25/11/2007 06:00 GMT+7

Norman Mailer - "vị thần của những tượng đài văn chương vĩ đại"

MẠNH KIM
MẠNH KIM

TTCT - Cho đến khi gần qua đời, Norman Mailer vẫn là tiếng nói phản chiến, như từng làm đối với cuộc chiến Việt Nam thập niên 1960.

i0kyTuWV.jpgPhóng to
Norman Mailer
TTCT - Cho đến khi gần qua đời, Norman Mailer vẫn là tiếng nói phản chiến, như từng làm đối với cuộc chiến Việt Nam thập niên 1960.

Được xem là một trong những tượng đài của văn đàn Mỹ, Norman Mailer đã cầm bút với tư cách nhà văn, nhà báo, sử gia, biên kịch điện ảnh, soạn giả sân khấu (hai lần đoạt giải Pulitzer và một lần giải văn chương toàn quốc).

“Ông là một kẻ khiêu khích vĩ đại với cá tính mạnh mẽ không khiếp sợ, người mà qua từng trang viết đã nhận được hào quang, thất bại, sự nổi tiếng hơn bất kỳ tác giả lớn nào của thế hệ mình” - nhà phê bình Elaine Woo viết (Los Angeles Times 11-11-2007).

Từng kiếm hàng đống tiền nhưng chưa bao giờ trở thành giàu có bằng nhuận bút văn chương, nổi tiếng là sống phóng túng, ông tự nhận mình là kẻ hiện sinh sống như một gã hippi da đen bất cần đời. Cá tính “đầu đội trời, chân đạp đất” như vậy đã thể hiện trên những trang viết cũng như từng khoảnh khắc cuộc đời của Norman Mailer.

Ông sinh ngày 31-1-1923 tại Long Branch thuộc bang New Jersey trong một gia đình Do Thái, bố là dân nhập cư từ Nam Phi. Sau thất bại do thị trường chứng khoán Wall Street sụp đổ năm 1929, gia đình Mailer dọn đến Brooklyn.

Ông mơ trở thành kỹ sư hàng không nhưng thời gian ở Harvard (nhờ học bổng), Mailer bắt đầu yêu văn chương, nhất là các tác phẩm của John Dos Passos, Ernest Hemingway, John Steinbeck, F. Scott Fitzgerald...

Năm thứ nhất tại Harvard, Mailer bắt đầu viết truyện ngắn (trong đó có một truyện giành giải của tạp chí văn học Story). Sau khi tốt nghiệp năm 1943, Mailer trở về quê nhà Brooklyn và bắt đầu viết tiểu thuyết.

Tháng 3-1944, một tháng sau khi lập gia đình (lần thứ nhất), ông gia nhập quân ngũ, tham gia sư đoàn không kỵ 112 đóng tại Philippines, trong một đơn vị tình báo. Sau chiến tranh, ông có mặt trong lực lượng đồng minh chiếm đóng tại Nhật.

Tháng 5-1946, Mailer trở về Mỹ và dành 15 tháng trong cái chòi gỗ gần Provincetown (Massachusetts) để chuyển những trực nghiệm chiến tranh thành tiểu thuyết The Naked and the Dead, viết về một trung đội gồm 13 lính Mỹ chiến đấu lại Nhật trên một đảo san hô Thái Bình Dương.

Xuân 1948, tác phẩm ra mắt (trước khi ông ghi danh vào Đại học Sorbonne, Paris) và gần như lập tức được tán thưởng. Thậm chí một số nhà bình luận đánh giá The Naked and the Dead là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất lịch sử văn học viết về Thế chiến thứ hai (tác phẩm bán được 200.000 bản chỉ trong ba tháng - con số đáng kể thời điểm đó; nằm đầu bảng best-seller New York Times trong 19 tuần từ năm 1948-1949; sau này được dựng thành phim và vẫn được xem là một trong những tác phẩm chiến tranh kiệt xuất).

Lúc đó, Norman Mailer mới 25 tuổi. Ông say mê viết. Và những tiểu thuyết lần lượt ra đời, thể hiện phạm vi cảm hứng không giới hạn về đề tài của ông.

ZYWJYhFy.jpgPhóng to
Trong một cuộc biểu tình phản chiến tại New York năm 1966

Thủ pháp hiện sinh và hiện thực chủ nghĩa của Norman Mailer đã tạo ra một khuynh hướng mới cho thể loại tiểu thuyết được gọi là New journalism với hình thức diễn đạt sống động, xuất phát từ những chuyện có thật như trong báo chí (Telegraph 11-11-2007).

Quyển The Armies of the night (1968) viết về cuộc tuần hành phản chiến (chiến tranh Việt Nam) và tác phẩm The Executioner's song (1979; đoạt giải Pulitzer) viết về kẻ giết người Gary Gilmore cho thấy Norman Mailer là bậc thầy ở thể loại “tiểu thuyết - báo chí” (được khai sáng bởi Truman Capote), trong đó ranh giới giữa văn học và phóng sự gần như bị xóa mờ.

The Armies of the night hình thành từ trực nghiệm của mình khi bị bắt trong một cuộc biểu tình phản chiến, không chỉ mang lại cho Norman Mailer giải văn chương toàn quốc, Pulitzer mà còn cả giải George Polk (giải danh giá của làng báo Mỹ).

Trước đó, tác phẩm thứ năm Why are we in Vietnam? (1967) đã đưa Mailer lọt vào danh sách đề cử giải văn chương toàn quốc. Được viết bằng lối thuật chuyện đặc biệt, cuộc chiến cũng như từ “Việt Nam” không hề được nhắc đến trong gần hết quyển sách cho tới khi độc giả lật đến trang cuối cùng, nhưng quyển truyện đã lột tả được bộ mặt dã man của chiến tranh (nhân vật chính trong truyện là một gã D.J. thích săn gấu bằng trực thăng và khoái xả đạn vô tội vạ)...

Các tác phẩm thuộc thể loại New journalism nữa của Norman Mailer là Of a fire on the moon viết về chuyến du hành Mặt trăng năm 1969 hoặc The Deer park vào năm 1955. Quyển này sau đó được hiệu chỉnh thành kịch bản năm 1967 và được đánh giá là một trong những tác phẩm tuyệt nhất của Mailer.

Nó nói về xã hội Mỹ qua hình ảnh Hollywood, với ba nhân vật: một đạo diễn cánh tả bị đe dọa bởi ủy ban hạ viện về các hoạt động chống Mỹ (nơi chuyên theo dõi và kiểm duyệt văn hóa, từng khét tiếng “hiểm ác” thời chiến tranh lạnh); một cựu binh không quân không tìm được chỗ đứng thích hợp trong xã hội khi trở về từ chiến trường; và một tên ma cô chuyên cung cấp gái cho diễn viên ngôi sao cũng như giới chủ doanh nghiệp giàu có (khuynh hướng thiên tả của Mailer còn thể hiện ở việc ông thành lập tờ The Village Voice - tuần báo mà đến nay vẫn là cái gai đối với nhiều trào Chính phủ Mỹ)...

XFbVK2OG.jpgPhóng to

Thập niên 1970, Norman Mailer bắt đầu nợ nần và phải chấp nhận viết theo đơn đặt hàng. Marilyn: A biography (1973) ra đời và bị... chỉ trích.

Một số tác phẩm sau đó cũng không thành công: Ancient evenings (1983, viết về Ai Cập cổ đại với vài chi tiết không chính xác); Tough guys don't dance (1984); Harlot's ghost (1991, tác phẩm 1.200 trang viết về CIA với phần kết được ghi “còn tiếp” mà tờ Newsweek bình luận là nó “đã đủ dài để độc giả phải đi kiếm thứ gì đó giải khát!”); Portrait of Picasso as a young man: An interpretive biography; Oswald's Tale: An American mystery (1995, viết về Lee Harvey Oswald, kẻ tình nghi ám sát John F. Kennedy)...

Trừ một số chi tiết “bặm trợn” trong đời tư (từng đâm vợ trong một buổi tiệc hay đánh nhau với một số nhà phê bình văn học), Mailer luôn được nhìn nhận là người làm việc không mệt mỏi và dành trọn đời cho sự nghiệp văn chương.

Tuổi tác đã không làm cùn ngọn bút của ông. Năm 2003, Mailer tung ra tập sách mỏng Why are we at war? chỉ trích cuộc chiến Iraq của chính phủ Bush. Năm 2005, trả lời phỏng vấn tờ Rolling Stone, Mailer nói rằng ông “không còn cố viết một tiểu thuyết vĩ đại cho văn học Mỹ nữa”.

Tuy nhiên, hai năm sau (đầu năm 2007), tiểu thuyết thứ 10 của ông The Castle in the forest ra đời, viết về Adolf Hitler. Tiểu thuyết này lại trở thành một best-seller, dù nhận được các ý kiến phê bình trái ngược.

Bất luận thế nào, văn đàn Mỹ vẫn xem Mailer là ngọn tháp đáng nghiêng mình kính nể. Học giả Harold Bloom (Đại học Yale) đánh giá Norman Mailer là “vị thần” của những tượng đài văn chương vĩ đại. “Ông ấy có thể sẽ được nhớ đến với tư cách là một nhà tiên tri văn xuôi hơn là một tiểu thuyết gia”.

MẠNH KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên