Một người dân thất thần sau khi toàn bộ cá đang nuôi chết hết chỉ sau một đêm - Ảnh: A LỘC
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, kết quả kiểm tra tại chỗ mẫu nước tại hiện trường cho thấy nồng độ NH4, NO2 cho phép nhiều lần.
Cụ thể, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi 5,6 - 11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10-20 lần (theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì NH4 < 0,9 mg/lít; NO2=0,05mg/lít).
Kết quả kiểm tra tại chỗ ở các điểm cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) đều thấp, dao động trong khoảng 2,6 - 3,2 mg/lít (hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít trở lên).
Người dân thu gom cá chết bán cho thương lái - Ảnh: A LỘC
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đồng Nai), mực hiện đã và đang rút xuống nhiều khiến các hộ nuôi neo đậu bè khá dày, có xu hướng tập trung về phía chân cầu.
Những bè có cá chết đều bị ảnh hưởng từ nguồn nước ở thượng nguồn từ suối Tam Bung đổ về. Tuy nhiên, các bè nuôi ở tại khu vực eo Suối Co không có cá chết.
Trước khi cá chết hàng loạt, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài hơn 7 giờ, có thể mang lượng nước chảy về cuốn theo các chất ô nhiễm khác làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2... dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.
Theo nhận định ban đầu, cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường.
Dù vậy, để có kết quả đầy đủ, chi cục đã tiến hành thu mẫu cá gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 để phân tích bệnh cá và lấy mẫu nước gửi Trung tâm dịch vụ phân tích môi trường TP.HCM phân tích một số chỉ tiêu môi trường.
Chi cục sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình và phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai để tìm nguyên nhân.
Người dân gom cá đưa về bến bán cho thương lái - Ảnh: A LỘC
Ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - cho biết qua thống kê có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) bị thiệt hại. Cá chết chủ yếu là điêu hồng, cá chép, cá lăng và cá mè với tổng số 1.538 tấn.
Theo ông Vinh, nếu nguyên nhân được xác định do tác động từ việc xả thải của các nhà máy hoạt động xung quanh thì sẽ đề nghị cảnh sát môi trường vào cuộc xử lý theo đúng thẩm quyền.
Ngược lại, sau khi rà soát lại, nếu xác định nguyên nhân do thiên tai thì sở sẽ kiến nghị tỉnh ủy, ủy ban hỗ trợ cho bà con nông dân khôi phục lại sản xuất trong điều kiện thiệt hại do thiên tai.
"Theo báo cáo của đại phương kết hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến sẽ hỗ trợ người dân trên dưới 10 tỉ đồng", ông Vinh cho biết.
Dân đội mưa gom cá bán cho thương lái - Ảnh: A LỘC
Như đã đưa tin, tối 20 và rạng sáng 21-5, người dân nuôi cá lồng bè dọc sông La Ngà khóc ròng khi hàng trăm tấn cá chép, lăng, điêu hồng… thương phẩm đang nuôi bất ngờ chết trắng.
Theo người dân cho biết cá chết làm 2 đợt. Đợt đầu xảy ra lúc 21 giờ tối 20-5 và kéo dài đến gần 24 giờ. Đợt sau bắt đầu lúc 2h sáng 21-5 và kéo dài đến sáng khiến cá nuôi trong lồng bè dọc sông La Ngà kéo dài gần 5km chết trắng.
Xác cá chất đống trong các vèo cá - Ảnh: A LỘC
Sáng cùng ngày, hàng chục bè cá chết vẫn lũ lượt được người dân tập kết tại bến cá để bán cho thương lái mang về ủ phân. Cá ương bốc mùi hôi nồng nặc cả một đoạn sông dài.
Theo ghi nhận, cá chết được thương lái thu mua với giá 2.500-3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân cho biết trong bè vẫn còn hàng chục tấn cá chưa gom kịp để mang ra bán cho thương lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận