11/10/2010 04:47 GMT+7

NSND - Đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Phải đứng cao hơn thân phận mình

 HÀ THANH ghi
 HÀ THANH ghi

TT - Tôi vào đời gian truân và đầy cay đắng... Dẫu không yêu thích quãng đường đời đen tối đã qua nhưng tự thâm tâm tôi biết tên tuổi Doãn Hoàng Giang được làm nên từ đó.

ooe4EPTn.jpgPhóng to

NSND Doãn Hoàng Giang (phải) đang thực hiện các vở diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN Á

Học ở trường dòng, gia đình có người "đi Nam" vào năm 1954 nên lý lịch tôi thuộc dạng "không trong sạch".

Mơ thành thợ lái máy cày

Tôi đã tự nguyện làm mọi công việc cực nhọc với mong ước cải tạo lý lịch, để ngẩng cao đầu vào cơ quan nhà nước. Tôi gánh đất, đắp đê, đẩy xe bò, vác gỗ ở sông Hồng... Có thời tôi chỉ mơ ước được sống như người công nhân lái máy cày như trong các phim Liên Xô bấy giờ.

Giữa cuộc sống khốn khổ đầy bức bối thời đó, tôi yêu nghệ thuật vô cùng. Có lẽ cái máu văn nghệ bắt nguồn từ những ngày rất xa... từ ký ức ở vùng quê Phát Diệm và người mẹ nghèo khó hết lòng yêu nghệ thuật. Tôi xin vào đóng kịch nghiệp dư ở các đoàn kịch.

Ngày nọ, biết tin một nhóm chuyên gia sân khấu Liên Xô sang tuyển người cho Ðoàn kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch VN), tôi liền xin thi tuyển. Trước các vị giám khảo Liên Xô lạ hoắc, tôi lấy hết can đảm để diễn trò: đọc thơ, nhảy múa, làm tiểu phẩm... Trong hàng ngàn người thi tuyển năm đó, tôi được chọn.

Niềm vui vừa nảy mầm đã tan vỡ khi cán bộ tổ chức của Ðoàn kịch Trung ương gặp tôi và phán: "Tóc cậu dài quá đấy. Không hợp với một thanh niên thời đại mới. Sao gia đình đi Nam mà cậu ở lại? Cậu học ở trường đạo Phát Diệm bao nhiêu năm? Cậu lên Hà Nội để làm gì?...". Ðầu óc tôi tối dần, nước mắt chỉ chực trào. Tôi được cho về, người ta bảo đợi. Tôi đợi...và biết là mình "hỏng" rồi.

Một chuyện trẻ con

Khi kết thúc khóa học diễn viên, toàn bộ phân hiệu kịch nói chúng tôi được về Đoàn kịch Trung ương. Tôi nhớ buổi sáng đầu tiên đến Nhà hát lớn, tôi bất ngờ chạm mặt người đàn ông từng xét hỏi lý lịch và “đạp” tôi ra khỏi đây. Tôi nhào đến, ấn ngực vào người ông ấy và lớn tiếng...

Nhưng tất cả những gì tôi nhận lại là ánh mắt hoàn toàn ngơ ngác. Ông ấy vừa bị kỷ luật nên bị điều xuống gác cửa nhà hát... Trong một số tác phẩm đầu đời của tôi, bao giờ cũng có nhân vật “cán bộ tổ chức” méo mó theo mẫu người của ông ấy. Ngẫm lại mới thấy trong tôi - đã - trưởng - thành có một phần trẻ con nông nổi đến vậy.

Ngày đó tôi ngây ngô và ngờ nghệch lắm. Bởi tôi còn lao vào thi tuyển khi các chuyên gia sân khấu Liên Xô tuyển người sang bên đó học. Tôi lại hăng say hát, đọc thơ, làm tiểu phẩm, viết lý lịch, trả lời những câu hỏi như ngày trước... và lại tẽn tò đợi mãi. Sau quãng thời gian đợi mỏi mòn, tôi bị quẳng vào mớ cảm giác nặng nề, tủi nhục, cay đắng...

Buộc mình đứng cao hơn, cao hơn nữa

Tôi lại lao vào vác đất, vác gỗ ở sông Hồng... Làm đủ mọi việc để kiếm sống, để tự "cải tạo" lý lịch cho mình. Thời gian rảnh tôi vùi đầu ở thư viện, ngấu nghiến đọc mọi loại sách cùng bánh mì khô và nước lã. Trong tôi luôn thôi thúc rằng phải ngồi "ghế đầu" trong "khán phòng" cuộc sống, phải đứng cao hơn bất kỳ ai. Tôi tự nhủ: mình có thể khổ sở, bị hắt hủi nhưng mình không thể dốt nát, không ai có thể khinh mình được.

Một hôm Ðoàn Dũng (NSND Ðoàn Dũng) báo Trường Sân khấu đang tuyển sinh lớp diễn viên, đạo diễn. Sau các vòng thi, một người thầy bảo tôi: "Cậu giỏi, nhưng với lý lịch này cậu không học đạo diễn được. Tôi cho cậu vào học diễn viên. Cậu nghĩ sao?". Tôi - thằng thanh niên đang thất nghiệp - mừng rỡ nhận lời ngay lập tức.

Tôi học diễn viên cùng khóa với Ðoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh... mà mắt cứ nghếch sang khoa đạo diễn. Bởi lúc đó tôi nghĩ rằng làm đạo diễn mới có đủ điều kiện để bộc lộ hết suy nghĩ, sáng tạo của mình. Tôi mượn tập của các bạn khoa đạo diễn chép lại và nghiên cứu. Ðến tiết học đạo diễn, tôi ngồi chồm hổm ngoài cửa để nghe giảng. Tôi gạ các bạn cho tôi viết tiểu phẩm và đạo diễn thay một số vở. Rồi ở ngoài cửa sổ, tôi lắng nghe thầy giáo nhận xét tác phẩm của mình. Tôi len lỏi đến các đoàn kịch để nuốt từng lời của các đạo diễn đàn anh khi họ dàn dựng vở mà trong lòng tự nhủ "mình phải hơn họ"...

Một người anh họ giới thiệu tôi vào làm chân phụ việc - dọn dẹp phòng, sắp xếp giấy tờ, pha trà rót nước... ở phòng văn nghệ Ðài phát thanh Tiếng nói VN.

Ngày nọ, anh Phạm Tuân - trưởng phòng - phân công nhiều người cùng viết gấp một bài quan trọng trong chương trình văn nghệ sắp lên sóng. Ðương nhiên, phụ việc như tôi chẳng được giao gì. Nhưng tôi liều mạng viết thử. Ðêm ấy tôi thức trắng, viết như điên, như thể đây là lần cuối.

Những bài khác trong Thời tuổi trẻ:

- - -

Sáng hôm sau, tôi với hai mắt đỏ ngầu, mặt "xanh như đít nhái", rụt rè đưa bài cho anh Phạm Tuân: "Em liều viết thử, anh... đọc... chơi...". Anh ngơ ngác nhìn tôi nhưng cũng cầm bài viết đó. Tôi đứng ngoài, hồi hộp, sợ hãi, lo lắng, đợi lời phán xét của anh. Khoảng một tiếng sau anh gọi tôi đến và bảo: "Cậu viết hay lắm. Tôi sẽ dùng bài này để phát sóng".

Từ đó, tôi viết lia lịa và đạo diễn những vở kịch phát trên đài. Một tiết mục của tôi được in băng, gửi sang Triều Tiên dự thi và đoạt giải vàng "Những tiết mục phát thanh xuất sắc".

Sau này tôi rời đài phát thanh và đi dựng vở theo lời mời của Ðoàn kịch Quảng Ninh, Ðoàn kịch Quân khu 2, Ðoàn Tổng cục Hậu cần, Ðoàn kịch Hà Tây... rồi dựng hàng loạt vở kịch và chèo ở Hà Nội. Nhiều người bảo tôi tham công tiếc việc. Ðúng. Tôi là kẻ tham lam, với hành trang vài trăm vở diễn dựng cho các nhà hát trong Nam ngoài Bắc.

Tôi tin rằng khi người trẻ có đam mê, kiên nhẫn "đốt cháy" mình cho đam mê đó thì không lý gì bạn đi mà không bao giờ đến. Nếu cuộc sống lặng lẽ, êm đềm như một dòng sông, có lẽ tôi sẽ không phải là tôi bây giờ, sẽ không cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc khi nó đến. Giờ tôi đã có thể mỉm cười với quá khứ...

 HÀ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên