Các bác sĩ cho hay thời tiết nắng nóng nếu không biết cách phòng tránh có thể gây ra một số vấn đề cho sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, nhiễm các bệnh do siêu vi, các bệnh về da, hô hấp...
Nhiều tác hại khi nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày gần đây do chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng và gió phơn, ở các tỉnh khu vực phía Bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng.
Đây là đợt nắng nóng đầu tiên ở miền Bắc vượt mốc lịch sử từ năm 1996, có nơi nóng lên đến 41oC. Tại Nam Bộ những ngày này, thời tiết tiếp tục nắng nóng tuy nhiên trời nhiều mây, nhiệt độ vẫn ở mức cao gây cảm giác oi bức.
Bác sĩ Kiều Xuân Thy - phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay vào mùa nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi khuẩn sinh vật gây hại dễ phát triển trong thức ăn hằng ngày, nếu không đảm bảo đúng cách sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng thường kèm chuyển mưa bất thường nên dễ dẫn đến bệnh lý về siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu... phát triển.
Đặc biệt, việc thay đổi đột ngột từ môi trường mát lạnh sang nóng khi chênh lệch nhiệt độ phòng có sử dụng điều hòa và ngoài trời, hoặc trong môi trường lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dẫn đến viêm họng, viêm mũi, viêm amidan...
Ngoài ra, tia UV thậm chí có thể gây ung thư da, rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng. Đối với những người bệnh tim mạch, thời tiết nắng nóng kèm theo sự mệt mỏi, huyết áp dễ tăng cao nếu tiếp xúc với không khí nóng khi ở phòng máy lạnh hoặc tắm bằng nước lạnh.
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay để phòng tránh các bệnh về hô hấp người dân cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường hoặc hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày.
Người dân lao động tay chân lưu ý
Bác sĩ Lê Ngô Minh Như cho hay khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao thì nên hạn chế các hoạt động vui chơi, hoạt động thể lực trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, nên đội mũ, mặc quần áo chống nắng, thoa kem chống nắng để tránh cảm nắng, tác hại đến da, mất nước thậm chí ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt (đây được xem là biến chứng nghiêm trọng).
"Đặc biệt, sau khi đi nắng, vận động dưới nắng, nhiều người thường có thói quen tắm hoặc ngâm mình dưới nước để hạ nhiệt cơ thể. Thói quen tắm này khiến lỗ chân lông đóng mở bất thường để điều chỉnh nhiệt độ đột ngột. Đây là một thói quen tắm không khoa học, nó không giúp giảm mệt mỏi hay thư giãn mà còn làm cơ thể dễ cảm lạnh", bác sĩ Như cho hay.
Ngoài ra, theo bác sĩ Như, thói quen uống nước đá và ăn đồ ăn lạnh được xem là phương pháp giải nhiệt hàng đầu cho ngày nắng nóng của đa số người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ ăn, đồ uống lạnh quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ khiến cổ họng bị tổn thương, tạo điều kiện mầm bệnh tấn công cơ thể, cơ thể suy nhược và mệt mỏi.
Việc ăn uống lạnh quá nhiều cũng ảnh hưởng nhiều đến răng miệng, làm cho răng ê buốt. Hay đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích khi ăn uống lạnh có thể dẫn đến tiêu chảy, mất nước nhiều hơn qua đường đại tiện.
Không để thực phẩm quá lâu ở nhiệt độ thường
Thời tiết nắng nóng, không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Đặc biệt, bổ sung nước đầy đủ trong giờ làm việc luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.
"Nên ăn chín, uống sôi, bảo quản các thực phẩm dễ ôi thiu trong tủ lạnh và sử dụng ngay sau khi chế biến, không để thực phẩm quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường. Nếu có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi… cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời", bác sĩ Vinh cho hay.
Sơ cứu người bị say nắng ra sao?
Bác sĩ Vinh khuyến cáo, khi nhận thấy một người có dấu hiệu say nắng, có thể thực hiện các bước sau:
- Đưa người bệnh vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, nhà mát...) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu.
- Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể.
- Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân, sau đó dùng quạt để làm tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt).
- Đắp khăn lạnh hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ. Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể uống được.
- Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ cho bệnh nhân.
- Cần bổ sung nước, đặc biệt là các loại nước dừa, nước hoa quả...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận