Hai loại gạo của Trung An được chuyển lên xe tải, xuất khẩu đi châu Âu - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngày 3-9, tại buổi họp trực tuyến "Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?", ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết doanh nghiệp này vừa xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên sang EU, sau khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực. Toàn bộ lô hàng này có thuế suất 0% thay vì 4-45% tùy loại như trước đây.
Trong đợt giao hàng đầu tiên, có 6 container tương đương 150 tấn gạo, trong đó gạo ST20 có giá 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine giá trên 600 USD/tấn. Doanh nghiệp này cũng đã có hợp đồng xuất khẩu gạo với 3 khách hàng ở Đức với sản lượng lên đến 3.000 tấn.
Theo ông Bình, năm 2020, gạo Việt có rất nhiều tín hiệu tốt và đứng trước cơ hội tăng trưởng sản lượng và giá trị lớn.
"Trước đây, có những lô hàng gạo mà nhà nhập khẩu của chúng tôi phải đóng thuế đến 300 EUR/tấn, nhưng thuế này không còn nên giá tốt hơn rất nhiều, nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt với gạo Campuchia, Thái Lan... Ngoài ra, chất lượng gạo của VN thời gian qua cũng cải thiện đáng kể nhờ thay đổi quy trình canh tác tiến bộ. Giá trị gạo Việt được người châu Âu chấp nhận và tin dùng" - ông Bình cho biết.
Với kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng bột rau sấy lạnh (như bột rau má, bột tía tô, lá diếp, lá sen...) sang thị trường EU trong 4 năm qua, bà Nguyễn Ngọc Hương, giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt, cho rằng nếu muốn đưa hàng qua thị trường EU, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ giấy tờ, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng để có thể cung cấp ngay khi khách hàng yêu cầu.
Ngoài việc kiểm soát chất lượng tốt và ổn định, các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tăng quy mô sản xuất nếu có đơn hàng lớn.
"Khách hàng châu Âu thường mua số lượng ít ban đầu, thấy tốt mới nhập nhiều. Nếu mình có năng lực tăng quy mô sản lượng, đối tác sẽ đánh giá cao và có thể làm ăn lâu dài" - bà Hương chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận