22/05/2012 04:03 GMT+7

Nóng lên với "đi đến cùng sự thật"

ĐỖ VĂN THUYÊN
ĐỖ VĂN THUYÊN

TT - Hiến kế “đi đến cùng sự thật...” trở thành điểm nóng trong tuần qua khi có nhiều bạn đọc cùng quan tâm vấn đề này.

3D6HLycS.jpgPhóng to
Loạt bài “Lật tẩy báo cáo tác động môi trường” (Tuổi Trẻ ngày 15 và 16-7-2011) được nhiều bạn đọc đánh giá đã đi đến tận cùng sự thật

Không chỉ truy tới cùng những vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội, bạn đọc còn đề nghị Tuổi Trẻ phải mở mục mới để bạn đọc cùng bàn luận, tìm hướng giải quyết tận gốc vấn đề...

Phải truy tới cùng...

Trước những đòi hỏi, những kỳ vọng của bạn đọc ngày càng cao, Tuổi Trẻ phải tự đánh giá mình, những cái được và những cái cần hoàn thiện hơn nữa: các “món ăn tinh thần” được trình bày trên bảy ngày đã đều tay chưa? Hình như ở hai kỳ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) Tuổi Trẻ có vẻ “hụt hơi”(?). Mảng thời sự, chính trị, xã hội có đủ “bén” chưa? Có đủ bản lĩnh khi khai thác, đặt vấn đề và truy tới cùng để có câu trả lời thỏa đáng? Cần duy trì và phát huy hơn nữa góc “Thời sự & suy nghĩ” thể hiện chính kiến của Tuổi Trẻ và cũng là những dẫn dắt, định hướng tư duy của bạn đọc.

Ngoài ra, Tuổi Trẻ cần phải tiên phong, xây dựng một kế hoạch hành động nhằm phát hiện và tấn công quốc nạn tham nhũng quyết liệt hơn. Cần tạo niềm tin để bạn đọc cung cấp thông tin. Các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội cần có thêm những đánh giá, phân tích, phê phán, định hướng đến chân - thiện - mỹ (có thể mời các chuyên gia, những nhà hoạt động xã hội có uy tín trong các lĩnh vực này tham gia, đóng góp...). Không sa đà, thông tin nhiều về những suy thoái, những hiện tượng không đại diện cho số đông, cho mặt tích cực, cho trào lưu adua, phản cảm, lệch lạc trong hưởng thụ văn hóa. Cần hạn chế những thông tin có thể vô tình cổ xúy, gây phản tác dụng như bắt chước, gợi ý cho những hành động xấu, tiêu cực.

Để bạn đọc “cùng bàn luận”

Theo tôi, ban biên tập nên có chuyên mục “Cùng bàn luận”. Tại chuyên mục này, ban biên tập đưa ra một đề tài cụ thể hoặc một đề tài mà dư luận đang quan tâm để bạn đọc cùng nhau bàn luận đưa ra ý kiến, suy nghĩ rồi tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề đó. Đây sẽ là một trang thu hút rất nhiều bạn đọc tham gia bởi người ta ai cũng muốn thể hiện mình, muốn ý kiến của mình có sự ảnh hưởng tới người khác.

Hơn thế nữa, là tờ báo của giới trẻ, Tuổi Trẻ cần phải đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của Đoàn cả về chất và về lượng thực chất hơn nữa. Đã có tình trạng chạy theo lượng mà chất thì kém, để “lọt” vào hàng ngũ Đoàn, thậm chí Đảng, những kẻ cơ hội, kém phẩm chất; những hoạt động mang tính hình thức thiếu bề sâu, không mục tiêu cụ thể. Tại sao thiếu những hình thức hoạt động đủ sức thu hút thanh niên? Hoạt động chỉ mang tính phong trào và hời hợt từ hình thức đến nội dung...

Sau giờ làm việc, thanh niên làm gì? Các trang về sức khỏe, pháp luật rất cần nhiều bài mang tính truyền thông (cần rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, thiết thực...) để phổ biến những vấn đề hết sức căn bản đến với mọi người. Cần phát huy thêm những bài viết mang đậm tính nhân văn qua các phiên tòa, bản án... mà trong sâu lắng của mỗi con người (trong cuộc) vẫn còn bản chất của lương tâm, có tính “người” hơn.. Trang Bạn đọc và Tuổi Trẻ đề nghị dành thêm một góc Tiếng nói cử tri mà qua đó Tuổi Trẻ là cầu nối giữa cử tri với các tổ chức dân cử về những vấn đề “nóng” (tuy rằng đã có quy định về việc tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn còn rất hạn chế và không kịp thời...).

Xin có một đề nghị về sắp xếp các trang như sau: với trang Sống khỏe (trang 9) mà trong đó nhiều bài viết có thể là tư liệu cần lưu trữ (cắt, lưu riêng...), vì thế rất mong được lưu ý khi bố trí sao cho không bị ảnh hưởng những bài viết hay, những tư liệu lịch sử, những phóng sự đậm tính nhân văn ở cuối trang 10 và11 cũng rất cần lưu lại (khi cắt để lưu sẽ ảnh hưởng nhau).

Hãy “phê bình trên báo”

Báo cần mở chuyên mục “phê bình trên báo” phê phán những việc xấu, người xấu ngay bên cạnh chuyên mục gương người tốt, việc tốt. Từ đó, góp phần giảm dần những hành vi chưa tốt, việc làm chưa tốt nhằm điều chỉnh hành vi, hành động, sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện nghị quyết Trung ương 4 đạt hiệu quả cao nhất. Làm được như vậy Tuổi Trẻ đã góp phần định hướng cho bạn đọc, quần chúng nhân dân và toàn xã hội nhận biết được thói hư tật xấu của những cá nhân, tổ chức mà cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, phòng chống, góp phần làm xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.

Mong “những việc cần làm ngay”

“Những việc cần làm ngay” là chuyên mục được báo Nhân Dân mở cách đây 25 năm (25-5-1987) và những bài viết đăng trên chuyên mục này của tác giả N.V.L. đã thật sự tạo nên không khí chống tiêu cực sôi nổi trong toàn xã hội. Từ đó, mở ra thời kỳ báo chí chống tiêu cực mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước.

Hiện nay tôi thấy nhiều người mong các báo mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” như trước đây. Tôi hi vọng báo Tuổi Trẻ sẽ quan tâm đến nguyện vọng này của đông đảo bạn đọc. Vừa qua Đảng ta đã có nhiều nghị quyết “tuyên chiến” với tham nhũng, tiêu cực thì việc mở chuyên mục này rất thuận lợi. Mong Tuổi Trẻ sẽ không bỏ lỡ thời cơ mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” để hằng ngày các quan chức và công chúng đều háo hức đón đọc báo, góp phần vào thực hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo ra thời kỳ phát triển mới.

Trong tuần qua Tuổi Trẻ đã nhận được thư hiến kế cải tiến của bạn đọc:

Lê Thành Đạt, Đặng Tường Khâm, Đỗ Ngọc Quý, An Phạm, Phạm văn Khiết,Tân Long Lê Mạnh Tùng, Cao Thị Huy Vân, Van hoa duong, Trần Văn Hà, Thành Lân, Thục Anh, Trần Bạch Hổ, Đặng Minh Tân, Bình Sa, Lê Công Bình, Dương Thị Quý, Lê Công Dân, Phạm Huỳnh Tuấn, Vũ Lương, Tô Hoàng Thái, Phạm Duy Cẩm, Nguyễn Hữu Phen, Trương Văn Hiệp, Đông Ba, Đỗ Hồng Ngọc (TP.HCM); Hoàng Trọng, Thanh Huệ (Hà Nội); Mai Thị Thanh Bình (Đà Nẵng); Nguyễn Đức Tiến (Quảng Ngãi); Đặng Minh Hân (Đồng Nai); Huỳnh Văn Tôn (Long An); Nguyễn Văn Lũy (Bến Tre); Nguyễn Trọng Trí, Nguyễn Văn Thiệt (Tiền Giang); Nguyễn Hoài Bảo (Bình Phước); Nguyễn Vui (Phan Thiết, Bình Thuận); Nguyễn Hải (Sóc Trăng); Trịnh Sơn Trung, Phan Hồng Thái (Bình Dương); Phạm Văn Trung (Cần Thơ); Lê Văn Căng (Vĩnh Long); Bùi Thị Sại, Huỳnh Vĩnh An (Sa Đéc, Đồng Tháp); Đặng Thị Hoàng (Bến Tre)...

Tất cả hiến kế cải tiến của bạn đọc xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39971010. Fax: (08) 39973939. Email: [email protected]. Với những hiến kế cho các sản phẩm điện tử, mời bạn gửi qua email [email protected]. Trong thư hiến kế cải tiến rất mong bạn đọc ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng (nếu có) để Tuổi Trẻ chuyển nhuận bút trong trường hợp các ý kiến được chọn đăng. Kết thúc đợt cải tiến, Tuổi Trẻ sẽ gửi quà tặng đến các tác giả có hiến kế được sử dụng trong đợt cải tiến này.

Rất mong đón nhận những hiến kế cải tiến của bạn đọc.

ĐỖ VĂN THUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên