Phóng to |
Ông Trần Hoàng Em (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) bên kho lúa “ế” từ vụ đông xuân - Ảnh: Nguyễn Triều |
Vụ lúa đông xuân năm 2012-2013, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện 12 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 1.439ha với các loại giống lúa chất lượng cao như: OM 4900, OM 5451, OM 6600, Jasmine... tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, An Biên và An Minh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT), những cánh đồng nằm trong chương trình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP cho năng suất cao hơn 5% so với ngoài mô hình, tương đương 0,23-0,34 tấn/ha, tăng hiệu quả kinh tế 15% tương đương 3,2 triệu - 4,6 triệu đồng/ha, đồng thời giảm giá thành và chi phí sản xuất khoảng 10% so với các cánh đồng ngoài mô hình.
Tuy nhiên, cách thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn của Kiên Giang còn nặng tính trình diễn, có phần nửa vời nếu so sánh với hình mẫu mà Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã triển khai và được đánh giá thành công. Theo đó, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang liên kết với các công ty phân bón để thực hiện quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa cho nông dân. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa đến nhà máy (nếu bán ngay cho công ty), sấy lúa và lưu kho miễn phí trong 30 ngày. Trong khi đó, tại Kiên Giang việc triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn được giao cho Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật, các đại lý vật tư nông nghiệp tham gia cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo hình thức ghi nợ, cuối vụ bán lúa trả. Riêng “đầu ra” cho hột lúa là khâu tiêu thụ thì ngành NN - PTTN bỏ mặc cho nông dân tự lo.
Kết quả là trong 12 cánh đồng mẫu lớn chỉ có ba cánh đồng tìm được doanh nghiệp tiêu thụ, những cánh đồng khác nông dân phải tự tìm thương lái bán với giá khi trồi khi sụt. Toàn tỉnh có đến bảy doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất trên 1 triệu tấn nhưng đã mấy năm nay hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trong cánh đồng mẫu lớn chưa bao giờ được thực hiện một cách trọn vẹn. “Vụ đông xuân 2011-2012, Công ty cổ phần Thương mại du lịch Kiên Giang hứa bao tiêu cho hợp tác xã chúng tôi, tới cuối vụ lãnh đạo công ty nói rằng không ký được hợp đồng xuất khẩu nên bỏ ngang, chúng tôi chới với” - ông Lê Hoàng Thống, chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Tiến, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, than thở.
Nói về những bất cập trong việc thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn thời gian qua, ông Lê Quốc Việt - trưởng Phòng NN - PTNT huyện Châu Thành - cho rằng ngành nông nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để triển khai và trình diễn cánh đồng mẫu lớn, trong khi khâu quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm thì bế tắc và không có giải pháp. “Qua ba năm thực hiện chương trình này trên địa bàn huyện, tôi thấy khi Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh bỏ tiền hỗ trợ thì nông dân làm cánh đồng mẫu lớn, khi chương trình rút đi thì cánh đồng mẫu lớn chỉ còn là “cánh đồng mẫu bé”, cứ lần lượt như thế hết cánh đồng này đến cánh đồng khác “đẻ ra” rồi “chết”, muốn duy trì còn khó nói chi là nhân rộng” - ông Việt nhận xét.
Không kết nối được giữa nông dân và doanh nghiệp Ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Kiên Giang - nhìn nhận: “Giải pháp đầu ra cho lúa chất lượng cao của nông dân trong các cánh đồng mẫu lớn rất khó thực hiện nếu không muốn nói là không có, vì ngành nông nghiệp không thể bắt buộc doanh nghiệp mua cho nông dân”. Cũng chính sự không gặp nhau giữa doanh nghiệp và người nông dân mà mục đích của chương trình là liên kết những nông dân nghèo có diện tích sản xuất nhỏ vào một cánh đồng lớn nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất không thực hiện được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận