Đủ lý do để “nóng trong người”
Bạn bị nổi mụn hay nám mặt thường được bà con mình phán là “nóng gan”. Có thật vậy không? Cách suy diễn này có phần đúng bởi gan giống như một “nhà máy” đa chức năng trong đó có nhiệm vụ khử độc. Bình thường chất độc được gan xử lý và đào thải hết ra ngoài theo 3 con đường: đại tiện, tiểu tiện và mồ hôi. Khi gan yếu (viêm gan A,B,C,D, E, gan nhiễm mỡ) chất độc“ngấm” vào hầu hết các cơ quan và trình diện luôn trên mặt nhằm báo động cho thân chủ phải tìm cách nâng đỡ, cải thiện, bồi bổ để gan khoẻ trở lại.
Cũng không loại trừ trường hợp bạn bị táo bón hay bộ tiêu hóa bị viêm nhiễm thì chức năng thải độc đường đại tiện cũng có trục trặc. Trường hợp thận suy yếu không làm nhiệm vụ hòa tan chất độc để đưa chúng ra ngoài qua nước tiểu cũng gây nóng.
Những người có thân hình đẫy đà quá mức bình thường rất dễ “nóng trong người”. Bởi người béo thường do ăn uống nhiều, năng lượng trong cơ thể dồi dào nên sinh nhiệt khiến họ luôn thấy nóng. Nếu quan sát những trẻ béo phì ta thấy chúng chỉ đi một lát là mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, lại mau mệt vì xương khớp, tim phổi đều ở trong trạng thái quá tải.
Kế tiếp là các chàng nhậu đã lên đai đen đệ nhất “bợm”. Chất alcool trong bia rượu làm nhiễm độc gan, thận khiến hai cơ quan này không thải độc được sinh nội nhiệt. Những anh chàng nghiện thuốc lá, các hóa chất trong thuốc lá gây ngộ độc toàn thân, suy giảm chức năng gan, thận, uống nước xong lại thấy nóng.
Những người sử dụng kháng sinh cũng thường thấy “nóng trong người” sau một đợt dùng. Những bệnh nhân bị cường tuyến giáp (Basedow), các tế bào tuyến giáp sản xuất nhiều hormon của tuyến tên là Thyroxin làm tăng chuyển hoá cơ bản(basic metabolism), tăng sinh nhiệt nên luôn có cảm giác nóng, gầy sút nhanh, mất ngủ, dễ giận hờn…
Biểu hiện của nội nhiệt
Thường người khô khan, da lão hóa trước tuổi, không còn mịn màng, môi khô, nứt nẻ, khát nước nhiều, rêu lưỡi vàng, người bứt rứt, khó ngủ, tiểu tiện ít, nước tiểu vàng, nóng, mùi khai bốc lên nồng nặc, lại kèm theo táo bón. Vì nóng nên dễ đổ mồ hôi, da nổi mụn, dễ mẩn ngứa, dị ứng, hay nhức đầu, đứng lên ngồi xuống thường choáng váng. Khi ngủ không yên giấc, ngủ không sâu, hay có những giấc mơ kinh dị. Trẻ em bị nóng trong người hay chảy máu cam, dễ dị ứng…
Chớ coi thường khi… nóng
Chúng ta hình dung người bị nội nhiệt ví như ngồi cạnh một lò than đang cháy. Nó không gây bỏng nhưng lại thiêu đốt cơ thể. Gan thận làm việc kém nên chất độc tích tụ lại làm suy yếu hệ miễn dịch, là miếng mồi cho vi khuẩn tấn công ở bất kỳ cơ quan nào.
Nếu ai bị “nóng trong người” lại làm biếng không chịu uống nước sẽ làm huyết áp giảm, áp suất lọc của thận giảm theo, khả năng thải độc kém sẽ dẫn đến u rê huyết cao, rối loạn chất điện giải có thể ngộ độc thần kinh rồi hôn mê mà tử vong.
Dùng thực phẩm làm mát cơ thể
Đông y dùng “hàn” để giải nhiệt. Bà con mình thì chữa theo thói quen. Thí dụ: miền Nam nắng quanh năm ai thấy nóng liền mua ly rau má hay trái dừa xiêm uống. Người Bắc bị nóng thì uống bột sắn dây, trà xanh. Ngoài ra canh khổ qua, canh bí đao, rau đay, mồng tơi, các loại trái như bưởi, thanh long, dưa hấu, cam, quýt đều được coi là “thanh nhiệt”, giúp cơ thể bớt nóng. Tuy nhiên nếu sốt cao do tiêu chảy (do rối loạn trung tâm điều nhiệt) thì cơ thể lại ở trạng thái “hàn” không được dùng những thứ mát vì “hàn ngộ hàn tắc tử” .
Khi bị nội nhiệt có nên chơi thể thao? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng rất nên chơi một môn thể thao mà bạn ưa thích. Chơi thể thao hoặc chỉ cần đi bộ, chẳng những hệ cơ, xương, khớp hoạt động ăn nhịp mà mồ hôi là một kênh thải độc rất tốt. Chúng ta cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có tính cay nóng, kích thích như tiêu, ớt, rượu bia, trà đặc, cà phê... tránh đưa nhiều dầu mỡ, chất ngọt vào cơ thể sẽ giảm bớt nội nhiệt. Bên cạnh đó cần có chế độ sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, tránh căng thẳng, stress. Nếu đã dùng “thực dưỡng” mà không giải quyết được “nóng trong người” thì nên đến bệnh viện gặp bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận