Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến liên quan vấn đề này.
* Trung tá Nguyễn Thành Công (phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an): Cần thiết bởi 4 lý do
Quy định hiện hành ở nước ta nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (khoản 6 điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019).
Hiện nay, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an chủ trì xây dựng tiếp tục nghiêm cấm hành vi trên. Không phải đến bây giờ mà trước đây, khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đã có quan điểm đề nghị cân nhắc và cho rằng quy định như vậy là "quá nghiêm khắc" hoặc "chưa phù hợp với phong tục của một bộ phận người dân Việt Nam".
Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bởi hiện trên thế giới có 20 nước cấm mức nồng độ cồn bằng 0 như ở Việt Nam trong khi các quốc gia còn lại đều đặt ra hạn mức tối thiểu.
Tuy nhiên, từ thực tế kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đường bộ những năm qua cho thấy quy định nghiêm cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là cần thiết bởi bốn lý do:
Thứ nhất, quy định như dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dựa trên quan điểm "tính mạng người tham gia giao thông là trên hết" nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu bia, hạn chế thấp nhất tai nạn.
Thứ hai, không ít người dân cho rằng việc uống một chút rượu bia sẽ không thể gây ra tai nạn khi lái xe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay khi uống một lượng rất ít rượu bia.
Thứ ba, trong nhiều năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có chuyên đề tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Năm 2023, trên đường bộ có 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22,63% tổng số vi phạm giao thông bị xử lý. Điều này đã góp phần kéo giảm tai nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Từ đó dần hình thành thói quen, ý thức không uống rượu bia khi tham gia giao thông và nếu có uống rượu bia thì sử dụng phương tiện công cộng của tuyệt đại đa số người dân. Tuy nhiên, tai nạn do vi phạm nồng độ cồn vẫn xảy ra với nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải có các biện pháp xử lý quyết liệt, trong đó có việc tiếp tục quy định nghiêm cấm.
Thứ tư, quy định pháp luật về nồng độ cồn hiện nay cơ bản đã ổn định; hiệu quả của việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã được minh chứng trong thực tế.
Nếu thay đổi quy định có thể sẽ gây ra những xáo trộn và thiếu tính khả thi như người dân khó xác định được mình uống rượu bia bao nhiêu là vi phạm khi lái xe; nhiều người khi đã uống rượu bia thì khó có thể tự khắc chế bản thân…
Bên cạnh đó, khi lái xe bị xử phạt nồng độ cồn sẽ xảy ra sự chống đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn có thể sẽ gia tăng trở lại.
* Cần có nghiên cứu cụ thể hơn
Theo Danh mục quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh ban hành kèm theo quyết định số 320 của Bộ Y tế ban hành năm 2014, trong mục hướng dẫn chi tiết về quy trình lấy mẫu, đọc kết quả về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn).
Theo đó, trị số bình thường của cơ thể là dưới 10,9mmol/l (tương đương 50mg/100 ml). Cũng theo hướng dẫn này, nồng độ ethanol từ 10,9 - 21,7mmol/l sẽ có biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén. Với nồng độ cồn 21,7mmol/l sẽ có biểu hiện ức chế thần kinh trung ương. Nồng độ cồn 86,8mmol/l có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), đây là sự phân loại các ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế. Xét về góc độ y khoa, trong cơ thể con người vẫn có nồng độ cồn dù ở trị số rất nhỏ do chuyển hóa chất sau khi ăn các loại thực phẩm, quá trình lên men tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
"Hiện nay dư luận còn đang có rất nhiều tranh cãi về việc có nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể hay không? Bởi một số người cho rằng mình không sử dụng rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn. Vì vậy, điều cần làm hiện nay là cần có những nghiên cứu rõ ràng số liệu này", bác sĩ Hoàng nhận định.
* Cân nhắc thêm quy định về ngưỡng
Sau khi nghị định 100 có hiệu lực, một số người dân bày tỏ họ bị bảo hiểm thương mại từ chối chi trả khi gặp tai nạn giao thông với lý do vi phạm nồng độ cồn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, họ khẳng định không sử dụng rượu bia và trị số nồng độ cồn trong máu rất thấp, dưới 10,9mmol/l.
Từng gặp tai nạn giao thông do tự ngã vào tháng 10-2023, anh Trương Công Sơn (Hà Nội) chia sẻ vì trước đó bị ốm nên không hề sử dụng rượu bia suốt một tuần. Thế nhưng khi nhận hồ sơ bệnh án để quyết toán bảo hiểm nhân thọ thì anh bị từ chối vì kết quả xét nghiệm máu có phát hiện nồng độ cồn.
Về vấn đề này, một chuyên gia lĩnh vực y tế cho rằng cần có thêm quy định ngưỡng nồng độ cồn sau khi gặp tai nạn giao thông. Vị này nêu rõ hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, người dân khi gặp tai nạn giao thông đều được chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Cũng theo quy định của Bộ Y tế, trị số bình thường của cơ thể là dưới 10,9mmol/l.
"Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong trường hợp này, chúng ta cần cân nhắc việc đưa thêm quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu sau khi gặp tai nạn giao thông", vị này bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận