Trần Tiến và thế hệ vàng của sân khấu thời hoàng kim
Trong lúc bối rối và xúc động tìm lại tư liệu để viết điếu văn cho NSND Trần Tiến, NSƯT Lê Chức không giấu niềm hãnh diện và kính trọng khi nói về anh rể của mình với Tuổi Trẻ Online (ông Lê Chức là em trai NSƯT Lê Mai - vợ cũ của NSND Trần Tiến).
Ông Chức cho biết Trần Tiến sinh ra trong một gia đình nề nếp gia giáo, tư chất nghệ sĩ bộc lộ từ rất sớm. Cũng vì là nghệ sĩ trong một gia đình Hà Nội nề nếp nên ở ông có chất hào hoa, lịch lãm đặc biệt.
Tháng 10-1954, ông đã theo anh mình là Trần Văn Nghĩa (sau này là giám đốc Đoàn Múa rối trung ương), trở thành văn công của Đoàn văn công Trung ương.
Chính NSND Thế Lữ đã phát hiện ra tài năng nghệ thuật của Trần Tiến nên khuyến khích ông theo nghề.
Vào nghề diễn viên sân khấu với những vai hài trên sân khấu chèo, Trần Tiến ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi chất hài hước đầy trí tuệ và thẩm mỹ.
Đến năm 1980 thì đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi đã "khai phá" ra một Trần Tiến thật sừng sững, vững vàng trong những vai diễn chính kịch. Năm đó, ông vào vai Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan.
Nếu như NSND Thế Lữ phát hiện ra năng khiếu diễn xuất của Trần Tiến và mở ra một Trần Tiến rất duyên trong các vai hài chèo, thì gần hai mươi năm sau con trai Thế Lữ là Nguyễn Đình Nghi khai phá ra một Trần Tiến khác - một Trần Tiến sừng sững trên sân khấu kịch nói và màn ảnh với những vai lớn.
Ngoài tài năng diễn xuất, Trần Tiến còn có khả năng ca hát.
Là người cũng thế hệ, nhà phê bình Ngô Thảo rất hiểu và tôn trọng tài năng cũng như nhân cách của NSND Trần Tiến.
Ông Thảo nói, sau Doãn Hoàng Giang, sự ra đi của nghệ sĩ Trần Tiến kết thúc một thế hệ những nghệ sĩ trưởng thành trong thời hòa bình, một thế hệ nghệ sĩ vàng đã làm nên thời kỳ hoàng kim của sân khấu Việt Nam những năm 1980.
Đó là những nghệ sĩ đáng trọng như Quang Thái, Hà Văn Trọng, Đoàn Dũng, Thế Anh…
"Thế hệ của họ đã làm được rất nhiều việc cho sân khấu, tạo nên một thời sân khấu hoàng kim, đưa diễn viên thoát khỏi thân phận "con hát", trở thành những người nghệ sĩ được kính trọng, yêu mến", ông Thảo nói.
"Quan sát nghệ sĩ Trần Tiến làm việc, tôi thấy nghề của mình thật thiêng liêng"
May mắn được làm việc cùng NSND Trần Tiến ở một trong những vai diễn cuối cùng của ông trên màn ảnh, đạo diễn Phan Đăng Di một lòng kính trọng tài năng và thái độ làm nghề của bậc tiền bối.
Đạo diễn Bi, đừng sợ đến giờ vẫn cho rằng anh có một may mắn rất lớn trên con đường nghề nghiệp của mình, đó là đoạn đầu nghề nghiệp đã được làm việc với thế hệ đầu của điện ảnh và sân khấu Việt Nam như NSND Trần Tiến.
Qua vai diễn người ông của Trần Tiến trong Bi, đừng sợ, Phan Đăng Di nói anh đã nhìn thấy ở nghệ sĩ Trần Tiến một tài năng đặc biệt, tài năng từ trong cả nghề nghiệp, hình thể, giọng nói cho đến khí chất, tinh thần làm việc tuyệt vời.
"Tôi còn nhớ tôi đã cảm nhận được sự thiêng liêng của nghề nghiệp thế nào khi tôi quan sát NDND Trần Tiến và những nghệ sĩ thế hệ ông làm việc.
Khi ra trường quay, chú chỉ lặng lẽ quan sát, nhập vai với một tinh thần khiêm nhường và kỷ luật. Chú cẩn trọng với nghề và vô cùng lịch lãm trong ứng xử", đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Phan Đăng Di còn nhớ khi làm Bi, đừng sợ anh chỉ đáng tuổi con cháu của Trần Tiến, và trước đó đã phải mất rất nhiều công sức thuyết phục ông tham gia bộ phim vì không có ai phù hợp với vai diễn hơn. Nhưng khi đã nhận lời, trên trường quay Trần Tiến rất mực tôn trọng đạo diễn trẻ, bàn bạc, trao đổi công việc rất cởi mởi, thân tình.
"Lớp nghệ sĩ ấy mất đi, nền nghệ thuật của mình mất đi những điều rất quan trọng - đó là sự nghiêm cẩn, tinh tế trong nghề và sự lịch lãm trong đối nhân xử thế.
Điện ảnh Việt Nam có độ sang, cao cả nhất định chính là nhờ tinh thần, phẩm chất ấy của lứa nghệ sĩ như Trần Tiến", đạo diễn Bi, đừng sợ nhận định.
Phan Đăng Di chia sẻ anh rất buồn khi lớp diễn viên như vậy dần ra đi, mang theo di sản quan trọng của nền điện ảnh, sân khấu nước nhà .
Cha và con cùng diễn trong cùng một bộ phim
Có sự gần gũi thế hệ cũng như gần gũi trong đời sống với NSND Trần Tiến, ông Ngô Thảo cho biết, không giống như nhiều người nhầm tưởng, Trần Tiến là một người cha rất mực yêu thương con cái, hết lòng chăm lo cho các con và gia đình.
Tấm lòng người cha không phải lúc nào cũng được con cái sẻ chia, thấu hiểu, nhưng ông tuyệt đối không phải người đàn ông ích kỷ trong gia đình.
Ông Thảo còn nhớ mãi những tháng năm Trần Tiến đưa các con đi sơ tán, một thời nghèo đói đến độ ông chỉ đủ tiền mua cây mướp trồng để cho các con có những bữa ăn cải thiện từ lá mướp non, quả mướp.
Một điều thú vị, trong sự nghiệp điện ảnh của mình, có một bộ phim mà ông tham gia cùng con gái Lê Vân. Đó là bộ phim Tự thú trước bình minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận