03/08/2024 09:18 GMT+7

Nông sản xuất khẩu lại bùng nổ, nhiều mặt hàng giá tăng hơn mong đợi

Trong kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, nông sản (bao gồm thêm lâm - thủy sản) xuất khẩu luôn là gam sáng nổi bật. Hơn 2 quý năm 2024, hàng loạt nông sản Việt được khách quốc tế ưa chuộng, thị trường nhiều, đơn hàng tăng, giá cả ngoài mong đợi.

Nông sản xuất khẩu lại bùng nổ, nhiều mặt hàng giá tăng hơn mong đợi- Ảnh 1.

Chế biến dưa hấu tại một nhà máy ở tỉnh Tiền Giang, trước khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo các chuyên gia, kinh tế toàn cầu năm 2024 còn nhiều rủi ro, khó đoán định, lạm phát vẫn tiềm ẩn. Tuy nhiên với thế mạnh về nguồn cung lớn, giá cả cạnh tranh, đặc biệt là "truyền thống của nông sản Việt", dự báo nửa cuối năm nay xuất khẩu sẽ còn bứt tốc. Tất nhiên để nông sản đi xa, đi sâu, đi bền vào nhiều thị trường thì cần thêm nhiều lưu ý.

Xuất chính ngạch, doanh nghiệp có cơ hội "thẳng tiến"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho hay năm 2024 doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu xoài An Giang đi Mỹ, Úc; xuất thêm sầu riêng đi Trung Quốc nhưng 7 tháng qua rất thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu tăng.

"Sản lượng xoài An Giang qua Mỹ, Úc vượt kế hoạch. Những loại quả khác đến các thị trường truyền thống vẫn đảm bảo kín đơn. Hiện kim ngạch xuất khẩu của công ty đã mang về khoảng 60 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi đang chuẩn bị hàng trái cây để xuất khẩu vào dịp cuối năm. Mọi thứ đang rất trơn tru", ông Tùng nói.

Thị trường "ruột" của công ty này là Mỹ, Úc, châu Âu, Trung Quốc với các loại trái cây chính như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa... Ông Tùng tự tin dự đoán công ty sẽ có mức tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức 2 con số và hơn nữa vì tín hiệu thị trường đang khá thuận lợi.

Lý giải câu chuyện trái cây, rau quả xuất khẩu tăng mạnh, ông Tùng giải thích: "Hiện Việt Nam có nhiều loại trái cây mới xuất khẩu vào nhiều thị trường. Trước đây có xuất khẩu nhưng chưa được ghi nhận vì chưa xuất khẩu chính ngạch.

Từ ngày sầu riêng xuất chính ngạch sang Trung Quốc, bưởi xuất sang Mỹ - New Zealand, nhãn xuất được sang Nhật..., doanh nghiệp nào cũng có cơ hội "thẳng tiến". Vì thế kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là điều dễ hiểu".

Xuất được giá cao từ hàng chế biến

"Ngôi sao" trong ngành hàng nông sản xuất khẩu là sầu riêng khi loại "trái cây vua" này được nhiều doanh nghiệp ví là "hồn" của trái cây Việt Nam vì được ưa chuộng hàng đầu, nhất là ở thị trường tỉ dân Trung Quốc.

Ông Bùi Phú Tôn, giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), cho hay công ty chuyên xuất khẩu nông sản tươi, đông lạnh và chưa năm nào lại phấn khởi như năm 2024.

"Phấn khởi vì sản lượng nông sản xuất khẩu đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là sầu riêng. Sầu riêng trong nước có giá cả ổn định, không đột biến tăng vì nguồn cung dồi dào.

Sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc thì giá lúc nào cũng cao (gấp 2,5 lần sầu riêng tươi), đơn hàng tới tấp. Mỗi tháng chúng tôi xuất 2 container sầu riêng đông lạnh. Với quy mô công ty của mình thì chúng tôi thấy sản lượng đều đều này rất ổn", ông Tôn cho hay.

Cũng là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 4 - 5% GDP và chiếm 9 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu (chỉ sau điện tử, may mặc, dầu thô, giày dép), theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng qua dù rất khó khăn khi phải "so đua" với tôm Ecuador, Ấn Độ... nhưng như "hoa nở trên đá", nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay kim ngạch, giá trị xuất khẩu tôm hiện nay vẫn đang tăng trưởng rất tốt.

Đại diện một công ty xuất khẩu thủy sản ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) kể về tin vui: thay vì tìm khách hàng, mới đầu tháng 7 có 2 đối tác lớn ở Nhật Bản tìm đến công ty đặt đơn về tôm chế biến, hàng giá trị gia tăng, nghĩa là thị trường và uy tín chất lượng tôm Việt mà công ty xây dựng rất tốt. Hiện doanh thu đã tăng được 30% từ 6 thị trường, nhất là Mỹ, nhờ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu.

"Nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật nên thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển", vị này nhận định.

Nông sản xuất khẩu lại bùng nổ, nhiều mặt hàng giá tăng hơn mong đợi- Ảnh 2.

Sầu riêng được Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đóng gói xuất khẩu - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Gạo, cà phê vẫn duy trì vị thế

Ngoài trái cây, thủy sản thì gạo Việt Nam xuất khẩu đầu năm nay cũng có dấu ấn đặc biệt. Đơn cử, lần đầu tiên gạo của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines với gần 1,94 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỉ USD, tăng hơn 14% về lượng, tăng hơn 40% về trị giá.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, còn dẫn ra giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

"Nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...", ông Nam cho hay.

Với cà phê, hiện đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và trong 7 tháng qua, cà phê Việt Nam thu về hơn 3,1 tỉ USD, trong đó có khoảng 10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu đều tăng lên 100 triệu USD. Theo ông Nguyễn Nam Hải - chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu, sau Brazil và ngày càng được thế giới biết đến, công nhận.

Giá cà phê xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân 3.550 USD/tấn; trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 2.400 USD/tấn, tăng 48%.

Ông Hải cho biết cà phê Việt Nam hiện rất "hot" vì nguồn cung khan hiếm, mà các "ông lớn" như Đức, Ý, Nhật Bản luôn "săn lùng" loại nông sản này. "Chính vì nguồn cung ít nên cà phê Việt rất có giá, đầu tháng 7, Hungary tìm mua cà phê Việt với mức giá trung bình rất cao: hơn 6.800 USD/tấn hay Israel mua với mức gần 6.100 USD/tấn.

"Với các thị trường như Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc... mức giá nhập khẩu cũng tăng lên khoảng 30% so với năm trước. Vì thế, các thị trường này đều nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu cà phê Việt có kim ngạch 100 triệu USD", ông Hải thông tin thêm.

Một doanh nghiệp cho hay mức giá cà phê có thể nói đã vượt hơn cả mong đợi, tính toán lúc đầu năm.

Nguồn: Bộ NN&PTNT - Tổng hợp: THẢO THƯƠNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: Bộ NN&PTNT - Tổng hợp: THẢO THƯƠNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dự báo đến cuối năm thế nào?

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hơn nửa năm 2024 xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 29,2 tỉ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Bộ này dự đoán với kết quả đạt được, năm nay xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khả năng sẽ cán đích 54 tỉ USD.

Với cụ thể từng ngành hàng qua 7 tháng năm 2024, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đa số đều tăng trưởng ấn tượng và nhiều hy vọng tiếp tục tăng đến cuối năm. Cụ thể:

- Rau quả: có mức tăng trưởng đột biến, có thể lập kỷ lục từ trước tới nay và sẽ cán mốc trên 7 tỉ USD. Trong đó, sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỉ USD.

- Gạo: nhiều khởi sắc và dự báo có thể đạt 5 tỉ USD.

- Thủy sản: kim ngạch xuất khẩu sẽ hồi phục trở lại, đạt mức 9,5 - 10 tỉ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỉ USD.

- Cà phê: vượt qua mốc kỷ lục 5 tỉ USD, thậm chí có thể lên đến 6 tỉ USD.

Được giá và được mùa

Đại diện phía Nam của Bộ NN&PTNT đánh giá nhìn số liệu thống kê, có thể nói đến hiện tại sản xuất nông nghiệp được giá và được mùa. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng, giá bán cũng tăng cao.

Trách nhiệm của bộ, ngành là hỗ trợ bà con, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Tư duy của chúng ta là hàng hóa phải đi xa, nông sản không chỉ phục vụ trong nước mà còn phải hướng đến xuất khẩu.

Điểm nhấn vẫn là thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2024.

Bộ NN&PTNT cho hay sẽ song hành cùng với Bộ Công Thương trong hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường, kiểm dịch động, thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.

Nông sản xuất khẩu lại bùng nổ, nhiều mặt hàng giá tăng hơn mong đợi- Ảnh 4.

Bưởi VN được một doanh nghiệp sơ chế, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất chính ngạch sang thị trường Mỹ - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Vẫn phải chú ý chất lượng, đa dạng sản phẩm hơn nữa

Theo các chuyên gia, hiện có nhiều nhận định từ phía thị trường xuất khẩu rằng vào nửa cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng lên, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bận rộn vào khoảng thời gian này. Vậy làm sao đón cơ hội "vàng" để bứt tốc và tạo dấu ấn đang là tính toán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng.

Với rau quả Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng quyết định cho sự tăng trưởng vẫn phải là chất lượng.

"Cần giữ mối liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu để nhà vườn chạy theo giá cả, không bẻ "kèo" như hái sầu riêng non. Ngoài ra cần giữ quy định mẫu mã, vùng trồng, tránh để những lùm xùm về sầu riêng nhiễm cadimi như thời gian qua", ông Nguyên nói.

Đặc điểm của sầu riêng là giá rất đắt, sầu riêng Tây Nguyên hết vụ thì sầu riêng miền Tây tiếp vụ nên có thời điểm cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng. Theo ông Nguyên, để tận dụng ưu thế này, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sản phẩm sầu riêng đông lạnh để bán sang các nước giàu.

"Chỉ có các nước giàu mới mua nổi sầu riêng. Vì thế, ngoài Trung Quốc, cần mở rộng sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi đã có thị phần, có tiếng tăm rõ ràng thì câu chuyện kim ngạch xuất khẩu sầu riêng mong muốn mang về 3 tỉ USD trong năm 2024 là chuyện nhỏ. Con số này sẽ tăng, tăng nữa...", ông Nguyên nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng các loại quả mới vào các thị trường; không để dịch bệnh.

"Quan trọng nhất vẫn là nâng cao hàng rào kỹ thuật của trái cây Việt Nam để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường. Một thị trường biến động, mình chuyển ngay thị trường khác. Một thị trường khác nổi lên, mình nhập trái cây Việt chào mời ngay... Có như vậy xuất khẩu mới đi xa, đi sâu, tăng trưởng bền vững", ông Tùng nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dũng (doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chủ yếu tôm) ở TP Nha Trang, hết tháng 7-2024 nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhìn nhận đây là một năm kinh doanh bận rộn...

Với ngành thủy sản, đó là bận rộn đối diện với những khó khăn như giá nguyên liệu tăng, giá tôm không cạnh tranh lại được tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ khi bán sang Mỹ; bận rộn với những đơn hàng "đánh" vào sản phẩm mới mà "đối thủ" không có được như tôm chế biến, hàng giá trị gia tăng.

"Các nước này không chế biến được tôm hoặc chế biến rất ít nên mình tập trung vào thế mạnh này. Chúng tôi tuyển nhân công, lao động để tập trung đơn hàng dịp cuối năm cho các sản phẩm tôm giá trị gia tăng.

Chẳng hạn tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, há cảo tôm... Mặc cho khó khăn, nếu doanh nghiệp biết đa dạng sản phẩm nhờ dựa vào thế mạnh, ngành hàng sẽ tăng trưởng", ông Dũng nhìn nhận.

Ngoài ra theo ông Dũng, do biến động ở Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ được chú trọng. Những thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới.

Với cà phê, ông Nguyễn Nam Hải lưu ý cuối năm 2024, quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực, thị trường này cũng sẽ chịu tác động. "Quy định này yêu cầu tất cả sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu không được gây mất rừng hoặc suy thoái rừng.

Các sản phẩm, trong đó có cà phê, phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới, có thể gây khó khăn cho nông dân sản xuất nhỏ. Vì vậy, cả nông dân và doanh nghiệp phải tính toán, lưu ý việc này", ông Hải khuyến cáo.

Cảnh báo hậu quả lớn từ những lô hàng sai phạm rất nhỏ

Ngày 2-8, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, EU đã phát tổng cộng 2.708 cảnh báo cho tất cả các thị trường, riêng Việt Nam nhận được 57 cảnh báo, chiếm tỉ lệ 2,1%. So với cùng kỳ năm trước, số cảnh báo mà Việt Nam nhận được tăng hơn 80% (cả năm 2023 nhận 67 cảnh báo). Trong số này, TP.HCM nhận được 23 cảnh báo - nhiều nhất.

Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc SPS, cho hay một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU chỉ 38kg nhưng bị phát hiện không đạt yêu cầu đã góp phần khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới tới 50%. Trường hợp với đậu bắp cũng tương tự.

Thậm chí chỉ 7 lô hàng thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu, sản phẩm này cũng bị áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%. "Nếu không sớm có giải pháp cải thiện, kiểm soát chất lượng, những mặt hàng này có nguy cơ không được xuất vào EU", ông Nam cảnh báo.

Các nước đua nhau mua nông sản Việt, giá xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu cao chót vótCác nước đua nhau mua nông sản Việt, giá xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu cao chót vót

Tháng 4 vừa qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về hơn 5 tỉ USD nhờ nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia và giá xuất khẩu mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu... đều tăng mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên