt Nam là ở chỗ đấy. Tôi gửi đến các bạn bằng giá trị văn hóa, âm nhạc, chứ không phải bằng cái kỳ dị của đàn bầu.
* Nhưng con trai ông, Quyền Thiện Đắc lại khác, anh ấy đã chơi nhạc có nhạc cụ dân tộc và có thể tạm gọi là nhạc world music…?
Nhạc cụ tre nứa lá của mình có độ chuẩn âm thanh khác.
Trong khi đó tôi đang làm một thứ âm nhạc rất khó ở Việt Nam, đưa tới cái chuẩn mực để người ta đón nhận mình.
Đến giờ tôi chỉ viết giai điệu và tôi yêu cầu cố gắng chơi bám vào dân gian, chứ tôi không sử dụng nhạc cụ dân gian nào cả.
* Ông đang nói về sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao thuyền trưởng mới; nhưng Quyền Thiện Đắc lại đang hợp tác mật thiết với các nghệ sĩ Nhất Lý, nhạc sĩ Ngọc Đại… thay vì "chung thuyền" với cha mình là Quyền Văn Minh.
Ông có lo ngại sức hấp dẫn của đường hướng âm nhạc khác ở con trai mình lớn hơn sức hấp dẫn từ ông?
- Câu hỏi hay. Nhất Lý và Ngọc Đại là hai người tôi không lạ gì cả. Khi Nhất Lý bàn với cậu Đắc gây dựng nhóm Phù Sa thì Đắc đang chơi jazz ở Thụy Điển.
Tôi đang làm một việc là kéo Đắc trở lại quỹ đạo của nhạc jazz. Thế nên tôi mới phải làm công việc chuyển giao này.
Trước khi bàn đến chương trình tôi nói với Đắc: Anh thử xem ở Việt Nam hiện nay có ai thổi kèn saxophone hay hơn anh không?
Nếu hay hơn, tôi đóng cửa jazz club, tôi thề không bao giờ thổi kèn nữa. Tôi đầu tư cho anh như thế, nếu anh không làm được công việc của nhạc jazz này, anh đừng gọi tôi là bố nữa. Tuyệt tình đi.
Đau lòng lắm tôi mới phải nói thế. Cậu ấy cũng biết tính tôi rất quyết liệt. Tôi không bao giờ bằng lòng với chuyện nói năng lung tung, dù trong xã hội này có rất nhiều điều bức xúc.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc và nghệ sĩ Đức Minh, ca sĩ Mai Khôi - Ảnh: NVCC
* Ông có nghĩ rằng Quyền Thiện Đắc đang theo con đường riêng mà anh ấy muốn, ví dụ lấy nhạc jazz hòa trộn với các âm thanh khác để có thứ nhạc là world music chẳng hạn thay vì thứ jazz thuần chất như ông muốn?
- Nhắc đến câu chuyện world music thì phải nói đến Quốc Trung. Nhạc của Nguyên Lê thì cũng về quá khứ rồi, nước Pháp người ta không nghe Nguyên Lê nhiều như trước nữa, tôi nói rất thật như thế.
Bảo Đắc tham khảo các nhạc cụ dân tộc, rồi chơi với Nhất Lý để muốn hòa con người mình vào âm nhạc dân gian.
Ừ, thì hòa đi, ok!
Nhưng tôi đầu tư cho anh đi học để về dạy nhạc jazz ở đất nước này, dạy saxophone, để lo một hệ thống các nghệ sĩ chơi jazz ở đẳng cấp cao.
Chứ tôi không đầu tư để anh đệm cho ca sĩ hạng C, hạng B.
Quyền Thiện Đắc: Cha tôi đủ văn minh để hiểu những việc tôi làm
* Anh có phản ứng gì khi bố mình, nghệ sĩ Quyền Văn Minh muốn thông qua đêm nhạc vào tối 27-10 để chuyển giao "con thuyền jazz" đến thuyền trường mới là anh?
- Rõ ràng đó là trách nhiệm đè nặng trên vai tôi.
Nhưng dù nặng nề và còn có những hiểu lầm, quan điểm khác nhau thì tôi vẫn nhận thức rõ về sau cùng tôi vẫn làm nhạc jazz, trong đó có việc tiếp tục sự nghiệp của bố tôi.
Quan trọng nhất bây giờ là xây dựng cộng đồng chơi jazz, dành thời gian cho thế hệ trẻ chơi jazz và điều này thôi không thể chỉ làm một mình.
* Hai cha con Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc có khi nào mâu thuẫn bởi ông không hài lòng khi anh "sa đà" vào chơi những thể loại nhạc khác, hợp tác với những nghệ sĩ đôi khi lên tiếng về những vấn đề ngoài âm nhạc?
- Có chuyện đó, nhưng dù thế nào thì con đường của tôi vẫn là làm nhạc jazz theo cách của mình. Có những điều tôi làm mọi người chưa hiểu, không đồng ý, nhưng với tôi đó là trải nghiệm tốt.
Tôi làm những chương trình chất lượng, theo định hướng nghệ thuật của mình, chứ không làm chính trị. Tôi tách biệt rất rõ điều đó.
Cha con nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc - Ảnh: NVCC
* Cha anh định hướng dùng nhạc cụ phương Tây chơi nhạc mang chất liệu văn hóa Việt Nam, còn anh thì còn kết hợp một số nhạc cụ dân tộc để kết hợp với saxophone và chơi jazz. Đây có phải là sự khác biệt giữa hai cha con?
- Từ năm 1994 tôi đã viết những bài nhạc Việt và cùng bố tôi làm trong nhiều năm. Tuy nhiên tôi thấy hiệu quả thực sự của chúng chưa đạt đến đẳng cấp mang đi giới thiệu nước ngoài.
Sau đó tôi học về nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu rõ hơn những vấn đề với nhạc dân tộc và khi hiểu sâu thì thấy jazz không khác nhạc dân tộc, cùng có sự ngẫu hứng.
Việc khai thác thế nào mới là vấn đề và để có kết quả thì không thể chỉ làm trong hai năm.
Tôi đã có 4 năm làm việc với nhạc cụ dân tộc ở Phù Sa Lab, 2 năm hợp tác với nhóm Đàn Đó, làm chương trình với ca sĩ Mai Khôi…
Đó là quãng thời gian trải nghiệm, thể nghiệm, nhưng cũng có kết quả, đủ để tôi thấy bức tranh tổng thể và có định hướng rõ khi làm nhạc jazz.
Cũng có thể coi sự khác biệt giữa hai cha con là khác biệt về thế hệ. Như tên Quyền Văn Minh, tôi nghĩ cha tôi đủ văn minh để hiểu những việc tôi làm.
* Cha anh nói ở Việt Nam hiện tại không có có trình độ thổi kèn saxophone được bằng Quyền Thiện Đắc. Anh thấy sao?
- Tôi không quan tâm mình hơn hay kém ai. Điều đó không quan trọng. Tre già thì măng mọc. Tôi chỉ biết mình đang đi tìm cá tính, cái tôi, tìm thứ âm nhạc riêng trong jazz mà không ai bắt chước được.
Khi tôi làm nghệ thuật, việc có tác phẩm đủ chất lượng và mình sống được thì đó mới là điều hạnh phúc nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận