Ven sông Thu Bồn có rất nhiều điểm du lịch xanh - Ảnh: UBND huyện Nông Sơn
Để thúc đẩy ngành du lịch địa phương phục hồi và phát triển sau dịch, hưởng ứng "Năm du lịch quốc gia 2022" do Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết: "Sự kiện Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình 2022 là dịp để quảng bá, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch địa phương".
* Thưa ông, trong Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình 2022, điểm nhấn là hoạt động chạy bộ "Khám phá Nông Sơn", huyện muốn "làm mới" hình ảnh Nông Sơn để thu hút đầu tư, phát triển du lịch?
- Nội dung ngày hội rất phong phú, nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến với Làng du lịch Đại Bình. Từ những tour du lịch trải nghiệm, ăn ở, làm vườn, tham quan các mô hình ký ức Đại Bình; tận hưởng những món ăn đặc sản làng quê, những loại trái cây và món Rau Sen đặc trưng, du khách cùng hòa quyện với thiên nhiên trong rừng cây cổ thụ tự nhiên (rừng cấm), du thuyền ngược dòng sông Thu Bồn lên Hòn Kẽm - Đá Dừng.
Điểm nhấn của ngày hội là giải chạy bộ "Khám phá Nông Sơn 2022". Đây là hoạt động thể dục, thể thao có quy mô lớn, lần đầu tiên được huyện tổ chức, thu hút hơn 800 vận động viên tham gia, có cả người nước ngoài.
Với các cung đường chạy dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn, băng qua các đồi núi, đồng lúa, nương ngô và bãi cát phẳng lỳ, vượt cầu qua sông Thu Bồn; qua các địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ ca như làng Cà Tang, Tý, Sé, Dùi Chiêng, Bình Yên...; ngắm cảnh làng quê từ cầu treo Quế Lâm,... chắc chắn sẽ để lại trong lòng vận động viên, du khách nhiều kỷ niệm đẹp khó quên, nhiều khung hình, thước phim có giá trị.
Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm
* Thưa ông, Nông Sơn có tiềm năng phát triển du lịch xanh, vậy huyện tập trung đầu tư điểm đến, sản phẩm, môi trường,... du lịch xanh thế nào?
- Bên cạnh làng Đại Bình, Nông Sơn còn có nhiều cảnh quan xinh đẹp được thiên nhiên ban tặng, là nơi hội tụ nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội... có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh.
Thời gian sắp tới, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh dựa trên cơ sở phát huy giá trị của tài nguyên du lịch hiện có. Trong đó, trọng tâm đầu tư xây dựng và phát triển làng Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành điểm trung tâm, sau đó lan tỏa ra các điểm tiềm năng khác. Hoàn thiện đề án thu hút đầu tư khai thác một số điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài, sinh cảnh voi gắn với việc gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học.
Về sản phẩm du lịch thì ưu tiên hình thành, phát triển các nhóm sản phẩm du lịch: tham quan, tìm hiểu; nghiên cứu lịch sử, văn hóa, con người, thiên nhiên; trải nghiệm đời sống văn hóa, lao động, sản xuất; du lịch tâm linh; cải tạo, phát triển các vườn cây trái theo hướng xanh-sạch-đẹp gắn với cảnh quan làng quê.
Trong quá trình khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch, chúng tôi sẽ quan tâm đến công tác bảo tồn giá trị các tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, hạn chế tối đa việc tác động nhân tạo làm thay đổi hoặc mất đi nét đặc trưng của từng điểm du lịch.
Hoạt động văn hóa, lễ hội sẽ thu hút du khách
* Để phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, Nông Sơn không thể dựa vào nội lực hoàn toàn. Vậy huyện có những kiến nghị nào về cơ chế, chính sách... để thu hút đầu tư, thưa ông?
- Là huyện miền núi, cách Đà Nẵng và Hội An không quá xa, giao thông thuận lợi, là nơi có sông Thu Bồn chảy qua, gần với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Thời gian qua, sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực, từng bước đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vào các điểm du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách đến với Nông Sơn, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thời gian tới, huyện ưu tiên đầu tư phát triển điểm du lịch Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái, cộng đồng. Tuy nhiên với nguồn lực nội tại, huyện chưa đủ khả năng để đầu tư phát triển đồng bộ hoạt động để tạo động lực cho sự phát triển.
Huyện rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ tỉnh để tạo điều kiện cho huyện có đủ nguồn lực tổ chức lễ hội thu hút du khách hằng năm và kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng một số điểm du lịch phục vụ cho sự phát triển. Tỉnh hỗ trợ xúc tiến, kêu gọi đầu tư, mời gọi doanh nghiệp lớn về đầu tư khai thác khu phức hợp nước nóng Sơn Viên; chủ trì kết nối với huyện Duy Xuyên để nâng tầm tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm.
Phong phú các hoạt động ngày hội
Vườn cây trái Đại Bình xum xuê là điểm đến của nhiều du khách - Ảnh: UBND huyện Nông Sơn
Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình 2022 tổ chức từ ngày 12 đến 14-8 gồm các hoạt động: đua thuyền trên sông Thu Bồn; giải bóng chuyền tứ hùng; sinh hoạt CLB thơ, nghệ thuật thư pháp; hội thi vẽ tranh thiếu nhi; biểu diễn thể dục dưỡng sinh người cao tuổi; lễ phát động trồng cây gây rừng; khai mạc ngày hội, chương trình nghệ thuật. Vòng chung kết giải bóng chuyền hơi Người cao tuổi; thi đổ nước vào chai, kéo co; bình chọn nhà - vườn - kiệt đẹp; hội thi thả diều; chương trình nghệ thuật: Hát cải lương của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCM.
Các hoạt động diễn ra thường xuyên: tham gia các tour tham quan trong làng, tour liên kết trong huyện; tự tham quan, check-in tại các vườn hoa, nhà vườn, không gian văn hóa "Ký ức Đại Bình", nghề truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian: bài chòi, lô tô, các trò chơi dân gian, hát cho nhau nghe... Từ 5h sáng 14-8 là cuộc tuần hành môtô, xe đạp; giải chạy bộ "Khám phá Nông Sơn" với sự tham dự của gần 800 vận động viên chạy ở 3 cự ly: 7km, 21km và 32km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận