Novak Djokovic và Jelena, vợ anh, tham dự một hoạt động của Quỹ Novak Djokovic với các em nhỏ - Ảnh: CNBC
Không có cách nào tốt hơn để thay đổi cộng đồng, thay đổi thế giới hay cứu thế giới là thông qua trẻ em.
Novak Djokovic
Nói tới cái tên Novak Djokovic, gần như ai cũng biết đó là tay quần vợt nam số 1 thế giới từng giành tổng cộng 74 giải vô địch Grand Slam và các chức vô địch đơn nam giải Masters từ năm 2006 đến nay.
Anh cũng là một trong những ngôi sao thể thao có thu nhập cao nhất. Theo tạp chí Forbes, năm 2018 Novak Djokovic kiếm được 23,5 triệu USD.
Chỉ riêng hợp đồng với nhà tài trợ trang phục Lacoste đã mang về cho ngôi sao quần vợt này 9 triệu USD mỗi năm. Chưa kể tới giá trị các bản hợp đồng với các nhà tài trợ khác như nhà sản xuất vợt Head, nhà sản xuất trang phục, phụ kiện thể thao Asics và hãng đồng hồ Seiko.
Nhưng có một lĩnh vực khác rất tuyệt vời, song ít người biết tới của ngôi sao quần vợt này chính là những đóng góp của anh trong lĩnh vực giáo dục mầm non cho trẻ em ở quê nhà.
Các hoạt động này liên quan tới Quỹ Novak Djokovic do anh thành lập năm 2007. Kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã mở 43 trường mẫu giáo và đào tạo được hơn 1.500 giáo viên mầm non.
Novak Djokovic từng chia sẻ với Đài CNBC (Mỹ) về lý do vì sao anh và tổ chức của mình tập trung tất cả tâm huyết và nguồn lực cho giáo dục mầm non. Theo anh, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một nền giáo dục đầu đời tích cực sẽ có ích lợi kéo dài suốt cuộc đời một con người.
Trong khi đó, những môi trường yếu kém chắc chắn gây hại cho ngôn ngữ, kinh tế, phát triển xã hội cũng như năng lực học tập của trẻ. Bản thân Novak Djokovic cũng thừa nhận những gì anh được thụ hưởng trong thời thơ ấu đã làm nên sự nghiệp thành công của anh lúc trưởng thành.
"Tôi đã rất may mắn và diễm phúc khi được chơi môn thể thao yêu thích, một môn thể thao tôi đã "phải lòng" từ năm lên 4 tuổi. Nhưng để được thế giới thừa nhận và rất thành công trong môn thể thao đó, tôi vẫn luôn phải tự hối thúc mình và tự nhủ tôi đã chịu ơn nhiều đến thế nào. Tôi vẫn luôn để tâm và có trách nhiệm với những giá trị được thấm nhuần từ khi còn rất, rất nhỏ" - anh nói.
Chuyện "phải lòng" tennis từ năm lên 4 của anh là thật. Năm đó, khi được xem tennis tại một trại huấn luyện do cố vận động viên tennis nổi tiếng khi ấy của Serbia Jelena Gencic tổ chức, cậu bé Novak Djokovic đã rất ấn tượng.
Thế rồi một ngày, bà Gencic mời cậu bé vào sân chơi. "Tôi biết cậu ấy sẽ trở thành nhà vô địch" - bà Gencic đã nói như vậy khi quan sát Novak Djokovic chơi. "Người mẹ tennis", như biệt danh thân thương Novak Djokovic dành cho bà Gencic, đã trực tiếp huấn luyện anh trong vài năm sau đó.
"Chúng tôi dành rất nhiều thời gian trò chuyện về cuộc sống, không chỉ là thể thao. Dĩ nhiên chúng tôi cũng có xem video thi đấu của các tay vợt nổi tiếng khác... Nhưng chúng tôi cũng thường nghe nhạc cổ điển, đọc thơ. Bà ấy có một cách tiếp cận cuộc sống rất toàn diện" - Djokovic nhớ lại những ngày được học tập và rèn luyện với bà Jelena Gencic.
Cũng chính người thầy này đã thuyết phục gia đình để Djokovic tới rèn luyện ở Học viện tennis Niki Pilic tại Munich, Đức ở tuổi 13, ngay cả vào thời điểm đó hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Những hi sinh của cha mẹ lúc đó để anh được thụ hưởng những gì tốt nhất có thể là điều Djokovic không bao giờ quên. Nó cũng là trải nghiệm thấm thía, khiến anh muốn tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho bao trẻ em nghèo khó khác tại quê nhà.
Với Quỹ Novak Djokovic, ngôi sao quần vợt người Serbia mong muốn giúp trẻ em có thể hiện thực hóa giấc mơ của chúng: "Những gì chúng ta cần làm là tạo ra các điều kiện xung quanh chúng, một nền tảng để chúng tự bật lên trong mơ ước và không khỏa lấp đi những hình dung, tưởng tượng của bản thân".
Ngoài công việc của Quỹ Novak Djokovic, ngôi sao quần vợt của Serbia cũng muốn thành lập một học viện tennis của riêng mình. Với những em nhỏ, lời khuyên của anh dành cho chúng là: "Hãy luôn tin rằng những gì các em thấy trong tâm trí có thể trở thành hiện thực".
Đồng hành cùng Novak Djokovic trong lĩnh vực này là vợ anh, chị Jelena, một người luôn tin rằng nếu có thể giúp đỡ trẻ em lúc nhỏ, người ta có thể giúp chúng tránh rơi vào các tệ nạn sau này như nghiện ma túy hay bạo lực. Chị Jelena hiện là CEO toàn cầu kiêm đồng sáng lập của tổ chức thiện nguyện giáo dục mang tên chồng mình: Quỹ Novak Djokovic.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận