Phóng to |
NSND Thế Anh - Ảnh: Gia Tiến |
Nghệ sĩ Thế Anh chốc chốc lại đứng lên diễn xuất minh họa cho lời mình nói, rằng diễn vai vua thì phải diễn như thế này, chứ vua mà cầm kiếm như thế kia thì làm sao… Ông bảo rằng chỉ khi “đóng phim phải thật như ngoài đời” thì vai diễn mới thành công.
NSND Thế Anh sinh năm 1938 tại Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1961, ông từng đỗ vào khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng chỉ thời gian ngắn sau, ông trúng tuyển vào lớp diễn viên của Trường Nghệ thuật sân khấu. Ông xuất thân từ diễn viên sân khấu, tốt nghiệp loại ưu với vai tên sĩ quan Mỹ trong vở Đêm đen của Ngô Y Linh, nhưng có sự thành công đặc biệt với điện ảnh qua hai vai diễn để đời: trung úy Phương trong Nổi gió (đạo diễn: Huy Thành - 1966) và Ba Duy trong Mối tình đầu (đạo diễn: Hoàng Tích Chỉ - 1977). Ông đặt tên cho hai con trai của mình là Thế Phương và Thế Duy để kỷ niệm hai vai diễn làm nên tên tuổi của ông. |
- NSND Thế Anh: Bởi thời của bọn tôi là diễn bằng xương, bằng máu. Ví như khi đế quốc Mỹ ném bom B-52 xuống Hà Nội, cả một dãy phố ở Khâm Thiên chết hết thì trong lòng tất cả mọi người đều sôi sục lên, phải làm điều gì đó tố cáo tội ác của giặc.
Khi đó, tự dưng bụng bảo dạ trên cương vị là một nghệ sĩ, anh phải làm bộ phim tố cáo cho người ta thấy tội ác của chiến tranh. Những bộ phim như Em bé Hà Nội ra đời từ đó.
Hay những ngày tôi đóng phim Đường về quê mẹ là thời gian chiến tranh phá hoại ác liệt nhất, bom rơi chùm trên đầu. Chúng tôi đã làm việc trong những hoàn cảnh như thế mà có cần tiền đâu.
Tất nhiên cũng phải có cái ăn chứ, nhưng không nghĩ nhiều đến. Còn bây giờ, trong điều kiện ăn sung mặc sướng thì lại thiếu đi trái tim nóng hổi ở bên trong, thiếu đi ngọn lửa, lòng nhiệt huyết.
* Nhưng thời của ông, dù có đi làm nghệ thuật thì phía sau vẫn còn một gia đình phải lo mà?
- Thời chiến tranh thì mọi người sống vô tư lắm, sống vì cái chung, người ta sẵn sàng dỡ nhà để xe tăng qua, hay một gia đình có bao nhiêu con trai thì cứ cho ra trận hết. Không thành vấn đề! Nhưng khi hòa bình rồi thì diễn biến lại khác, người ta nghĩ cho “cái cá nhân” nhiều hơn.
* Khi ấy đạo diễn đã phải “trau chuốt” khâu diễn viên đến thế nào? Vì được biết bộ phim Nổi gió lúc quay được hơn 400m, nhưng khi xem lại thấy vẫn chưa đồng ý, đạo diễn Huy Thành cho ngừng để tuyển lại diễn viên?
- Lúc đó phim đã quay được 400m dựng rồi, tức là mấy nghìn mét phim thường, nhưng đạo diễn vẫn quyết định bỏ và tuyển diễn viên làm lại từ đầu. Bởi, cứ thử tưởng tượng xem, một anh trí thức mà lại cho vào vai một anh nông dân tay cày tay búa, dù có mặc bộ quần áo nông dân, tay cầm điếu thuốc lào thì nó vẫn không ra.
Đạo diễn đòi hỏi người diễn viên phải truyền tải được cảm xúc đến khán giả. Ví dụ như ở cảnh kết thúc của phim Mối tình đầu, tức cảnh Ba Duy ôm mặt Diễm Hương (NSND Như Quỳnh) khóc, đạo diễn Hải Ninh yêu cầu tôi phải quay nghiêng, và hai giọt nước mắt nhỏ xuống. Cảnh này rất khó vì tôi ôm mặt cô Như Quỳnh, phải thể hiện cho được tâm trạng là “lúc này anh thấy rằng anh sai quá”, nhưng nếu khóc thật mà máy vào cận cảnh thì sùi nước mắt, nước mũi lên xấu lắm; phải làm sao khuôn mặt vẫn như thế nhưng hai giọt nước mắt chảy xuống, có gì đó nghẹn ngào, uất hận. Cứ trên tinh thần hôm nay không được thì để ngày mai, quay đến khi nào được thì thôi, và tôi đã mất một tuần để hoàn thành cảnh đó. |
* Từ những năm 2000, khán giả thấy NSND Thế Anh xuất hiện trong các phim truyền hình như Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu…, việc một diễn viên điện ảnh của “một thời vang bóng” tham gia đóng phim truyền hình hiện nay, liệu có gì đó trớ trêu không?
- Cái trớ trêu là một anh có chuyên môn phải làm việc với một anh không có chuyên môn; cái chính quy làm việc với cái cẩu thả. Đó cũng là điều đau khổ nhất của tôi.
* Vậy sao ông lại đồng ý đóng phim truyền hình?
- Bởi lúc đầu tôi rất háo hức, vẫn còn cảm giác sôi nổi một thời và muốn được tham gia đóng phim. Nhưng càng về sau thì tôi thôi. Những phim truyền hình hồi tôi tham gia vẫn còn khá, nhưng càng ngày thì càng xuống quá, làm cho mình sợ và không dám tham gia nữa.
* Được biết, từng có phim truyền hình sau khi đọc kịch bản xong ông đồng ý nhận vai, nhưng khi phim phát sóng thì ông bảo phim “vớ va vớ vẩn”, vì sao lại như vậy?
- Lỗi ở bàn tay đạo diễn. Trình độ của đạo diễn kém quá. Nhiều lúc phim chiếu, tôi ngồi xem mà đỏ, mà tái cả mặt.
* Xuất thân từ diễn viên sân khấu nhưng nổi tiếng với điện ảnh, sau này có tham gia đóng phim truyền hình, kinh nghiệm diễn xuất của ông cho từng thể loại như thế nào?
- Thật ra sân khấu, điện ảnh và truyền hình là anh em cùng cha khác mẹ, cùng chung một cái gốc, nhưng khác nhau ở cách biểu hiện. Người diễn viên giỏi sẽ đóng ở sân khấu khác, điện ảnh khác và truyền hình cũng khác. Quan trọng nhất là nắm bắt được kỹ thuật của từng bộ môn.
Ví dụ như trong điện ảnh, vì khoảng cách máy quay đến diễn viên chỉ 1m, có lúc là 50cm, cho nên chỉ bằng một cái nheo mắt hay một thoáng trong người là khán giả dễ dàng nhận ra một vấn đề nào đó.
Còn với sân khấu mà diễn như thế thì chẳng ai hiểu điều gì, bởi sân khấu cách xa khán giả nên phải biểu hiện ra bên ngoài.
Truyền hình thì khá gần với điện ảnh, tuy nhiên, vì phải quay nhiều cảnh trong một thời gian ngắn hơn nên diễn xuất hay tiết tấu vì thế cũng nhẹ nhàng hơn. Tôi có cái lợi là xuất thân từ sân khấu nên kỹ thuật nội tâm tốt, rất sâu sắc cho nên khi chuyển sang điện ảnh là “ăn tiền” ngay.
* Thế có bao giờ kỹ thuật nội tâm của sân khấu khiến ông diễn bị cường điệu ở điện ảnh hay truyền hình không?
- Không. Nếu như vậy thì anh là diễn viên kém. Tôi luôn quan niệm đóng phim phải thật như ngoài đời, khi đó là mình đã đạt. Yêu cầu của người diễn viên là phải luôn ngạc nhiên trước cuộc sống, phải luôn tìm hiểu, phải mở to mắt để tất cả những cái bên ngoài cuộc sống vào trong anh. Và khi mình thể hiện thì mọi thứ sẽ y như thật.
* Ông có nghĩ rằng khi sa sút chạm đến đáy rồi thì phim Việt sẽ bật dậy?
- Không bao giờ. Có phải là xuống hết mức có thể rồi sẽ bật lên đâu. Vấn đề là anh phải có cái đầu tư duy, phải đầu tư thì mới mong bật lên, chứ cái kiểu này đã xuống thì sẽ còn xuống nữa, xuống nữa.
Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” do TTO tổ chức với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, qua đó đưa ra những gợi ý, giải pháp để nâng tầm chất lượng của phim Việt. Mời bạn đọc gửi bài viết với những gợi ý sau: - Bạn thấy kịch bản phim Việt hiện nay như thế nào? Độ hợp lý/ gần gũi/ hấp dẫn? Như thế nào là những kịch bản điện ảnh lay động, hấp dẫn, gần gũi? - Thoại trong phim Việt có tự nhiên hay lên gân, hay nghe giả tạo? - Đạo diễn Việt Nam còn thiếu điều gì để có nhiều bộ phim xứng tầm, không lạc lõng giữa thị trường, không coi thường khán giả. - Chất lượng diễn viên hiện nay như thế nào: diễn xuất của diễn viên/ mức độ hóa thân vào nhân vật? - Âm nhạc cho phim - Vai trò của nhà phê bình, nhà sản xuất, nhà quản lý cũng như hội đồng duyệt phim… Bạn cũng có thể đề cập đến cái hay nên học hỏi của những bộ phim truyền hình/ điện ảnh hay của Việt Nam/ thế giới… Bài viết xin vui lòng gửi về [email protected]; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt. Bài viết gõ bằng Unicode, không quá 1.000 chữ. Dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận