Tháng 11 và 12-2020 vừa qua, chuỗi chương trình "Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài thành hoa lệ" với chùm 4 tác phẩm nổi tiếng đã du Nam với mong muốn tiếp tục chinh phục trái tim khán giả TP.HCM.
Đây không phải lần đầu tiên, Sân khấu Lệ Ngọc "đỏ đèn" truyền tải giá trị tích cực tới công chúng. Người "chèo lái" sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở miền Bắc này là NSND Lệ Ngọc.
NSND Lệ Ngọc: không ngừng "truyền lửa" đam mê nghệ thuật
40 năm không ngừng cống hiến, trải qua hàng trăm vai diễn, hàng ngàn lần xuất hiện trên sân khấu, tình yêu của NSND Lệ Ngọc vẫn luôn vẹn nguyên và "bùng cháy". Mỗi lần xuất hiện trên sàn diễn, bà đều khiến khán giả cảm nhận được tình yêu nghệ thuật mãnh liệt từ mỗi vai diễn.
Bà hóa thân được vào nhiều hình tượng đa dạng: Khi độc ác như chánh phán trong Cây Tre Thần, mẹ kế trong Tấm Cám, lúc thánh thiện, giàu đức hy sinh như bà Phạm Thị Ngà - mẹ vua Lý Công Uẩn…
NSND Lệ Ngọc trong vai bà Phạm Thị Ngà - mẹ vua Lý Công Uẩn
Đặc biệt trong vở Ngũ Biến, NSND Lệ Ngọc một mình hóa thân tới 5 vai. Còn với Thị Nở - Chí Phèo, bà thể hiện hai nhân vật gần như đối lập, từ hình ảnh hách dịch mà lẳng lơ của bà Ba nhà Bá Kiến đến Thị Nở ngây ngô, hồn nhiên.
Ở vở diễn mới nhất vừa ra mắt tháng 11 vừa qua (Quan Âm Diệu Thiện), NSND Lệ Ngọc vào vai Công Chúa Ba Diệu Thiện, con gái vua Trang Vương trong hành trình cứu khổ, cứu nạn, nhập niết bàn và được sắc phong Đức Phật Bà Hương Tích.
Bà chứng tỏ mình có khá đầy đủ khả năng nhập vai, thanh sắc, đài từ, sự tận tụy đầu tư trong từng vai diễn để không gò bó bản thân trong một khuôn khổ nào.
NSND Lệ Ngọc trong vở kịch Quan Âm Diệu Thiện
Người "chèo lái" sân khấu xã hội hóa đầu tiên của miền Bắc
Với mong muốn tận hiến cho kịch nghệ nước nhà, truyền "ngọn lửa nghề" đi xa, năm 2016, bà thành lập Sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền Bắc.
Ở thời điểm đó, kịch nghệ đã qua thời kỳ hoàng kim, những làn sóng mới du nhập khiến người Việt Nam có phần xao lãng với kịch. Nhưng bằng nhiệt huyết với nghề, NSND vẫn quyết tâm đầu tư sân khấu tư nhân và hoạt động tới tận ngày nay.
Để lựa chọn được những gương mặt mới, bà tìm về tận từng trường nghệ thuật để tinh tuyển và dành nhiều thời gian, tâm huyết để đào tạo tài năng trẻ. Sau 4 năm kể từ khi thành lập, với sự chỉ đạo về lãnh đạo nghệ thuật và đường lối đúng đắn, nghệ sĩ đã chèo lái để duy trì sân khấu xã hội hóa mang tên mình.
Đặc biệt, nhờ khả năng ngoại giao cùng tầm nhìn chiến lược, NSND Lệ Ngọc đã nỗ lực duy trì được khá nhiều đêm diễn trong điều kiện hoạt động sân khấu đìu hiu.
Các tác phẩm kịch của Lệ Ngọc phần nào được công chúng đón nhận, góp phần truyền tải cảm hứng nghệ thuật tới khán giả, lan truyền thông điệp cao đẹp, giá trị nhân văn cũng như lưu giữ cội nguồn văn hóa dân gian.
Với nỗ lực của mình, những vai diễn của NSND Lệ Ngọc nói riêng và các vở kịch của Sân khấu Lệ Ngọc nói chung đã giành được một số giải thưởng như:
- Kim Tử và Ngũ Biến lần lượt giành giải "Hoa dâm bụt" cho vở diễn và diễn viên xuất sắc nhất (Liên hoan sân khấu ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc năm 2016 và 2018);
- Huyền thoại gò rồng ấp cũng đã được trao tặng giải thưởng kể trên; Tháng 10/2019 tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, NSND Lệ Ngọc nhận huy chương vàng vai Phạm Thị Ngà trong vở Huyền thoại gò rồng ấp
Năm 2020, khi tình hình đại địch trên thế giới gây khó khăn cho nhiều ngành nghề, trong đó có cả nghệ thuật, sân khấu Lệ Ngọc vẫn cố gắng giới thiệu nhiều vở diễn như Huyền thoại gò rồng ấp, Tình bạn & Công lý, Quan Âm Diệu Thiện đến với đông đảo quần chúng. Trong đó, vở kịch Tình bạn & Công lý còn mang về Huy Chương Vàng tại Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND.
Với những hoạt động bền bỉ trong nghề, NSND Lệ Ngọc đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong công tác xã hội hóa, bảo tồn và phát triển loại hình Nghệ thuật Sân khấu, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (theo Quyết định được phê duyệt vào ngày 09/10/2020).
Bà cũng đã vinh dự trở thành một trong 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận