NSND Hoàng Cúc không bị rơi vào trạng thái "về vườn", không bao giờ cảm thấy bị "bỏ rơi" như nhiều nghệ sĩ sau khi rút khỏi hoạt động nghệ thuật.
Những vai diễn của Hoàng Cúc trong các vở kịch: Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, Tôi và chúng ta, Em đẹp dần lên trong mắt anh, Nghĩ về mình, Ăn mày dĩ vãng, Thầy khóa làng tôi, Mùa hoa sữa… đã để ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Bước chân sang lĩnh vực điện ảnh Hoàng Cúc cũng đạt được rất nhiều thành tựu với các vai diễn trong những bộ phim: Tướng về hưu, Bỉ vỏ, Sa bẫy, Hồi chuông màu da cam, Dòng sông khát vọng, Kiếp phù du...
Vì chị hạnh phúc với việc chăm sóc con, cháu. Ngay cả khi sức khỏe đi xuống, với sự thông minh, tháo vát của mình, chị vẫn tự chủ được kinh tế.
Lâu rồi chị ít diễn, nhưng có lẽ một thế hệ khán giả từng yêu quý chị trên sân khấu kịch hay trên màn ảnh khó mà quên gương mặt đẹp sắc sảo và nét diễn riêng của Hoàng Cúc.
Tuổi Trẻ Online đã tìm gặp và được chị chia sẻ cuộc sống bình thản ấm êm bên con cháu, thái độ điềm tĩnh đối diện với bệnh tật của Hoàng Cúc.
* Điều gì khiến chị bận rộn nhất trong ngày?
- Là chăm sóc cho con cháu, gia đình. Thi thoảng tôi đi từ thiện với câu lạc bộ những người bị ung thư, tổ chức những cuộc nói chuyện về dinh dưỡng, về cách phòng tránh bệnh tật, đặc biệt chia sẻ niềm vui, buông bỏ để sống tốt hơn.
Vừa rồi tôi có gặp một chị, chị ấy nói "hôm rồi gặp em chị rất buồn nhưng không nói được gì vì lúc đó em chị vừa mất".
Em của chị ấy bị ung thư và đã chống chọi được 10 năm rồi. Tôi đã nói với chị ấy: "Như thế là được rồi, mình chấp nhận thôi".
Mỗi người phải tự cảm nhận được quỹ thời gian của mình, phải biết yêu bản thân, giữ sức khỏe cho mình, tìm cách sống hài hòa, có ích cho người xung quanh.
Nhiều người vẫn nói người đàn bà 60 tuổi nên yêu thương bản thân mình nhiều hơn, hãy mặc kệ con cháu.
Tôi không nghĩ thế, văn hóa phương Đông gia đình là cốt lõi và gia đình nuôi dưỡng mỗi con người.
Ngoài du lịch, bạn bè, tôi quan niệm nên chăm lo cho con cái. Với tôi đó không chỉ là đạo đức mà còn là niềm vui.
NSND Hoàng Cúc chia sẻ chị cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống cùng con cháu, chăm sóc cho các thành viên trong gia đình - Ảnh: NVCC
* Ở Việt Nam bây giờ nền tảng gia đình đang rất chông chênh, có nhiều người nghĩ như chị, nhưng cũng ngày càng có nhiều người nghĩ khác chị.
- Quan điểm của mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh. Tôi thì vẫn cho rằng đó là văn hóa, đạo đức, mình làm một cách vui vẻ chẳng mất gì cả.
Tôi từng tập rất nhiều thứ như chạy bộ, aerobic, nhảy đầm, tu thiền. Nhưng giờ có khi chỉ lên tầng ba chơi với các con, lên tầng năm thắp hương cũng là một cách vận động giúp mình khỏe ra rồi.
Thay vì nhờ "con dâu ơi mua hoa quả thắp hương nhé", thì mình tự làm. Tâm linh vô tận lắm, niềm tin tâm linh giúp nuôi dưỡng tâm trí sảng khoái.
Buổi sáng được gọi con cháu dậy cũng là hạnh phúc. Cô cháu gái năm tuổi vẫn thích gọi tôi là mẹ, thỉnh thoảng lại gọi "mẹ vào đây ôm con". Đó là những niềm vui nhỏ của tôi. Thỉnh thoảng tôi đi du lịch nhưng việc nhà phải ổn tôi mới đi được.
* Có thể vì công sức chị bỏ ra được con cái đón nhận nên cả hai bên cùng vui vẻ chăng? Chứ nhiều gia đình bố mẹ giúp con cái nhưng con cái không vừa lòng gia đình vẫn lủng củng lắm.
- Tôi nghĩ đó là khi tình cảm có trao đi và được nhận lại thôi. Tôi đặc biệt yêu con trai và con dâu, không phân biệt.
Những người đàn bà Việt hay vướng chuyện nàng dâu, mẹ chồng. Nhưng thử nghĩ mà coi, người ta đẻ con ra nuôi nấng bao năm giờ nó về ở nhà mình, sinh con cháu cho mình, mình ốm đau nó chăm sóc tận tình. Cô con dâu của tôi là thế đấy. Thì lẽ gì mình lại không yêu thương con dâu?
NSND Hoàng Cúc và cháu nội - Ảnh: NVCC
Thế hệ của chúng tôi là vậy, còn bây giờ thanh niên yêu nhau bảy năm, lấy nhau có hai năm vẫn có thể bỏ nhau. Sau đó họ dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, họ có nhiều thời gian để sống là mình hơn.
NSND Hoàng Cúc
* Chị nói chị rất chiều con. Có phải nghệ sĩ ít có thời gian dành cho gia đình nên thường muốn bù đắp cho con?
- Tôi không hề có cảm giác đó. Chỉ đơn giản là phúc đức tại mẫu. Thời xưa tôi toàn lôi con đi diễn. Vở Tôi và chúng ta, diễn 3 buổi một ngày, diễn liền 3 tháng tù tì, thì diễn viên toàn mang con tới nhà hát. Tan vở là mẹ nào ôm con của mẹ đấy.
Nghệ sĩ ai cũng có bi kịch riêng, có điều nói ra không thôi. Lên sân khấu nghệ sĩ nào cũng sẽ moi hết ruột gan ra.
Còn trong gia đình, họ cũng hết lòng, nhưng ít người có được sự khôn khéo như người bình thường. Họ không có đủ thời gian để kiên nhẫn như người bình thường.
Nghệ sĩ ai cũng có cái tôi riêng, vì cái tôi đó họ mới thành công. Nhưng đôi khi cái tôi lại ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.
Cuộc sống gia đình sẽ khiến người nghệ sĩ thất vọng nhiều khi họ hi sinh nhiều, nhưng người sống chung không chịu hi sinh.
Điều đó khiến họ đi tìm cuộc sống khác (ly thân, sống độc thân hoặc ly hôn).
* Để chấp nhận sự thất vọng trong đời sống riêng, người nghệ sĩ như chị có mất nhiều thời gian không?
- Mất rất nhiều thời gian. Sự hàn gắn có khi kéo dài 10 năm, tưởng cơm dẻo canh ngọt…
Nhưng đến lúc mình cảm thấy quá mệt mỏi, thì tảng đá trên vai của mình sẽ tự lăn xuống. Những day dứt sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đó.
Thời xưa, một cô con dâu như tôi dù có đi làm hai giờ sáng mới về đến nhà thì sáng hôm sau vẫn phải dậy sớm nấu cơm. Đó là tiêu chuẩn đạo đức thời đó và tôi thanh thản chấp nhận. Giờ thì cuộc sống đã thay đổi.
Mỗi lần sang Trung Quốc chữa bệnh, NSND Hoàng Cúc thường rủ một người bạn đi cùng. Ngoài thời gian chữa bệnh, chị và bạn mình tranh thủ đi thăm thú khắp nơi - Ảnh: NVCC.
Levitan không cô đơn sẽ không có bức tranh mùa thu lá vàng. Balzac không nghèo không có Tấn trò đời, Miếng da lừa. Lev Tolstoy là quý tộc, có lâu đài nhưng ông vẫn vào rừng viết. Đã là nghệ sĩ anh phải chấp nhận cô đơn, nhưng phải có đam mê, đi tận cùng thì mới có gì để lại và lấy đó là niềm vui sống.
NSND Hoàng Cúc
* Dường như hôn nhân là nơi con người dễ đánh mất chính mình?
- Đúng rồi, đánh mất mình nhiều lắm. Thế hệ bây giờ không chấp nhận "cõng đá" vì quá nặng, họ không giơ vai cùng gánh vác với nhau hoặc tự gánh hết phần, như tôi đã từng làm.
Tôi đã từng là mẹ, là cha, là bạn của con mình, là chủ nhà, là đầy tớ căn nhà của mình.
* Người phụ nữ Việt thường giành hết việc về mình, khi không được chia sẻ sẽ đau khổ ngấm ngầm, điều đó sẽ hủy hoại bản thân họ?
- Cho đến giờ tôi vẫn sẵn sàng hi sinh cho gia đình, không đau khổ, mà lấy đó là niềm vui sống. Mình không có khái niệm dừng lại để đau khổ. Cuộc sống cứ hướng về phía trước. Dù trước kia mình nói đùa: phía tù mù thẳng tiến.
* Người đời thường nhìn vào một người phụ nữ không trọn vẹn về hôn nhân và cho rằng họ bất hạnh. Nhưng đời phải sứt mẻ một chút thì đời mới phong phú phải không chị?
- Có một bạn phóng viên nhắn "cô ơi cho cháu làm chân dung sự cô đơn của một nhan sắc về cô nhé". Tôi đã nghĩ cô bé này thật thà quá.
Cô đơn với nghệ sĩ nhiều khi là để sáng tạo. Tôi từng đọc về một họa sĩ người Anh đến làng chài thổ dân, lấy một cô da đỏ. Khi vẽ hết giấy, ông vẽ lên hang động, gần chết ông vẽ trên bức vách nhà mình. Nếu không có cuộc sống đó thì ông không có bức tranh đó.
Tôi thấy ngày tháng trôi quá nhanh, không phải vì sợ già, sợ yếu. Mà mình thấy mình vẫn làm được nhiều việc, mình yên tâm với số phận, mình quên mình là người bị bệnh nặng. Tất nhiên mình vẫn lập trình cho mình uống thuốc, ăn chay trường.
Cánh hồng ướt đẫm sương đêm. Hóa thân vào đất đợi sương nảy mầm. Chả có gì mất đi cả, cuộc đời hay lắm!
NSND Hoàng Cúc
* Dường như phải đi một chặng đường rất xa con người mới nhận ra được điều đó?
- Có người khi bị bệnh tật đâm ra chán nản, mất lòng tin. Nhiều khi đến với họ tôi chỉ nói tôi bị Basedow, bị ung thư, đã từng dùng những thuốc độc bảng A, khiến giờ tôi quên nhiều.
Nhưng quên bớt những thứ vụn vặt đi cũng tốt chứ. Chỉ cần nhớ những thứ quan trọng mà thôi.
Cháu gái vẫn gọi NSND Hoàng Cúc là mẹ - Ảnh: NVCC
* Dường như chị đã từng có giai đoạn nghĩ mình có thể cáng đáng tất cả mọi việc, từng bị hành hạ bởi những cơn nóng giận?
- Có chứ, dạy con cái, các cháu trong nhà rất mệt. Mình cứ áp đặt ăn cơm phải đúng giờ, bát để phải thế này, khi ăn phải mời thế này… Giờ trưởng thành chúng đều nói "ngày xưa do má dạy, thì giờ mới được như thế này".
Nhưng đến giờ tôi không thể áp dụng cách dạy đó cho các cháu. Tôi chỉ muốn nhìn thấy cháu mình cười. Nếu con cháu mắc lỗi mình không phê bình ngay.
Hồi xưa con trai uống rượu, mình chỉ muốn giáo huấn con ngay. Nhưng giờ thì làm thơ đăng trên facebook, có thể chẳng vào đầu nó đâu nhưng ít ra giải tỏa được cho mình.
Hồi xưa nói mãi mà người ta không hiểu, mình nóng tính, nói lại cho bằng được. Giờ mình nghĩ khôn không đến trẻ, khỏe không đến già, đơn giản thế thôi.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Một số hình ảnh của Hoàng Cúc:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận