Sự trở lại của nhà thờ Đức Bà Paris được xem như tin tốt lành hiếm hoi cho một nước Pháp đang tràn ngập trong rối ren, bất hòa. Không ít người hy vọng cột mốc này sẽ kết thúc giai đoạn khủng hoảng hiện nay của đất nước.
Sự trở lại nhiệm màu
Ngày 15-4-2019, cả thế giới, đặc biệt là người Pháp, bàng hoàng chứng kiến ngọn lửa dữ dội thiêu rụi gần như toàn bộ phần mái của nhà thờ Đức Bà Paris. Vụ hỏa hoạn kéo dài trong vài giờ đã để lại những "vết sẹo" tưởng như không thể xóa nhòa trên kiến trúc biểu tượng này.
Nhà thờ Đức Bà Paris được ca ngợi như cơn mưa mát lành tưới xuống ‘sa mạc’ cằn cỗi
Hệ thống mái nhà thờ bằng gỗ và chì bị thiêu rụi khiến ngọn tháp nhọn sụp đổ, đè xuống các vòm đá bên trong. Công trình gần 900 năm tuổi đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn khi những bức tường đá vôi vừa chịu sức nóng từ lửa, vừa oằn mình dưới sức nặng của hàng chục ngàn lít nước từ xe cứu hỏa.
Ngay khi đám cháy còn chưa được dập tắt hoàn toàn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ phục dựng công trình trở lại "vẻ đẹp nguyên bản" trong vòng 5 năm. Ban đầu tuyên bố này vấp phải sự hoài nghi, bởi công trình gốc từng mất gần hai thế kỷ để hoàn thành. Tuy nhiên, sự hồi sinh kỳ diệu của nhà thờ Đức Bà Paris đã trở thành minh chứng sống động cho khả năng xây dựng và tài năng nghệ thuật của người Pháp.
Ông Macron chia sẻ tại lễ mở cửa trở lại nhà thờ: "Tối nay, tiếng chuông của nhà thờ Đức Bà vang lên những hồi mới. Sự vĩ đại của công trình này thuộc về tất cả mọi người. Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng sống động, một phép ẩn dụ tích cực về hình ảnh mà đất nước và thế giới nên hướng tới".
Để phục dựng công trình vĩ đại này, Pháp đã huy động 850 triệu euro (900 triệu USD) từ các tổ chức lớn nhỏ trên toàn cầu. Trong số đó, 700 triệu euro (740 triệu USD) đã được sử dụng, còn lại 150 triệu euro sẽ dành cho các hạng mục "tu sửa ngoại thất khẩn cấp".
Hơn 2.000 công nhân và nghệ nhân từ 250 công ty và xưởng thủ công trên khắp nước Pháp đã tham gia góp sức. Để dựng lại hệ thống mái phức tạp, hơn 2.000 cây sồi từ khắp các nơi được huy động. Khoảng 1.300 m3 đá được đưa về từ các vùng Oise và Aisne để phục dựng các mái vòm bị sập, gia cố tường và trang trí đầu hồi bằng những bức tượng mới.
Nhà thầu cho từng hạng mục không được chọn dựa trên quy mô doanh nghiệp, mà dựa vào tay nghề của đội ngũ nhân công. Vì vậy, nhiều hạng mục là sự kết hợp hài hòa giữa các công ty xây dựng hàng đầu nước Pháp và những xưởng thủ công truyền thống nhỏ, ít tên tuổi nhưng giàu kinh nghiệm.
Tất cả nỗ lực ấy đều hướng đến khoảnh khắc Tổng giám mục Paris Laurent Ulrich dùng quyền trượng làm từ một chiếc xà gỗ sót lại sau vụ cháy gõ ba lần vào cổng nhà thờ và long trọng tuyên bố sự trở lại của nhà thờ Đức Bà.
"Cơn mưa giữa sa mạc"
Sự trở lại của nhà thờ Đức Bà được ca ngợi như cơn mưa mát lành tưới xuống "sa mạc" cằn cỗi của chính trường Pháp. Sự kiện này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Thủ tướng Michel Barnier thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, khiến ông trở thành thủ tướng thứ ba phải từ chức trong năm 2024, sau bà Élisabeth Borne và ông Gabriel Attal. Bao trùm lên tất cả còn là nền kinh tế tăng trưởng chậm, nguy cơ Washington tăng thuế quan trong nhiệm kỳ tới của ông Trump và chi phí viện trợ ngày một tăng cho Ukraine.
Nhà thờ Đức Bà Paris từ lâu đã là biểu tượng văn hóa và lịch sử quan trọng của Pháp. Không chỉ là kiệt tác kiến trúc, công trình này còn chứng kiến những thăng trầm lịch sử của Paris và cả quốc gia, từ các sự kiện tôn giáo trọng đại đến lễ đăng quang của Hoàng đế Napoleon. Với người Pháp, nhà thờ Đức Bà là niềm tự hào dân tộc, biểu trưng cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của họ.
Sau vụ hỏa hoạn, nhà thờ Đức Bà còn mang thêm ý nghĩa mới: biểu tượng cho sự kiên cường và tái sinh của người Pháp. Nhiều người kỳ vọng sự trở lại của công trình này sẽ đánh dấu sự hồi sinh của một nước Pháp sẽ vượt qua những khó khăn trong hiện tại.
Những cuộc gặp lớn ở Paris
Buổi lễ mở cửa lại nhà thờ Đức Bà có khoảng 1.500 quan khách tham dự, trong đó có nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Quốc vương Bỉ Philippe, Hoàng tử Anh William và Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi đắc cử, ông Trump đã có cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Zelensky tại Điện Élysée. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan trọng đối với Kiev, khi Washington có thể yêu cầu Ukraine chấp nhận thỏa thuận "đổi đất lấy hòa bình". Sau hội đàm, ông Zelensky khẳng định trên mạng xã hội rằng cuộc trao đổi "tốt đẹp và có nhiều kết quả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận