Nhiều doanh nghiệ p, hộ kinh doanh khó khăn, phải trả mặt bằng - Ảnh: T.T.D.
Theo Tổng cục Thuế, thực hiện nghị định 41 về gia hạn thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch COVID-19, tính đến chiều 27-7, tổng số đề nghị chậm nộp tiền thuế và tiền thuê đất mới là 169.810 hồ sơ với tổng số tiền gia hạn là 52.991 tỉ đồng.
Thấp xa số dự kiến
Theo thống kê của cơ quan này, số thuế giá trị gia tăng được đề nghị lùi thời gian nộp chiếm đa số với 28.524 tỉ đồng. Tiếp theo là số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) được đề nghị chậm nộp là 20.501 tỉ đồng, trong đó có 10.222 tỉ đồng là tiền thuế còn phải nộp theo quyết toán năm 2019.
Trước đó, Bộ Tài chính ước tính số DN được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là khoảng 700.000, chiếm 93% số DN cả nước. Số tiền thuế và tiền thuê đất được chậm nộp trong tháng 3, 4, 5 và 6 là khoảng 182.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng và chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn nhưng đến nay mới chỉ có chưa đầy 30% số DN gửi đề nghị hưởng chính sách về cơ quan thuế.
Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự.
Ông Lê Duy Minh - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết nơi này đã tuyên truyền, triển khai chính sách gia hạn nộp thuế đến 255.904 tổ chức, DN và 43.778 hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng của nghị định 41. Nhưng đến nay Cục Thuế TP mới tiếp nhận 41.498 đề nghị. Trong đó có 24.168 đề nghị gia hạn của tổ chức, DN; 17.330 đề nghị của hộ, cá nhân kinh doanh.
Ước tính và thực tế số doanh nghiệp được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất - Đồ họa: T.ĐẠT
Không có doanh thu, lấy đâu thuế để xin hoãn!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Kiên - giám đốc Công ty TNHH TNA Vina (Hà Nội) - cho biết kinh doanh 6 tháng đầu năm nay quá khó khăn, doanh thu chỉ bằng 10-20% so với năm ngoái, do đó thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN hầu như không phát sinh. Dịch bệnh đang có nguy cơ bùng lại, DN thực sự lo lắng.
"Rất mong Chính phủ sớm xem xét có những giải pháp mạnh để ngăn chặn bệnh dịch và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh" - ông Kiên nói.
Đại diện Công ty TNHH thương mại và đầu tư Tây Bắc cho biết đang mong hướng dẫn việc giảm 30% tiền thuế thu nhập DN phải nộp trong năm nay như nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.
Lý giải về thực tế ít DN nộp hồ sơ, Bộ Tài chính công nhận do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN và hộ kinh doanh không có doanh thu hoặc có nhưng không đáng kể, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ. Vì vậy, số tiền thuế cũng như số DN đề nghị gia hạn tiền thuế thấp hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu.
Ông Lê Duy Minh cũng thừa nhận nhiều DN khó khăn, thậm chí lỗ, không phát sinh thuế. Đó là lý do dẫn đến số DN nộp tờ khai gia hạn chỉ chiếm 9,4% và số hộ kinh doanh, cá nhân nộp tờ khai chiếm chưa đến 40% số mà cơ quan thuế đã gửi thông báo.
TP.HCM: xin gia hạn hơn 8.200 tỉ đồng
Về kết quả thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, đến hết tháng 6-2020 đã có 23.743 DN, tổ chức và 16.696 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quy định của nghị định thực hiện đăng ký gia hạn nộp thuế với số thuế 8.216 tỉ đồng.
Trong đó thuế giá trị gia tăng đề nghị gia hạn 3.522 tỉ đồng, thuế thu nhập DN gia hạn 3.678 tỉ đồng, tiền cho thuê mặt đất, mặt nước gia hạn 850 tỉ đồng; hộ cá nhân kinh doanh gia hạn 166 tỉ đồng.
* Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín):
Đẩy nhanh hỗ trợ doanh nghiệp
Các DN vừa gượng dậy lại đối mặt với nguy cơ dịch COVID-19 quay lại. Tình hình hiện nay rất cần thêm các biện pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ.
Theo Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018, các DN này và siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17%. Tuy nhiên, hiện chính sách này vẫn chưa áp dụng. Do vậy cần sớm thực hiện giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo lộ trình của luật.
Theo tôi, các DN thuộc diện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nên làm đề nghị gửi cơ quan thuế vì hiện nay có thể không phát sinh thuế phải nộp nhưng sau này nếu cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra ra số thuế, nếu không có nộp gia hạn sẽ bị tính tiền phạt và chậm nộp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận