Theo Bản tin khí gây hiệu ứng nhà kính được Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) công bố ngày 24/10, nồng độ khí CO2 trung bình trên toàn cầu đo được trong năm ngoái đã đạt 400 phần triệu, báo hiệu triển vọng không mấy sáng sủa của thể trạng "Hành tinh xanh".
WMO cũng ghi nhận nồng độ CO2 đã "một lần nữa tăng vọt lên những mức kỷ lục mới trong năm 2016" và dự báo mức CO2 trung bình hàng năm sẽ duy trì trên ngưỡng 400 phần triệu suốt "nhiều thế hệ".
Lý giải về điều này, WMO cho rằng một phần nguyên nhân khiến nồng độ CO2 gia tăng là do tác động từ hiện tượng El Nino - một hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra 4 - 5 năm/lần và làm tăng nhiệt độ các vùng biển phía Đông Thái Bình Dương, kéo theo đó là nhiệt độ không khí ấm hơn trên toàn cầu.
Theo đó, El Nino đã "gây ra các trận hạn hán tại các khu vực nhiệt đới và làm suy giảm sức chứa của các khu rừng và các đại dương".
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu WMO Petteri Taalas đã hoan nghênh thỏa thuận bước ngoặt về chống biến đổi khí hậu mà các nước đã đạt được hồi tháng trước tại thủ đô Kigali của Rawanda nhằm cắt giảm sử dụng khí hydrofluorocarbon (HFC), một loại khí "nhà kính" nguy hiểm hơn 10.000 lần so với khí CO2.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nếu không có hành động quyết liệt tương tự đối với khí thải CO2, thế giới sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử.
Quan chức này cũng cảnh báo mặc dù chu kỳ El Nino hiện đã kết thúc, song tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn.
Nồng độ CO2 trong không khí thay đổi theo chu kỳ, thông thường đạt mức cao nhất vào tháng 5 và sau đó giảm dần cho tới mùa thu.
Các chuyên gia đang lo ngại là không chỉ nồng độ CO2 đang gia tăng, mà nó đang tăng ở tốc độ nhanh kỷ lục trong 4 năm trở lại đây, ngay cả trong thời điểm không có El Nino.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận