21/10/2008 02:09 GMT+7

Nông sản rớt giá đồng loạt

Trần Mạnh
Trần Mạnh

TT - Vài tuần qua giá nhiều loại nông sản như cao su, cà phê, điều, gạo... giảm mạnh. Trong đó giá cao su đã giảm đến 50% so với trước đó. Mức giảm trên đang thật sự tác động lớn đến các hộ nông dân...

CJswWjue.jpgPhóng to

Nhập mủ cao su ở Nông trường Phú Riềng Đỏ (Bình Phước) - Ảnh: Anh Thoa

Ngừng cạo mủ vì giá giảm

Cà phê, tiêu, điều... đều giảm giá mạnh

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - giám đốc Xí nghiệp chế biến XNK điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Vinafimex), phó chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước, giá điều trong tuần qua tiếp tục giảm 0,2-0,5 USD/kg so với tuần trước. Ngày 20-10, giá điều nhân chỉ dao động ở mức 4,8-5 USD/kg.

Trong khi đó, giá hạt tiêu hiện đang ở mức 37.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng chín. Ông Trần Đức Tụng, chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho biết với mức giá này nhiều người dân đã ghim hàng không bán để đợi giá tăng. Tuy nhiên theo ông Tụng, có rất ít hợp đồng được ký trong thời gian qua vì cả người mua và người bán đều chờ đợi một xu hướng rõ ràng hơn của thị trường.

Tương tự, giá cà phê nhân xô tiếp tục xu hướng giảm trong nhiều ngày qua ở mức 24.000-25.000 đồng/kg, giảm khoảng 400 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh - chủ một vườn cao su hơn 40ha ở Bình Phước, nếu như thời điểm tháng bảy, tháng tám giá cao su lên 57 triệu đồng/tấn thì nay chỉ còn khoảng 28 triệu đồng/tấn. Ông Vinh cho biết trước đây mỗi ngày ông thu vào khoảng 20 triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 5 triệu đồng. “Tôi sẽ ngừng cạo để dưỡng cây, chứ nếu tiếp tục khai thác thì không đủ chi phí trả cho nhân công” - ông Vinh lo lắng.

Trước xu hướng giảm giá, nhiều điểm thu mua ở khu vực Bình Dương, Bình Phước đã ép giá thu mua khiến nhiều hộ nông dân phải chấp nhận bán giá thấp do hiện nay đang là cao điểm thu hoạch cao su. Anh Điểu Thành, chủ của hơn 30ha cao su ở Phước Long (Bình Phước), than phiền: “Mấy ngày qua họ ép giá dữ lắm, chỉ trả 26 triệu đồng/tấn. Họ nói nhu cầu xuất đi Trung Quốc không nhiều”.

Theo ông Hồ Văn Hữu - giám đốc Sở Công thương Bình Phước, giá mủ cao su hiện đã xuống hơn 50% so với trước đây. Hiện nguồn cung quá lớn trong khi nhu cầu không đáng kể. Tuy nhiên vẫn theo ông Hữu, giá cao su xuống thấp nhưng cũng chưa đến ngưỡng lỗ mà vẫn có lời.

Giám đốc một công ty cao su ở Bình Dương cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến giá cao su giảm là do việc bán mủ ồ ạt. Mặt khác, kinh tế thế giới suy giảm, thị trường xe hơi tiêu thụ không đáng kể khiến sản phẩm cao su phục vụ ngành này cũng chững lại”. Một số nhà phân tích dự báo có khả năng giá cao su xuất khẩu tiếp tục giảm trong những ngày tới.

ĐBSCL: nhiều doanh nghiệp ngưng mua gạo

Chiều 20-10, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An (đề nghị không nêu tên) cho biết hiện nay thị trường lúa gạo ở ĐBSCL gần như bị “đóng băng”. Hầu hết doanh nghiệp đã mua gạo dự trữ đầy kho nhưng chưa bán được nên ngưng mua vào khoảng một tuần nay. “Khách hàng vẫn giao dịch, nhưng họ chào giá quá thấp nên các doanh nghiệp chưa bán.

Tuy nhiên, nhiều khả năng tới đây chúng tôi sẽ chấp nhận lỗ để bán giải phóng kho chuẩn bị thu mua gạo của vụ đông xuân” - vị lãnh đạo này nói. Một số doanh nghiệp cho biết nếu chấp nhận xuất khẩu với giá khoảng 400 USD/tấn thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ khoảng 1.500 đồng/kg.

Do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngưng thu mua gạo, nên các chợ đầu mối lúa gạo hiện chỉ còn duy trì để phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa. Loại gạo phổ biến trong dân hiện nay là IR 50404 có giá khoảng 6.000 đồng/kg, nhưng chủ yếu dùng để... nấu rượu và chế biến thức ăn nên lượng tiêu thụ không đáng kể.

Trong khi đó, mặc dù sản lượng không còn nhiều nhưng giá cá tra liên tục giảm, chỉ còn 15.300-16.000 đồng/kg (giảm hơn 1.000 đồng/kg). Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang), cho biết tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã làm các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải giảm công suất.

------------------------------

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Phải có quỹ bảo hiểm nông nghiệp”

ODgOcInQ.jpgPhóng to
Ảnh: N.C.T.
Làm thế nào để giúp nhà nông vượt qua cơn lốc giảm giá? Trả lời Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (ảnh) nói:

- Với giá gạo, vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công thương cũng yêu cầu các tổng công ty tiếp tục ký hợp đồng tăng cường mua lúa của nông dân để giữ giá cho bà con. Mặt khác, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương rà soát cơ cấu giống để có những giống chất lượng cao hơn phù hợp với yêu cầu thị trường. Các giống lúa có chất lượng thấp, chẳng hạn như IR 50404, thường khó tiêu thụ nên có giá thấp.

* Thị trường nông sản thường có những biến động thất thường, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có thêm những công cụ để giảm thiểu rủi ro cho nông dân?

- Hiện nay có nhiều đề xuất, trong đó có các giải pháp về tài chính như thành lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp, đề xuất Nhà nước tăng mua dự trữ hoặc thành lập thị trường tương lai cho hàng hóa nông sản... Những vấn đề này đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu.

Do các giải pháp được đưa ra có liên quan đến nguồn vốn rất lớn nên phải tính thế nào cho có hiệu quả. Hơn nữa, việc hỗ trợ nông dân cũng phải phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Ở đây có hai việc cần làm ngay. Đó là nghiên cứu và theo dõi sát tình hình diễn biến của thị trường trong nước và thế giới để thông tin kịp thời cho bà con nông dân, nhằm có những điều chỉnh trong ngắn hạn. Thứ hai là tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ bà con nông dân nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, sao cho ngay trong những tình huống xấu thì sản phẩm bà con làm ra vẫn có khả năng đứng vững để vượt qua khó khăn.

Trong những việc nêu trên, đặc biệt quan trọng là công tác liên quan đến giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp. Trong điều kiện giá thị trường không thuận lợi thì chế độ canh tác càng phải được điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng cũng như xúc tiến thương mại cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

* Nhiều ý kiến cho rằng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn so với yêu cầu đặt ra vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, thực tế cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy số dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp rất ít. Bộ trưởng nghĩ sao?

- Nghị quyết hội nghị trung ương 7 đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó có việc vốn đầu tư vào khu vực này năm năm sau phải gấp đôi năm năm trước. Tuy nhiên, cần thu hút nhiều hơn các thành phần kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Thời gian qua đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp chiếm tỉ lệ thấp có nguyên nhân là rủi ro trong nông nghiệp rất lớn vì các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh, hơn nữa hệ thống sản xuất của chúng ta chủ yếu là các hộ nông dân nhỏ lẻ với điều kiện kinh tế khó khăn. Hiện chúng tôi đang cùng với Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, nhằm đề xuất những điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn, khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường: Không phải chỉ nói hỗ trợ là xong...

Lâu nay nông dân luôn ở thế bị động đối với những biến động của giá cả thị trường trong nước và thế giới. Thực tế đó đòi hỏi trong quản lý nhà nước và điều hành kinh tế vĩ mô phải có những chính sách hỗ trợ nhà nông trước những biến động của thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, theo phản ảnh của đông đảo cử tri, sản xuất nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn, giá vật tư đầu vào quá cao, giá một số hàng nông sản lại thấp, bấp bênh, thậm chí có lúc không bán được, nhất là lúa ở ĐBSCL hiện tồn đọng quá nhiều.

Do đó, Chính phủ phải hỗ trợ nông dân bằng những điều tiết kinh tế vĩ mô, vì giá cả liên thông với nhau từ vật tư đầu vào cho tới giá xăng, giá điện, giá than... Đồng thời với việc chỉ đạo những công ty lớn của Nhà nước có khả năng chi phối thị trường tham gia tiêu thụ nông sản với giá hợp lý.

Đơn cử việc Chính phủ quy định giá mua thóc gạo phải đảm bảo cho nông dân có lãi 40% nhưng không có những biện pháp sát sao sẽ khó thực hiện, vì các doanh nghiệp chỉ lo kinh doanh, tính toán lời lỗ, nếu không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì họ sẽ không mặn mà trong việc hỗ trợ nông dân.

Việc hỗ trợ nông dân phải thiết thực, kịp thời. Vừa qua, khi giá dầu thô lên thì trong nước tăng giá xăng dầu, đồng thời Chính phủ cũng đưa ra cơ chế hỗ trợ giá dầu cho ngư dân, tuy nhiên bây giờ giá dầu xuống nhưng nguồn hỗ trợ đó một số nơi còn giải ngân chưa xong. Rõ ràng không phải cứ nói hỗ trợ là xong, mà hỗ trợ cũng phải nhanh chóng.

Mặt khác, công tác dự báo thị trường của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng, nông dân có thể đoán được ngày mai mưa nắng thế nào dựa trên kinh nghiệm, nhưng không thể đoán được thị trường sẽ diễn biến ra sao. Mới đây khi giá gạo thế giới tăng rất cao, chúng ta trù trừ không muốn xuất khẩu, còn nghe ngóng, vậy là đưa đến bất lợi cho nông dân.

Trần Mạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên