05/05/2013 11:08 GMT+7

NSƯT Hồng Vân: Bao giờ thôi hết tơ vương?

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Ai đến thăm ca sĩ - NSƯT Hồng Vân sau tai nạn bị cướp xô ngã cũng thấy bà dù băng bó nửa bên mặt, môi sưng vều nhưng vẫn cười tung tóe niềm vui vì: "Trong cái rủi có cái may. Nhiều khán giả, đồng nghiệp, đàn em, học trò đến thăm liên tục, thấy mình được thương quá".

Với một nghệ sĩ, chỉ cần "được thương" là đủ cho họ hạnh phúc.

6qzvwMYO.jpgPhóng to
NSƯT Hồng Vân trên sân khấu - Ảnh: Gia Tiến

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Bà kể lại: "Khoảng 23g ngày 15-4, sau khi đi hát ở phòng trà Ân Nam về, tôi thuê xe ôm về hẻm 382 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM; sau đó đi bộ một mình khoảng 200m vào gần đến nhà thì bất ngờ bị hai kẻ lạ mặt tấn công, cướp túi xách trong có tiền và giấy tờ tùy thân. Ban đầu thấy mấy đứa thanh niên ngồi ngay hẻm nhà mình, tôi cũng không để ý đề phòng vì nghĩ cũng như mọi ngày. Tôi vừa đến trước cửa nhà chưa kịp gọi con ra mở cửa thì tụi nó xô tôi ngã đập mặt vào hàng rào song sắt bên ngoài, chiếc vòng đá mà tôi rất thích bị gãy nát, mặt tôi chảy máu lênh láng, ngã lăn ra bất tỉnh. May mà người hàng xóm thấy nên gọi cửa cho con tôi ra đưa tôi đi bệnh viện".

Những mảnh rời buồn đau

Những buổi viếng thăm của người viết với bà là các khoảng trống khi bà ở nhà tịnh dưỡng sau các lần đến bệnh viện cho bác sĩ thăm khám, cắt chỉ vết thương. Câu chuyện thường đứt quãng vì bà có khách chứ không vì bà mệt. Nét tao nhã, lịch sự của một người xuất thân từ hoàng tộc hiển hiện trong con người bà: từ cách rót nước mời khách đến cách tiếp chuyện những người thân, sơ.

Xen giữa những mẩu chuyện rời về nghề và nghiệp ca hát, bà rưng rưng hoài niệm: "Hồi nhỏ tôi sống với mẹ và mấy bà dì. Ba tôi có tính trăng gió, mẹ tôi bỏ về ngoại. Bên ngoại thì nghèo vật chất, chỉ có tình thương là dư thừa". Bà có tình thương của các dì bù đắp, các dì đều vắng chồng chưa kịp có con nên ai cũng hít hà, bồng ẵm cưng nựng. Mà không chỉ có cưng nựng, mẹ và các dì đã trao cho bà tình yêu đầu đời với sách, những bài học nhân nghĩa lễ trí. Ðến bây giờ, bà vẫn duy trì thói quen đọc sách: "Người trí thức một ngày không đọc sách, soi gương thấy thẹn".

Thi thoảng, bà lại nhắc về những khoảng tối buồn đau trong hôn nhân: bà và chồng đã ly dị, bà nuôi hết con, ba đứa và tự hào khi chúng nên người. Bà nói: "Chia tay ông ấy xong, có vài người thương tôi, muốn đến với tôi nhưng mà họ chỉ thương mình tôi thôi, họ không chịu thương mấy cái đuôi của tôi nên tôi tự nguyện chia tay họ vì không muốn con mình khổ". Cũng đã hơn 20 năm bà sống với các con, cũng có những tình yêu nhưng không có hôn nhân nữa.

Và bây giờ, mối tình (có lẽ) là cuối của bà đang ở Thụy Sĩ, người đàn ông mà mắt bà lấp lánh khi kể về ông: "Ông làm thơ hay lắm...". Bà kể bà gửi qua Thụy Sĩ cho ông hai cục đá để ông cầm trong tay tập thể dục với những ngón tay rồi bà cười hồn nhiên: "Ờ, nhưng mà nghĩ lại thấy mình cũng dị... Mình thích đá chứ ông đâu có thích...".

Nói đến tình yêu, bà như trẻ lại thuở đôi mươi với nụ cười bừng sáng.

Là một quý bà hát dân ca

Ca sĩ Ánh Tuyết, khi nghe tin bà Hồng Vân bị giật đồ, đùa tếu: "Chắc tụi nó thấy chị sang trọng quá, tưởng chị có nhiều kim cương". Câu đùa đó chỉ ra một nét phong cách con người lẫn âm nhạc của NSƯT Hồng Vân: một quý bà hát - đặc biệt là hát dân ca. Bài hát nào, dù bình dân cách mấy, dù "sến" cỡ nào, qua giọng hát của bà, với phong cách của bà cũng thành sang trọng, da diết.

Với bà, hát dân ca đâu chỉ là hát đúng giai điệu mà còn phải thấu hiểu từng ca từ, hiểu cái hoàn cảnh, hiểu cả thời cuộc. Ví như câu hát Xe chỉ luồn kim thôi, đâu có mấy người hiểu được những u uẩn đằng sau từng con chữ. Xe chỉ ố mấy kim luồn kim, ố mấy kim luồn kim, ố mấy ngồi í i rồi. Xe chỉ ố mấy kim luồn kim. Thêu i vào tình chung vuông nhiễu tím í i i...song í ì i... gửi ì lên ô chàng gửi lên cho chàng... Bà ngân dài da diết chữ "gửi"..., nhấn mạnh chữ "chàng": "Không thể hát nhanh, không được phối nhanh, gõ dập dồn như các cô gái trẻ bây giờ làm mới dân ca vẫn được khen ngợi ầm ĩ. Hát như vậy sao ra hình ảnh một người thiếu phụ chờ chồng, từng đường kim mũi chỉ gửi hết mong nhớ, rất chậm, rất sâu và có thể là người thiếu phụ đó đang khóc nữa...".

Ca sĩ Ánh Tuyết nói: "Chị Hồng Vân là một tài năng bẩm sinh, chị nhớ và thuộc rất nhiều lời bài hát, có những bài hát xưa thật xưa mà tôi muốn tìm bản gốc thì hỏi chị, chị đều có. Chị chưa bao giờ hát sai lời, sai nốt nhạc nào, đã hẹn là đúng giờ dù mưa bão ầm ầm cũng tới".

Hát dân ca nhưng có lẽ chính vốn kiến thức văn chương từ các tác phẩm của Victor Hugo, Dostoievsky, Francoise Sagan... đến Hemingway, O’Henry đã giúp bà có một chiều sâu: "Ðừng tưởng dân ca là bình dân, là ít chữ. Thân phận con người cũng từ đó mà ra, muốn hiểu thời đại nào hãy nghe dân ca của thời đại đó".

Ðược mời thỉnh giảng tại Nhạc viện TP.HCM, tại các trường dạy ca hát, bà đến đâu, người học mê mẩn đến đó. Bà luôn hướng người học đến một lối hát tròn vành rõ chữ, tiếng Việt trong giọng hát của bà đẹp, sang trọng, đó không phải là thứ tiếng Việt bị méo mó hay đớt đát như người nước ngoài hát tiếng Việt. Và bà nói với học trò: "Cô muốn các em hát một cách tử tế, tôn trọng nhạc sĩ sáng tác, tôn trọng tiếng mẹ đẻ".

Chen giữa cuộc chuyện trò, đôi lúc bà hát. Hát say sưa cho dù bà vừa mới phẫu thuật sắp xếp lại xương đùi (vẫn là hậu quả của cú té ngã do bị cướp giật). Không có tai nạn này, đêm qua (4-5) bà đã trình diễn Trên đỉnh Phù Vân trong chương trình "Tình khúc vượt thời gian". Ðành ngồi nhà nuối tiếc. Nỗi lòng của những cung nữ đã đi theo nhà vua đến tận non cao để mong tận mặt quân vương một lòng cho thỏa tình si nhưng cổng chùa đã đóng lại, chỉ còn mây trắng bay - nỗi lòng đau đớn ấy dồn trút trong câu hát cuối, khi bà hạ giọng xuống một tông và cất tiếng nghẹn ngào: Giữa chốn huyền không, tìm người trong mộng. Và bà hát, chỉ cho một khán giả nghe, dường như trong tiếng hát có tiếng nấc: Bao giờ thôi hết tơ vương?

Hồng Vân học nhạc từ khi còn bé với các thầy, nhạc sĩ thành danh: Lê Thương, Vĩnh Phan, Hùng Lân và khởi nghiệp rất sớm. 20 tuổi (1969), bà là thành viên của tam ca Đông Phương (gồm Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân) lừng lẫy với dòng nhạc dân gian ba miền, hằng đêm biểu diễn ở các phòng trà Đêm Màu Hồng, Maxim’s, Queen Bee...

Bà hồi tưởng: “Tài năng bẩm sinh tôi không bằng các chị Thu Hà, Tuyết Hằng nhưng kỹ thuật thì tôi khá hơn một chút. Lần đầu tiên ba chúng tôi hát chung, sáng hôm sau bao nhiêu tờ nhật trình ở Sài Gòn lúc đó đều đăng hết”.

Năm 1972, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từ Pháp trở về soạn hòa âm cho nhóm. Sau năm 1975, bà vẫn tiếp tục ca hát ở Bông Sen, Bông Hồng, Hương Miền Nam... Và thơ ca cũng thành một chốn đam mê. Những bài thơ được giọng ngâm truyền cảm của bà thể hiện như Hai sắc hoa tigôn, Áo lụa Hà Đông, Hoa trắng thôi cài trên áo tím... đã làm say đắm bao nhiêu người yêu thơ. Đến nỗi nhiều người đã tự nguyện tìm kiếm những bài ngâm ấy và gom chúng lại thành một “bộ sưu tập” để chia sẻ cho nhau thưởng thức.

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên