Lợi nhuận từ trồng lúa không chỉ giúp nông dân có vốn để dành đầu tư cho vụ sau mà còn sửa sang nhà cửa, mua sắm để ăn Tết rôm rả. Ngoài lúa, nông dân trồng sầu riêng cũng thắng lớn, vượt cả ngoài mong đợi.
Ăn Tết to nhờ trúng giá lúa
Nhờ xuống giống sớm để né hạn mặn, đến thời điểm này, 10 công lúa đông xuân của bà Trần Thị Nguyệt (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đã thu hoạch xong. Trước đó, sau vụ hè thu trúng giá lúa, bán được trên 7.000 đồng/kg, bà Nguyệt nghĩ chỉ ăn may, lâu lâu được một vụ. Nhưng đến vụ đông xuân này, giá lúa tiếp tục nhảy lên trên 10.000 đồng/kg, ngoài sức tưởng tượng của bà.
"Lúa có giá, thương lái "cưng chiều" nông dân, không o ép như trước. Sau khi trừ chi phí, vụ này tôi lời trên 40 triệu đồng. Đây là mức lời cao nhất từ trước đến giờ, ước gì giá lúa được ổn định như vậy, nông dân sẽ dư dả hơn. Tôi sẽ dành ít tiền để mua giống, phân bón cho vụ sau, còn nhiêu sửa lại căn nhà, sắm đồ Tết. Năm nay, nhà tôi ăn Tết sẽ sung túc, vui vẻ hơn", bà Nguyệt cho hay.
Sau khi lúa tăng giá mạnh, bà Nguyệt cũng tìm đất để thuê nhưng có quá nhiều người cần nên giá thuê ruộng đã tăng đáng kể, từ 2 - 2,5 triệu đồng/công nay lên 3 - 3,5 triệu đồng/công. "Với giá thuê như vậy, lỡ lúa rớt giá trở lại như trước đây, người thuê đất trồng lúa chắc chắn lỗ như chơi nên tui không dám mạo hiểm", bà Nguyệt cho biết.
Tương tự, sau khi thắng lớn trong năm 2023, nhiều nông dân tại An Giang đã tập trung vốn đầu tư vào diện tích lúa. Ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) cho biết gia đình ông xuống giống được 80 công lúa OM 380, mới hơn 50 ngày tuổi nhưng thương lái nhiều lần lại nhà đòi đặt cọc giá 9.000 đồng/kg.
"Nông dân lúc nào cũng mong muốn giá lúa cao và ổn định. Nếu giá lúa 8.000 - 9.000 đồng/kg, nông dân sẽ có tiền rủng rỉnh ăn Tết", ông Nhơn nói và cho biết bà con rất kỳ vọng sẽ tiếp tục thắng lợi vụ đông xuân này. Nếu giá lúa bán được trên 9.000 đồng/kg, bà con không sợ lỗ nên sẽ "mạnh dạn mượn tiền của đại lý để ăn Tết".
Gần 30 công lúa Jasmine vụ đông xuân của ông Nguyễn Trường Khương (xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đến rằm tháng giêng mới thu hoạch nhưng thương lái đã đòi đặt cọc với giá 9.400 đồng/kg khiến ông "vui như Tết". "Năm rồi nông dân lời được nhiều hơn nên Tết này sẽ sắm sửa tươm tất hơn mọi năm", ông Khương bộc bạch.
Giá gạo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao
Ông Mai Văn Tùng - giám đốc vùng nguyên liệu lúa gạo thuộc Công ty Đại Dương Xanh - cho rằng việc ngành gạo xuất khẩu đạt giá trị lớn một phần do những xung đột chính trị tại một số khu vực và đặc biệt là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Và dự báo trong năm 2024, giá gạo vẫn sẽ tiếp tục đứng ở mức cao do những căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Năm nay nông dân vui nên tất cả ai ai cũng vui, chúng tôi cũng mừng cho nông dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gạo có người khỏe, có người mệt. Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều mong muốn giá lúa gạo ổn định để dễ xuất khẩu hơn là biến đổi liên tục như thời gian qua", ông Tùng nói.
Theo ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp), ngành lúa gạo VN thắng hơn các nước trong năm nay không phải là may mắn mà chất lượng gạo của VN đã được nâng lên, được thương nhân quốc tế đánh giá cao và rất tin tưởng lúa gạo Việt.
Cũng theo ông Chính, giống lúa gạo VN dẻo, thơm ngon hơn, không cứng cơm như gạo của một số quốc gia xuất khẩu gạo khác. "Giá gạo VN đang ở mức cao, nông dân thắng lớn. Theo tôi, giá lúa 10.000 đồng/kg không bền vững nhưng nếu có giảm cũng không dưới 9.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân cũng thắng lớn rồi", ông Chính khẳng định.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 hai lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới - cũng cho rằng gạo Việt lên ngôi không phải nhờ ăn may. Yếu tố khách quan chỉ một phần nhưng việc đầu tư bài bản mới là tiền đề để chắp cánh cho gạo Việt, giúp gạo Việt tranh thủ cơ hội này bán được giá cao. Bởi trong thực tế, theo ông Cua, cách đây 30 năm, VN đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để định hướng chọn tạo những giống lúa mềm cơm.
Nỗ lực lai tạo bền bỉ, không biết mệt mỏi của nhiều nhà khoa học và bà con nông dân đã cho quả ngọt như hôm nay, gạo Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới. "Phần lớn gạo xuất khẩu của VN là gạo mềm cơm, rất được ưa chuộng. Uy tín, chất lượng gạo Việt từ chỗ còn xa lạ, dần dần đã được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia đánh giá cao, giúp gạo Việt được bán với giá cao", ông Cua khẳng định.
* GS Võ Tòng Xuân: Việt Nam cần có chiến lược dài hạn
Năm 2023, ngành nông nghiệp VN đạt thành tích xuất khẩu ấn tượng với sản lượng xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, đem về 4,78 tỉ USD, tăng 16,7% về lượng và 38,4% về giá trị so với năm 2022.
Không chỉ gạo mà sầu riêng cũng thắng lớn khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên Tết này bà con nông dân đón Tết sung túc hơn.
Kết quả này chính là nhờ ngành nông nghiệp chủ động quy hoạch, bố trí hợp lý vùng trồng để đón đầu được biến đổi khí hậu và chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác ba vụ/năm.
Đặc biệt, VN cũng tận dụng tốt cơ hội vào những tháng cuối năm 2023 khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo. Trong năm 2024, do tình hình chiến sự và biến đổi khí hậu, Ấn Độ và một số nước vẫn tiếp tục ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu gạo.
Do đó VN cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá tốt hơn, lập mặt bằng giá gạo mới nhằm giúp bà con nông dân bớt khổ. Các doanh nghiệp cũng thương thảo hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, có đầu ra chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bàn bạc với địa phương làm vùng nguyên liệu, nông dân không còn lo bị thương lái o ép giá.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, phục vụ việc thu mua lúa gạo của nông dân, đầu tư cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến...
* TS Trần Hữu Hiệp: "Chiếc bánh nông sản" phải lớn thêm
Theo tôi, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch sầu riêng VN... chỉ là những tác động thêm, giúp hạt lúa và trái sầu riêng VN thắng lớn.
Điều quan trọng là VN đã chuyển dịch đúng hướng. Trước đây phần lớn nông dân trồng các giống lúa bình thường, còn ngày nay nhiều diện tích chuyển sang giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Việc chọn giống lúa cũng là bước chuyển dịch theo nhu cầu thị trường...
Tuy nhiên ngoài một số loại nông sản thắng lớn, việc thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của VN bị sụt giảm, hoặc tăng về sản lượng nhưng vẫn giảm giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, theo tôi, ngành nông nghiệp cần phải có cách tiếp cận mới để "chiếc bánh
nông sản" lớn thêm với cách chọn lựa "con đường nông sản mới", không chỉ là đồng ruộng và nhà máy mà còn là không gian sáng tạo, nông nghiệp tích hợp đa giá trị với du lịch, giải trí, thời trang.
Đặc biệt cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang...
Doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu lâu dài
Ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết trong năm 2024 ngành nông nghiệp địa phương này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ, sản xuất theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường mục tiêu... gắn với phát thải thấp.
Để hạn chế và tránh tình trạng "bẻ kèo", theo ông Toàn, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin dự báo giá lúa gạo để khi ký hợp đồng bao tiêu lúa phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu lâu dài, bền vững và đặc biệt là có hệ thống nhà máy, kho chứa... tại vùng nguyên liệu để giảm các chi phí trung gian, giúp giữ chất lượng hàng hóa, tạo niềm tin cho đối tác hợp tác...
Người trồng sầu riêng thắng lớn
Không có thế mạnh về cây lúa nhưng nhiều nông dân tại Tiền Giang lại thắng lớn nhờ sầu riêng. Với giá bán bình quân khoảng 105.000 đồng/kg, cao hơn mức giá trung bình nhiều năm khoảng 50.000 đồng/kg, hầu hết các nhà vườn tại địa phương này đều thắng đậm.
Ông Nguyễn Văn Chiến (huyện Cai Lậy) cho biết kể từ khi được cha mẹ chia cho 4 công đất (4.000m2) cách nay 15 năm đến nay, chưa năm nào có thu hoạch tốt như năm qua. Từng trồng qua nhiều loại cây như lúa, mít... nhưng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá.
Mọi chuyện mới thay đổi trong hai năm qua khi gia đình ông tập trung đầu tư cho cây sầu riêng. "Với giá bán hơn 150.000 đồng/kg, năm rồi tôi thu về gần 1 tỉ đồng. Cuộc sống từ đó cũng dễ thở hơn và có tiền trả hết nợ, dư thêm chút đỉnh tôi dùng để tái đầu tư cho vườn sầu riêng", ông Chiến nói.
Dạo quanh một vòng tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và những vùng chuyên canh trồng sầu riêng khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhiều ngôi nhà khang trang mới được cất lên. Ông Nguyễn Văn Mẫn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết lợi nhuận của cây sầu riêng trong năm qua ước đạt hơn 1,7 tỉ đồng/ha, cao hơn 800 triệu đồng/ha so với năm trước đó.
Cũng theo ông Mẫn, với tổng diện tích trồng sầu riêng khoảng 22.000ha, Tiền Giang đang thực hiện tạo lập, quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận "sầu riêng Tiền Giang" nhằm cung ứng cho thị trường VN và Trung Quốc. Nhiều năm qua, sản phẩm sầu riêng xuất khẩu của Tiền Giang chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận