14/06/2010 12:39 GMT+7

Nồng nàn cơm rượu nếp cẩm

HÒA NGUYỄN
HÒA NGUYỄN

TTO - Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan ngọ thì về tháng năm... Câu ca ấy nhắc mỗi chúng ta nhớ về cái tết độc đáo giữa năm - Tết Đoan ngọ hay còn được gọi bằng cái tên mộc mạc: Tết giết sâu bọ.

Và có một món ăn không thể thiếu trong ngày này ở Vĩnh Phúc là cơm rượu nếp cẩm với hương vị ngòn ngọt, chua nhẹ, cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi…

NvJMiWiY.jpgPhóng to
Nếp cẩm sau khi ủ hấp dẫn bởi hương thơm nồng của rượu, sắc tím riêng biệt và vị cay cay, ngòn ngọt...

Tôi nhớ sáng sớm Tết Đoan ngọ nào cũng vậy, bà hoặc mẹ sẽ dậy thật sớm thắp nhang rồi xuống bếp. Đặt chiếc chảo không lên bếp và rang, trong khi rang người khẽ đọc câu “thần chú”: Rang sâu rang bọ/ Tao bỏ mày đi với ý nghĩa xua đuổi côn trùng khỏi nhà mình. Sau đó, các thành viên trong gia đình sẽ được đánh thức và ăn món cơm rượu nếp cẩm trước khi bước xuống giường.

Cơm rượu nếp cẩm không khó làm nhưng đòi hỏi có thời gian chuẩn bị. Để có món cơm rượu ăn mồng 5 tháng 5, các bà các mẹ thường phải đi chợ mua gạo nếp cẩm, mua men rượu trước cả tuần lễ.

Trong ngày Tết giết sâu bọ người dân Vĩnh Phúc nhất định phải có món cơm rượu làm từ nếp cẩm trong nhà chứ không phải loại cơm rượu làm từ một loại gạo nào khác. Người ta tin nếu ăn cơm rượu nếp cẩm vào sáng sớm mồng 5 tháng 5 thì vị chua, cay, ngọt của cơm rượu nếp sẽ xua đuổi mầm bệnh trong người, đem lại sức khỏe cho mọi người.

“Không ai bắt làm nhưng vì các cụ xưa làm như thế thì bây giờ con cháu cũng cứ vậy mà làm theo, lâu dần thành lệ” - bà Phạm Thị Loan (72 tuổi, ở thành phố Vĩnh Yên) giải thích.

Muốn cơm rượu dẻo, đẹp mắt phải chọn loại nếp cẩm hạt tròn mẩy, ít tấm, màu tím hay nâu sẫm. Gạo vo sạch, cho nước sâm sấp rồi đem nấu thành cơm. Cơm khi chín hạt phải căng mọng màu tím thẫm, không bị nát, hạt cơm bóng mới là cơm ngon.

Khi cơm chín lấy bột men rượu đã giã nhỏ trộn đều vào cơm. Mỗi lớp cơm người ta rắc thêm chút men lên trên để đảm bảo men thấm đều vào cơm rồi đem ủ trong bình kín. Sau 5-7 ngày cơm đã lên men, dậy mùi thơm, có thể ăn được.

Điều đặc biệt ở món này ở chỗ có thể điều chỉnh được độ men của cơm rượu. Ai thích ăn cay, uống được rượu có khi ủ tới 20 ngày để cơm thật nhuyễn và có nhiều nước mới ăn, còn người không uống được rượu chỉ ủ khoảng 5 ngày, khi cơm vừa dậy mùi men là ăn. Người hảo ngọt cũng có thể trộn thêm chút đường hoặc sữa chua cho lạ miệng mà không sợ mất đi hương vị đặc trưng của món.

Cơm rượu khi ăn thấy vị cay cay như rượu nhưng có độ chua nhẹ, thơm của gạo nếp và men rượu, lại thấy chút dư vị ngọt theo sau, kích thích ngon miệng.

Cơm rượu nếp cẩm bây giờ được bán nhiều ở các chợ kể cả vào ngày thường chứ không còn phải đợi đến ngày Tết Đoan ngọ như xưa nữa. Thế nhưng vào ngày này bưng trên tay bát cơm rượu nếp cẩm nồng nàn hương sắc lại thấy bồi hồi lạ lùng, bởi đó không chỉ là một món ăn mà còn là cả một nét đẹp văn hóa của quê hương… Và rồi tự nhắc mình nhớ: Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan ngọ thì về tháng năm mùa sau

WKeGvoco.jpgPhóng to
Muốn cơm rượu nếp cẩm ngon, đẹp mắt phải chọn loại nếp cẩm hạt tròn mẩy, ít tấm, màu tím hay nâu sẫm

Cơm rượu nếp cẩm vẫn còn nguyên lớp vỏ lụa và lớp cám nên rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lipid, các nguyên tố vi lượng và vitamin (nhất là vitamin B1). Trong y học cổ truyền, cơm rượu nếp cẩm thường dùng để dẫn thuốc vào tì vị và thận kinh.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy cơm rượu nếp cẩm có thể giúp phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ, cao huyết áp, giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.

HÒA NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên