Dòng xe vẫn chờ chưa biết khi nào thông quan - Ảnh: NAM TRẦN
Sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro.
Ông Lê Minh Hoan
Chiều 22-12, trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - nói: Tình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần do nhiều lý do, tuy nhiên lần này có lẽ khó khăn nhất. Ông đưa ra nhiều giải pháp.
Đóng thêm cửa khẩu
Ngày 22-12, một lãnh đạo TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh xác nhận TP Đông Hưng, Trung Quốc vừa ra thông báo tạm dừng mọi hoạt động xuất nhập khẩu để tập trung truy vết liên quan 1 ca COVID-19 vừa phát hiện gần khu vực.
Theo đó, việc thông quan nhân sự và hàng hóa tại cửa khẩu Đông Hưng (bao gồm cả khu thương mại qua biên giới) sẽ tạm hoãn, thời gian thông quan được thông báo sau.
Lãnh đạo TP Móng Cái cho biết phía Trung Quốc tiếp tục triển khai chính sách "Zero COVID-19" nên công tác kiểm hóa của phía bạn rất chặt đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc tốc độ thông quan giảm xuống chỉ còn 40-50% so với thời điểm trước ngày siết chặt.
Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Móng Cái, đến ngày 22-12 còn 346 xe hàng tồn ở cửa khẩu Bắc Luân II. Trong đó, 276 xe chở hoa quả, 70 xe chở linh kiện điện tử, đồ gỗ mỹ nghệ. Tại km3+4 hiện còn tồn 1.258 xe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) vẫn đang tạm dừng thông quan do phía Trung Quốc đang triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, khi đảm bảo an toàn mới nối lại hoạt động.
Theo ông Duy, ngày 22-12 cửa khẩu Chi Ma đã mở cửa trở lại (năng lực cửa khẩu này không cao so với các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị).
"Ngày 21-12, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc. Phía Việt Nam đã khảo sát, lắp đặt thêm trạm khử khuẩn nhằm chủ động thêm một bước trong phòng chống dịch COVID-19. Chúng tôi đang làm tất cả mọi việc để sẵn sàng nối lại hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh trong thời gian sớm nhất, nhằm giảm tải ùn ứ nông sản" - ông Duy thông tin.
Sẽ đa dạng hóa thị trường
Theo ông Hoan, việc ùn ứ hàng hóa bộc lộ nhiều vấn đề cần giải pháp tổng thể chứ không dừng lại từng sự vụ, sự việc. Nhiều xe nông sản của Thái Lan, Campuchia cũng qua các cửa khẩu Việt Nam sang Trung Quốc.
Đến nay Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm tỉ trọng cao nhất. Theo ông Hoan, càng cao thì càng phụ thuộc vào thị trường, nhất là những thay đổi về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch, thông quan, phòng chống COVID-19. Những quy định mới về kiểm định hàng hóa thông quan cửa khẩu, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, ngày càng chặt chẽ khiến thời gian kéo dài. Chúng ta còn bị động vì thiếu hạ tầng hỗ trợ như kho bãi.
Vì thế, ông Hoan cho biết trong đề án Bộ NN&PTNT đang dự thảo, xuất khẩu nông sản sẽ được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)…
Riêng với thị trường Trung Quốc cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu. Ngoài ra, phải phân tích thông tin thị trường kịp thời bao gồm: những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những nông sản Trung Quốc có thể sản xuất được.
Ông Hoan nhấn mạnh sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro.
* Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Chú trọng thị trường nội địa
Nhiều chủ hàng sốt ruột khi nông sản vẫn phải chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Ảnh: NAM TRẦN
Một trong những vấn đề quan trọng là thị trường nội địa với gần 100 triệu người tiêu dùng cũng phải được chú trọng. Chúng tôi đã vận động thành lập các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội những doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội những hệ thống phân phối trong nước.
Tất cả sẽ được kích hoạt vừa tổ chức thị trường trong nước tốt hơn, từ chuẩn hóa mã số vùng trồng, vùng nuôi, quảng bá, xúc tiến thương mại, hạ tầng logistics… Ngoài ra sẽ kiến nghị ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro khi đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận