NSND Hoàng Cúc (bìa phải) nhận giải thưởng văn chương cùng bạn bè đến chung vui - Ảnh: T.ĐIỂU
Bạn bè Facebook của nghệ sĩ Hoàng Cúc từ lâu đã được đọc thơ bà, những bài thơ tâm tình viết ngay trên Facebook, nhưng nhiều người không biết rằng bà còn viết truyện ngắn và tản văn từ rất lâu nhưng không xuất bản. Mãi gần đây bà mới in vài chùm thơ trên báo xuân.
Người hâm mộ cũng ngạc nhiên khi một phụ nữ rất Hà Nội như Hoàng Cúc lại giành giải thưởng văn chương đầu tiên với một truyện ngắn về đề tài nông thôn. Thực ra, nông thôn không hề xa lạ với những người thuộc thế hệ bà, ngay cả những người ở thành phố. Ai cũng được ngụp lặn với đời sống nông thôn trong những năm tháng chiến tranh phải đi sơ tán.
Truyện ngắn Về nhà của nghệ sĩ Hoàng Cúc được trao giải lần này viết về tình cảm mẹ con rất ấm áp của hai mẹ con nông thôn nhưng không may người mẹ sớm qua đời, để lại sự chống chếnh lớn với cô con gái đang ở tuổi mới lớn. Truyện là hành trình cô gái vừa chìm đắm trong những kỷ niệm về mẹ và vừa vượt qua nỗi đau để "về nhà".
Nghệ sĩ Hoàng Cúc vẫn xinh đẹp và đầy sức sống dù đang mang trọng bệnh - Ảnh: T.ĐIỂU
Công chúng ngạc nhiên khi thấy nữ diễn viên giành giải văn chương nhưng nhiều bạn nghề cùng thời hay người thân thì không ngạc nhiên bởi nghệ sĩ Hoàng Cúc đã nổi tiếng ham đọc văn chương ngay từ khi còn nhỏ. 13 tuổi, bà đọc hết các tác phẩm của những đại văn hào như Dostoevsky, Lev Tolstoy...
Đến nỗi, khi học trong trường nghề bà được coi là hiện tượng mê đọc sách ở trường, đêm đêm lại ngồi bên ngọn đèn dầu trong thư viện trường để đọc sách. Đạo diễn Đình Nghi còn gọi bà là "cô gái với chiếc đèn dầu".
Đặc biệt yêu thơ tình, nghệ sĩ Hoàng Cúc mê thơ tình Puskin, Lamartine, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ... Thời sách vở hiếm hoi, bà thường mài ngòi bút sắt, chấm mực tàu để chép thơ, từ Nguyễn Bình tới Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh...
Khi làm phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nữ nghệ sĩ rất yêu thích công việc săn tìm kịch bản hay để nhà hát dựng vở, cũng bởi niềm đam mê văn chương.
Cho đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi ngoài 60 và mang trong mình căn bệnh ung thư vú nhưng tình yêu văn chương vẫn nguyên vẹn say đắm và thói quen đọc sách, viết lách vẫn được bà duy trì đều đặn. Khi gặp cuốn sách hay, bà mải mê đọc đêm ngày. Sách có khi chỉ đọc trong một, hai ngày, nhưng sau đó thì "mất hồn" cả tháng trời với câu chuyện trong sách.
Nhạy cảm và yêu văn chương là vậy, dễ hiểu rằng một ngày bà viết văn. Nữ nghệ sĩ cho biết bà đang ấp ủ viết một truyện dài về mình.
Tuổi Trẻ Online trích đăng bài thơ Xuân về cho ta biết yêu thương của nghệ sĩ Hoàng Cúc:
Tạ ơn cha con đã chào mặt trời
Bên bóng tối còn đa phần ánh sáng
Trong hỗn mang sớm mai hồn xác nhập
gió hoang vu chen lẫn tiếng con người
Tạ ơn mẹ cánh đồng khô gieo hạt
Chìm nổi cuộc đời con vẫn chẳng hiểu ra
Hạt gạo trắng có nỗi buồn cây cỏ
Xõa trắng cánh đồng mỗi bữa ăn đong
Ngàn thương nhớ mẹ cha thành mây trắng
Ươm giấc mơ cho con cháu xum vầy
Cảm ơn anh đã nhóm cùng bếp lửa
Bữa cơm chiều mưa gió để ngoài hiên.
Xin tạ mẫu cho cháu con của mẹ
Biết yêu thương khao khát cả ánh chiều.
Bước đường đời dù có phút rong chơi
Ta có bạn duyên lành quên sân hận!
Xin cảm ơn bốn mùa cho xuân lộc
Dẫu đông qua tàn lụi úa vàng!
Cuộc thi truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập do báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, ban văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, trao giải ngày 11-11 tại Hà Nội.
Ngoài giải tư của Hoàng Cúc, ban tổ chức trao giải nhất cho nhà văn Trần Chiến với tác phẩm Con chú con bác, 2 giải nhì của cuộc thi được trao cho các tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) với tác phẩm Xóm cồn và Lê Ngọc Hạnh với truyện ngắn Cô Sáu cam.
3 giải ba được trao cho các tác giả Trần Nhã Thụy với truyện ngắn Vân tay mắt Phật, Phát Dương với truyện ngắn Trò săn vịt, Ngô Hòa Bình với truyện ngắn Hoa mía và 9 giải tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận