Sự kiện khép lại với chiến thắng không bất ngờ của Tro tàn rực rỡ, Em và Trịnh, Những đứa trẻ trong sương...
Đất rừng phương Nam - phim gây tranh cãi trong thời gian qua - không có giải nào.
Ban giám khảo tranh luận rất thẳng thắn, có cả gay gắt
* Thưa NSND Đào Bá Sơn, ông có một đánh giá chung như thế nào về 16 phim truyện tham dự liên hoan phim năm nay?
- Năm nay có nhiều phim tốt lọt vào vòng trong. 16 phim truyện dự thi là 16 mảng đề tài, 16 câu chuyện đa dạng, được kể một cách thú vị.
Nhiều bộ phim có sự sáng tạo về ngôn ngữ điện ảnh, về cách kể một câu chuyện điện ảnh. Rất đáng ghi nhận.
Ban giám khảo xem xét rất kỹ lưỡng và chấm theo những theo tiêu chí đã đặt ra. Nhìn chung, chất lượng phim tốt hơn, cao hơn và ngày càng nâng cao hơn so với trước.
NSND Đào Bá Sơn nói về thất bại của Đất rừng phương Nam
* Xin hỏi ông, đó là những tiêu chí cụ thể nào?
- Có bốn tiêu chí chính. Thứ nhất, phim có nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt.
Thứ hai, phải có tính sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, có nhiều tìm tòi trong cách kể một câu chuyện điện ảnh.
Thứ ba, phim mang tính nhân văn, hướng tới cái đẹp trong tâm hồn con người.
Cuối cùng, phim giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.
* Ban giám khảo có gặp khó khăn gì trong việc thẩm định, đánh giá phim để xét giải hay không? Có nâng lên đặt xuống phim nào không?
- Trường hợp nào cũng khiến ban giám khảo phân vân cả. Việc trao hay không trao giải cho một bộ phim đều được mang lên bàn cân cân đo đong đếm, mổ xẻ từng chút một và xem xét nó với các tiêu chí.
Đương nhiên, không thể nào có một tác phẩm đáp ứng tất cả các tiêu chí mà ban giám khảo đề ra. Điều đó cũng giống như việc không thể có một tác phẩm hoàn chỉnh vậy.
Bất kỳ phim nào cũng có vấn đề tồn tại của nó; nhưng quan trọng hơn cả, ban giám khảo nhìn bộ phim trên tổng thể cái cơ bản, lõi của nó.
Phim đó có gì đặc biệt. Cần ghi nhận phim ở vấn đề gì để trao giải một cách xứng đáng.
* Ví dụ như?
- Ví dụ giải Quay phim xuất sắc, hay giải Nam, Nữ diễn viên xuất sắc, phải chọn rất kỹ. Năm nay có một điều rất thú vị, chẳng hạn trong phim Mẹ ơi, Bướm đây, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho cặp "mẹ con" - diễn viên Đinh Y Nhung và Mai Cát Vi.
Lần đầu tiên trong lịch sử Liên hoan phim Việt Nam, giải này được trao cho hai người trong cùng một phim. Tôi nghĩ, đó là một hình ảnh rất cảm động.
Hay ví dụ trường hợp giải Quay phim xuất sắc, giữa K'Linh - một nhà quay phim trẻ và rất giỏi trong phim Tro tàn rực rỡ hay nhiều phim khác với Nguyễn Phan Linh Đan - một cô gái trẻ, mới làm phim nhưng quay rất tốt trong phim Cô gái đến từ quá khứ, ban giám khảo quyết định đồng giải cho cả hai.
Chúng tôi muốn khuyến khích, động viên các bạn trẻ. Nhà quay phim nữ rất ít bởi đó là nghề cực khổ, vất vả. Có một nhà quay phim như vậy rất đáng quý. Cá nhân tôi rất vui khi ban giám khảo thống nhất trong những giải có ý nghĩa như vậy.
* Có giải nào mà các thành viên trong ban giám khảo tranh luận, thậm chí tranh luận gay gắt không?
- Cũng có, nhưng ban giám khảo đã làm việc một cách dân chủ, công khai và trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Trưởng ban giám khảo cũng chỉ là một lá phiếu trong chín lá phiếu thôi.
Chúng tôi đã tranh luận một cách rất thẳng thắn, thậm chí có lúc gay gắt nhưng với một tinh thần thận trọng, xem xét và suy nghĩ rất kỹ trước khi trao một giải nào đó.
Quan trọng, chúng tôi tôn trọng tiếng nói của nhau, tôn trọng các tác phẩm điện ảnh dự thi.
* Ông nhận xét thế nào về cán cân phim nhà nước và phim tư nhân trong liên hoan phim năm nay?
- Chúng tôi ngồi chấm giải không quan điểm phim nhà nước hay phim tư nhân. Tôi cho rằng cũng nên bỏ cái quan điểm ấy đi. Các tác phẩm dự thi được đối xử sòng phẳng như nhau.
Đất rừng phương Nam "trắng tay"
* Đất rừng phương Nam "trắng tay" tại liên hoan phim năm nay, liệu ban giám khảo có bị ảnh hưởng bởi dư luận tiêu cực liên quan đến bộ phim thời gian qua hay không?
- Phim có đề cử ở một số hạng mục nhưng khi ban giám khảo bỏ phiếu thì lại không đạt.
Thực ra khi chấm Đất rừng phương Nam, ban giám khảo chúng tôi cũng đánh giá một cách sòng phẳng như những bộ phim khác.
Nó được xem xét về tất cả các mặt nhưng rất tiếc là không đạt.
* Với kết quả đó, phải chăng ban giám khảo đang chọn một phương án an toàn nhất?
- Đúng là phim Đất rừng phương Nam có gây tranh cãi về nhiều yếu tố, nhưng phim không có giải không hẳn là phương án an toàn của ban giám khảo.
Ban giám khảo chúng tôi là những người làm nghệ thuật, quyết định của chúng tôi đơn thuần trên phương diện nghệ thuật. Chúng tôi chấm các bộ phim dựa trên các tiêu chí về nghệ thuật. Ban tổ chức đưa bộ phim đấy lên thì chúng tôi phải chấm đúng trách nhiệm.
Tôi nghĩ, phim Đất rừng phương Nam không vi phạm Luật Điện ảnh; phim dự thi và được đối xử công tâm như tất cả những phim còn lại. Tôi không cho rằng Đất rừng phương Nam không có giải là phương án an toàn đâu.
Giá như các bạn có thể chứng kiến ban giám khảo đã tranh luận, xem xét từng vấn đề một, từng chút từng chút thì các bạn sẽ chia sẻ với chúng tôi về kết quả này.
Chúng tôi rất công tâm, phim nào được đưa vào vòng chấm giải đều được chấm công tâm hết. Phim xứng đáng đạt được cái gì thì nó sẽ đạt được.
* Cá nhân ông có bỏ phiếu cho Đất rừng phương Nam không?
- Có giải tôi bỏ phiếu và cũng có giải không bỏ.
* Bỏ qua vai trò ban giám khảo, là một nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam, cá nhân ông đánh giá phim Đất rừng phương Nam thế nào?
- Đó là bộ phim mà chúng ta phải ghi nhận ở sự công phu trong việc xây dựng bối cảnh, âm nhạc, thiết kế, dàn dựng, quay phim… Các nhà làm phim đã làm rất chỉn chu, cẩn thận; nhưng chưa chắc sự chỉn chu đã là một điều hoàn hảo, đạt tiêu chí để chấm giải.
Tôi ví dụ, ở hạng mục Quay phim xuất sắc, chúng tôi quan điểm người quay phim xuất sắc là người làm cho khán giả quên luôn người quay phim. Ống kính của người quay phim luôn theo nhân vật, luôn theo câu chuyện và nó tuân thủ hiện thực đời sống.
Một bộ phim có một chút khuynh hướng thương mại, một chút du lịch để lôi kéo khán giả đến rạp sẽ khác với tác phẩm chuyên về nghệ thuật. Chúng tôi xem xét phim này khá kỹ.
* Cảm ơn NSND Đào Bá Sơn.
Trước đó, bên lề đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, NSND Đào Bá Sơn - trưởng ban tổ chức thể loại phim truyện - trao đổi:
"Rất khó để nói về việc có một sự cân bằng giữa các phim đã ra rạp, hay các phim Nhà nước chưa ra rạp. Mỗi nhóm phim đáp ứng những tiêu chí riêng và đã và sẽ có những phần thưởng rất riêng, phù hợp với sự nỗ lực của cả đoàn".
Theo ông, với phim phòng vé, phần thưởng lớn nhất là sự công nhận của đông đảo khán giả, doanh thu. Với phim nghệ thuật, đó là sự đánh giá cao về hàm lượng nghệ thuật của giới chuyên môn.
"Ngay cả trên thế giới, đi tìm sự cân bằng trong việc trao giải thưởng cũng thực sự khó. Có thể hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng phòng vé lại không cho những tín hiệu tốt và ngược lại.
Ở Liên hoan phim Việt Nam, chúng tôi trao giải cho những phim có sự đột phá, có sức ảnh hưởng tạo nên sự phát triển cho điện ảnh trong thời gian tới", đạo diễn Đào Bá Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận