18/08/2018 15:33 GMT+7

Nông nghiệp không hóa chất vẫn sống khỏe

N.TÀI - Đ.VỊNH - T.TÚ - K.TÂM
N.TÀI - Đ.VỊNH - T.TÚ - K.TÂM

TTO - Giữa một nền nông nghiệp nghiện thuốc trừ sâu và phân hóa học, không ít mô hình trồng lúa sạch vẫn sống khỏe và phát triển bền vững.

Nông nghiệp không hóa chất vẫn sống khỏe - Ảnh 1.

Nông dân trồng lúa an toàn sinh học ở xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, An Giang) không dùng thuốc diệt cỏ, chủ yếu thăm đồng để nhổ cỏ - Ảnh Đ.VỊNH

Vấn đề hóc búa đặt ra: Giá lúa sạch, nông sản sạch không cao hơn giá thị trường nhưng vì sao các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà bắt tay cùng nông dân?

Dùng sâu bọ diệt sâu bọ có hại

Nhắc đến lúa sạch ở Đồng Tháp không thể không kể đến chàng thanh niên 9X Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự. 

Từ 2ha ban đầu, Tiếng đã mở rộng hơn 50ha, hoàn toàn không xài thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay phân bón hóa học. Những mùa đầu thất bát, sâu rầy "cắn phá tơi bời", nhưng nhờ kiên trì xả nước, nuôi thiên địch để ăn sâu rầy và dưỡng đất nên năng suất ngày càng cải thiện.

Điều đáng nói là toàn bộ sản phẩm mang thương hiệu gạo Tâm Việt làm ra đều được khách hàng đặt mua hết.

"Nhiều nhà khoa học không tin làm nông không cần hóa chất. Mình bảo nếu muốn tin thì gác việc phòng máy lạnh lại đi, về Tâm Việt một năm thôi sẽ biết cách làm nông không cần hóa chất liền à" - Tiếng kể.

Tương tự, nhiều cánh đồng tại An Giang cũng trồng lúa sạch, an toàn, không xài thuốc trừ sâu, hạn chế dùng phân bón hóa học. 

Ông Nguyễn Văn Thao (xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú) cho biết sau khi được tập huấn về cách quản lý dịch hại tổng hợp IPM phòng trừ sâu bệnh nhiều năm trước, ông quyết định trồng 5ha lúa mà không xài bất kỳ lượng thuốc trừ sâu nào. Điều bất ngờ là lúa ít nhiễm sâu bệnh, năng suất không giảm lại tiết kiệm được khoản tiền mua thuốc trừ sâu rất lớn.

"Mỗi năm chỉ trồng 2 vụ lúa, mùa nước lên cho xả lũ vào đồng lấy phù sa, vừa diệt cỏ, diệt mầm bệnh. Trồng lúa không sử dụng thuốc trước hết cần dùng loại giống chất lượng cao, sạ thưa... Nhờ không phun thuốc nên những loại côn trùng có ích góp phần tiêu diệt các loại côn trùng có hại, khống chế sâu bệnh" - ông Thao giải thích.

Ruộng lúa nhà ông Thao thành nơi được ngành nông nghiệp trình diễn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho bà con làm theo.

Nông nghiệp không hóa chất vẫn sống khỏe - Ảnh 2.

Vùng trồng lúa an toàn sinh học tại An Phú (An Giang) - Ảnh Đ.VỊNH

Thuyết phục dần doanh nghiệp bao tiêu

Ông Mai Văn Bộ, trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú, khẳng định năng suất trồng lúa an toàn sinh học năng suất không giảm, trong khi chi phí giảm khoảng 1.000 đồng/kg lúa. Do đó, đã có hàng trăm hộ nông dân canh tác 400ha, trồng lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu.

Theo ông Trần Anh Thư - giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, ngoài mô hình trồng lúa theo hướng an toàn sinh học, phần lớn nông dân An Giang đã áp dụng các quy trình canh tác hạn chế sử dụng nông dược, phân bón. Cả An Giang có 240.000ha trồng lúa vẫn mới chỉ có hơn 65.000ha đang thực hiện mô hình IPM và một số mô hình khác như GlobalGAP, VietGAP...

Điều khó khăn là đầu ra của nông sản sạch vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu cho nông dân, chủ yếu bán cho thương lái nên chưa có sự khác biệt trong giá bán sản phẩm sạch và các loại lúa gạo khác.

Ông Nguyễn Văn Hiền, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang, cho rằng do vùng nguyên liệu trồng lúa an toàn sinh học hiện nay không lớn, doanh nghiệp chưa mặn mà nên cũng không thể khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích. Sau nhiều lần kêu gọi, mãi đến tháng 8-2018 mới có 2 doanh nghiệp đứng ra thu mua.

"Nếu kết quả phân tích lúa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì họ mua cao hơn 150 đồng/kg so với giá thị trường. Tuy nhiên phần lớn nông dân chưa đồng tình, vì bà con cho rằng trồng lúa an toàn sinh học có giảm chi phí nhưng công sức họ bỏ ra chăm sóc lúa nhiều hơn" - ông Hiền cho biết.

Trái cây VietGAP vẫn khó tiêu thụ?

Ông Đặng Văn Nám, giám đốc HTX bưởi năm roi - da xanh Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết từng mong chờ sản phẩm HTX sớm được cấp chứng nhận VietGAP, nhưng khi được rồi lại thất vọng. Theo ông Nám, vào tháng 12-2017, bưởi năm roi - da xanh của HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP, nhưng sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ ổn định với giá cao như kỳ vọng của xã viên.

Nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến tham quan và đàm phán, nhưng vẫn chưa "bắt tay" được với ai. "Các doanh nghiệp yêu cầu rất cao về quy cách, giao hàng ổn định... trong khi thanh toán lại nhỏ giọt, một tháng sau mới chuyển khoản, nên không xã viên nào đồng ý" - ông Nám lý giải.

N.TÀI - Đ.VỊNH - T.TÚ - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên