Phóng to |
Biểu tình phản đối Trung Quốc ở New Delhi ngày 26-4 - Ảnh: AFP |
Quốc hội Ấn Độ, trong phiên họp ngày 29-4, đã yêu cầu Thủ tướng Manmohan Singh giải thích về phản ứng yếu ớt của New Delhi trước sự xâm phạm qua biên giới của binh lính Trung Quốc ở Ladakh - vùng núi hẻo lánh phía đông bắc - giữa tháng trước.
Quốc hội Ấn đòi đáp trả
Báo Deccan Herald của Ấn Độ cho biết sở dĩ quốc hội phải đưa ra yêu cầu này là vì cuối tuần trước, Thủ tướng Singh chỉ tuyên bố chung chung là Ấn Độ đã có kế hoạch đối phó với sự xâm phạm của Trung Quốc và mô tả sự vi phạm này chỉ là một “sự kiện mang tính cục bộ”. Một số nghị sĩ đòi chính phủ thành lập một căn cứ quân đội tại khu vực này cũng như cân nhắc lại việc thừa nhận Tây Tạng thuộc Trung Quốc, thậm chí còn đòi đáp trả hành động gây hấn của Bắc Kinh bằng chiến tranh.
Nghị sĩ - cựu bộ trưởng quốc phòng Mulayam Singh Yadav đã mô tả Trung Quốc là “kẻ thù lớn nhất” và chỉ trích New Delhi là “hèn nhát, kém cỏi”. Ông vạch rõ: “Tại sao chính phủ lại không ra lệnh khi mà bản thân chỉ huy quân đội đã tuyên bố binh lính sẵn sàng phản ứng? Họ [Trung Quốc] đã sỉ nhục chúng ta năm 1962 và họ lại đang làm nhục chúng ta”. Đảng Samajwadi của ông Yadav cũng phản đối việc phái Ngoại trưởng Salman Khurshid sang Trung Quốc ngày 9-5 và nhắc lại lời thề năm 1962 của New Delhi là sẽ không đàm phán với Bắc Kinh cho đến khi nào giành lại được lãnh thổ.
Trong khi đó, các chỉ huy cấp cao trong quân đội Ấn Độ đã họp ngày 30-4 để thảo luận các biện pháp phòng vệ trước sự xâm nhập của Trung Quốc, dù New Delhi đến nay vẫn cho biết sẽ không xem xét đến một hành động quân sự.
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo!
“Một hành động ngang ngược!” Trên báo India Times, chuyên gia địa chiến lược Brahma Chellaney nhận định việc xâm nhập biên giới Ấn Độ cũng giống như hành động ngang ngược của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông trong tranh chấp với Nhật Bản hay tại biển Đông. Ông Chellaney cho rằng New Delhi cần triển khai quân đội canh giữ các điểm quan trọng, bởi Ấn Độ “chỉ có thể duy trì hòa bình biên giới bằng cách cho Trung Quốc thấy rằng New Delhi có khả năng và ý chí chính trị để bảo vệ hòa bình”. |
Trong khi đó, ngược lại với tuyên bố “tham vấn và đối thoại để giải quyết căng thẳng và duy trì hòa bình tại biên giới” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc một ngày trước đó, binh lính Trung Quốc vẫn tiếp tục dựng thêm chốt tại vùng Daulat Beg Oldi thuộc Ladakh, như báo Press Trust India ngày 29-4 cho biết. Tổng số chốt của Trung Quốc đã tăng lên năm. Ngoài việc triển khai một số chó Molosser - giống chó canh đắc lực ở các vùng cao, binh lính Trung Quốc cũng dựng biển bên ngoài chốt, tuyên bố “Bạn đang ở phía lãnh thổ Trung Quốc”.
Báo India Times dẫn một nguồn tin cấp cao của Ấn Độ cho biết: “Binh lính hai nước vẫn đang trong tình trạng mặt đối mặt”. Phía Trung Quốc có khoảng 50 binh lính cùng ba sĩ quan, được trang bị súng ngắn Makarov phiên bản do Bắc Kinh sản xuất và nhiều loại súng trường AK và được tiếp tế liên tục bằng xe tải từ phía bên kia biên giới.
Theo báo cáo được gửi lên Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ đã phát hiện hành động xâm nhập của binh lính Trung Quốc vào tối 15-4 và gửi lực lượng phản ứng nhanh để ngăn chặn không cho tiến sâu hơn vào đất Ấn Độ. Phía Ấn Độ đã yêu cầu binh lính Trung Quốc quay về. Vấp phải phản ứng này, binh lính Trung Quốc dựng chốt tại Ladakh vốn nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 18km.
Vụ xâm phạm diễn ra sau khi Bắc Kinh đòi New Delhi dỡ bỏ các boongke tại khu vực này nhưng bị bác bỏ. Trên báo South China Morning Post, Ashley Tellis thuộc Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cho rằng động thái của Bắc Kinh nhằm đáp trả việc New Delhi tăng cường xây dựng phòng tuyến dọc đường biên tranh chấp giữa hai nước.
Ấn Độ gần đây đã cho mở đường, xây dựng sân bay dọc biên giới với Trung Quốc. Dù vậy, nhiều ý kiến trong nước cho rằng việc triển khai cảnh sát biên giới là không tương xứng với sức mạnh của quân đội Trung Quốc đang có mặt tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận