Phóng to |
Báo Philippines Star cho biết Thứ trưởng năng lượng Philippines Jose Layug vừa tuyên bố Manila đã có kế hoạch đấu thầu thăm dò và khai thác dầu trên vùng biển phía tây đảo Palawan. “Đây không phải là vùng tranh chấp. Nó nằm trong lãnh hải của Philippines” - ông Layug khẳng định và cho biết khu vực thăm dò cách xa quần đảo Trường Sa của Việt Nam và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông Layug cho biết Tập đoàn Khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cùng hai công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng quan tâm đến việc thăm dò, khai thác ở khu vực này. Manila sẽ công bố các công ty thắng thầu vào năm tới, và ông hi vọng Trung Quốc sẽ không quấy rối các tàu thăm dò dầu khí của Philippines ở khu vực này.
Philippines thăm dò, khai thác ở bãi Cỏ Rong
Theo báo Manila Standard Today, Tập đoàn năng lượng Philex Mining Corp của Philippines mới đây tuyên bố từ năm tới sẽ khoan ít nhất hai giếng dầu và bắt đầu thăm dò ở khu vực Reed Bank (tức bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang do Philippines chiếm đóng), nơi mà trước đó tàu Trung Quốc từng vài lần gây hấn với tàu Philippines.
Philex có kế hoạch đầu tư 86 triệu USD trong hai năm 2012 và 2013. “Cần phải có thêm nhiều hoạt động thăm dò ở khu vực này (bãi Cỏ Rong) - chủ tịch Philex Manuel Pangilinan tuyên bố - Đương nhiên đây là một vấn đề chính trị. Chúng tôi hi vọng các bên đòi chủ quyền sẽ cho phép chúng tôi thăm dò”.
Trung Quốc cũng đòi “chủ quyền” ở Reed Bank và từng lên tiếng phản đối việc thăm dò dầu khí ở khu vực này. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì đối với kế hoạch của Philex. Tuy nhiên, hôm 2-8 tờ Nhân Dân Nhật Báo đã lên tiếng cáo buộc Philippines “không chân thành” trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Việc Philippines đề xuất các quốc gia Đông Nam Á đòi chủ quyền ở biển Đông cùng hợp tác để biến biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác... chỉ là “trò lừa đảo”. Trung Quốc “sẽ không đứng nhìn” trước việc quân đội Philippines thực hiện các hoạt động xây dựng trên một đảo tranh chấp. “Bất cứ quốc gia nào đánh giá sai lầm về chiến lược trong vấn đề này chắc chắn sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng” - Nhân Dân Nhật Báo lớn giọng cảnh báo.
Trung Quốc đẩy mạnh thăm dò dầu khí
Dù phản đối các nước khác, Trung Quốc lại rất tích cực thăm dò dầu khí ở biển Đông. Tân Hoa xã ngày 2-8 cho biết Trung Quốc đã thăm dò địa chất ở khu vực từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa trong thời gian từ ngày 13 đến 31-7. Trung tâm Nghiên cứu địa chất Trung Quốc (CGS) cho biết hoạt động này nhằm thiết lập hồ sơ thăm dò địa chất một cách có hệ thống trong đường địa chất dài 1.000km ở khu vực này.
Trong khi đó, CNOOC cũng đang lao vào các cuộc thăm dò trên biển Đông. CNOOC đã đầu tư giàn khoan “Dầu khí đại dương 981” với khả năng hoạt động dưới vùng nước sâu 3.000m, bởi các giàn khoan hiện tại của Trung Quốc chỉ hoạt động ở mức từ 10-300m ngoài khơi. Trung Quốc tuyên bố sẽ điều giàn khoan này đến vùng nước sâu trên biển Đông.
Tân Hoa xã cho biết trước đó giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa đã khẳng định CNOOC sẽ khoan 4-6 giếng khai thác trong năm 2011 và sẽ đẩy nhanh tiến độ khai thác thăm dò. Với giàn khoan “Dầu khí đại dương 981” được thiết kế chịu được bão có cường độ mạnh, CNOOC và các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc có thể dễ dàng đưa tàu thăm dò địa chất cũng như các tàu xây dựng hạ tầng xuống các vùng nước sâu ở biển Đông. CNOOC cho biết sẽ xử lý các vấn đề khai thác dầu khí “theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc”.
Với cục diện này, một lần nữa biển Đông sẽ không khỏi đứng trước nguy cơ trở nên nóng bỏng trong thời gian tới.
Tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế Ngày 3-8, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến đàm phán vòng 7 cấp chuyên viên về thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết: “Từ ngày 29-7 đến 1-8, tại Hà Nội đã diễn ra đàm phán vòng 7 cấp chuyên viên về thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua bảy vòng đàm phán, hai bên đã sơ bộ nhất trí với nhau về một số nguyên tắc như: các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982; trong quá trình giải quyết tranh chấp, cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì cần trao đổi giữa các bên liên quan. Hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong năm nay. Thời gian cụ thể sẽ thỏa thuận qua đường ngoại giao”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận