02/08/2018 09:55 GMT+7

Nông dân trồng mía điêu đứng vì đường lậu hoành hành

CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU
CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU

TTO - Trong khi các doanh nghiệp ngành đường cùng hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía khốn đốn vì hàng tồn kho kỷ lục, nạn đường lậu cứ mãi hoành hành suốt tuyến biên giới Tây Nam. Cơ quan chức năng biết rõ nhưng... "rất khó xử lý". Vì sao?

Nông dân trồng mía điêu đứng vì đường lậu hoành hành - Ảnh 1.

Đường cát Thái Lan được tập kết sát biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang chờ xâm nhập vào Việt Nam - Ảnh: CHÍ HẠNH

Chỉ trong vòng 20 phút, ống kính chúng tôi đã ghi lại có ít nhất 15 xe máy của dân "nài", đa số là thanh niên, vài người là phụ nữ, từ hướng Campuchia xâm nhập vào xã Vĩnh Xương.

Đường lậu nghênh ngang vượt đồn

Gần 22h đêm 20-7, ông T., một cán bộ xã, dẫn chúng tôi đến dốc cầu Kinh Bảy Xã nằm trên đường tỉnh 952, cách đồn biên phòng quốc tế Sông Tiền chừng 10m, cách cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) chừng 1km. 

Không cần đợi quá lâu, tiếng xe máy của dân "nài" đường lậu gầm rú, lao như tên bắn từ hướng cửa khẩu vào Vĩnh Xương. 

Dù chạy trên trục đường chính độc đạo, ngang qua đồn biên phòng quốc tế Sông Tiền, thuộc Bộ đội biên phòng An Giang, nhưng các "nài" không gặp bất cứ trở ngại nào. 

Ghé vào một quán cà phê - nơi giới "nài" đường thường tụ họp, ông T. hỏi hai thanh niên làm "nài" đường lậu đang ngồi ở đó: "Hôm nay chú không đi chở đường hả?". Thanh niên này đáp lại: "Hôm nay nghỉ vì lò còn hàng bác ơi!".

Cách đồn biên phòng không xa, dọc ven tỉnh lộ 952 đoạn qua ấp 2 và ấp 3, xã Vĩnh Xương là ba cơ sở tập kết đường. Gần 23h, bên trong những gian nhà to lớn này đèn đều tắt nhưng cổng vẫn mở, có người cảnh giới, chờ các tốp "nài" chở đường lậu chui vào. 

Trong tích tắc, đường được bỏ xuống và "nài" lại tiếp tục quay đầu xe lao nhanh về hướng biên giới. Nhiều hôm sau, cảnh tượng vẫn vô tư tái diễn...

Biên phòng, hải quan... than khó bắt!

Ông N.V.M. (55 tuổi, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Xương) cho biết cứ đêm xuống, những người lớn tuổi như ông không thể nào ngủ được vì tiếng gầm rú của giới "nài" đường lậu. 

"Người dân nhiều lần viết đơn phản ánh nhưng chuyện vẫn y như cũ" - ông M. bức xúc.

Khi xem những clip mà chúng tôi quay được, thượng tá Tạ Kim Long - đồn trưởng đồn biên phòng quốc tế Sông Tiền - thừa nhận ban đêm các "nài" đường lậu lao xe "với tốc độ kinh hoàng" trên tỉnh lộ 952, nhưng vì Vĩnh Xương có năm đường mòn giáp biên giới Campuchia nên "rất khó kiểm soát", lực lượng chức năng lại không đủ quân. 

"Biết đường lậu chạy trên đường nhưng khó bắt vì rất nguy hiểm cho anh em và bà con trong khu vực" - thượng tá Long nói.

Ông Dương Sen Hải - chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - nói dân buôn lậu bắt tay với người dân để thẩm lậu hàng qua vùng biên và trách nhiệm chính thuộc về hải quan và biên phòng. 

"Ban chỉ đạo 389 thị xã Tân Châu trực đến 18h, hải quan và biên phòng trực đến 21h. Khi anh em vừa đi tuần tra thì "đài lô" của nhóm đường lậu đã thông báo, có đến năm đường mòn qua biên giới làm sao mà ngăn chặn" - ông Hải nói.

"Hóa kiếp" cho đường lậu

Nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Xương đang bức xúc rằng An Giang không có vùng trồng mía nguyên liệu nhưng ở xã Vĩnh Xương lại có đến bốn lò nấu đường. 

Ông Trần Hoàng Hải - phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu (An Giang) - cho biết chính quyền địa phương biết rõ chuyện đường lậu được đưa vào bốn lò nấu đường này để chế biến thành đường phèn nhưng khó bắt quả tang vì các lò đường cảnh giới cao độ, và cũng không thể rút giấy phép kinh doanh vì họ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ đường xuất xứ trong nước. 

"Các cơ sở này thường thu mua đường lậu rồi mang về bỏ vào chảo lớn nấu từ 2-4 tiếng. Công đoạn cuối cùng là bán đường phèn cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh" - ông Hải nói.

Ông Phạm Quang Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), đã khăn gói lặn lội đến tận những vùng biên giới để "điều tra" nạn buôn lậu đường. 

Điều lo nhất, theo ông Vinh, là từ phía bên kia biên giới thuộc tỉnh Kampot (Campuchia) đường cát lậu được tập kết thành từng đống to, sẵn sàng xâm nhập qua biên giới thẩm lậu vào VN bất cứ lúc nào. 

Ông Vinh cho rằng việc để các lò "hóa kiếp" đường lậu như vậy là do các tỉnh quá dễ dãi trong cấp phép cho các DN nhỏ. 

Các DN này sẵn sàng tham gia mua đấu giá đường thanh lý và thu mua một số lượng nhỏ đường của đại lý rồi lấy hóa đơn giá trị gia tăng để xoay vòng, và đó là tấm "bùa hộ mệnh" để đối phó các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Nông dân trồng mía điêu đứng vì đường lậu hoành hành - Ảnh 2.

Đường cát Thái Lan được tập kết sát biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang chờ xâm nhập vào Việt Nam - Ảnh: CHÍ HẠNH

Xót xa những mùa "mía đắng"

Trong khi đường lậu hoành hành, tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có 5.444ha đất trồng mía nguyên liệu trong năm 2018 nhưng tháng 5 vừa qua, hàng ngàn hộ dân nếm một mùa "mía đắng", thua lỗ nặng. 

Ông Lê Văn Chí (54 tuổi, ngụ xã An Thạnh Nam) thở dài: "Làm mía giờ đắng lắm chú ơi! Bốn năm trở lại đây giá bỗng rơi thê thảm. Đến bây giờ còn thảm hơn, đầu vụ bán được 600 đồng, rồi rớt ào xuống còn 200-300 đồng mỗi ký".

Ông Nguyễn Văn Đắc - phó Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung - cho biết các nhà máy ứ hàng, nông dân bế tắc, mà đây lại là "nguồn kinh tế chủ lực của địa phương". Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng gặp tình trạng tương tự. 

Trong khi đó, VSSA cảnh báo với lượng đường tồn kho kỷ lục nên mùa thu hoạch mía vào tháng 10-2018, các nhà máy sẽ không thể thu mua mía nguyên liệu...

Vì sao đường VN đắt hơn?

Giá bán buôn của đường tinh luyện VN ở mức 16.000-17.800 đồng/kg, luôn cao hơn đường Thái Lan nhập lậu ở các cửa khẩu và thị trường TP.HCM từ 1.000-2.000 đồng/kg, khiến đường trong nước tiêu thụ chậm.

Theo VSSA, hiện nay đường nhập lậu trốn được 5% thuế nhập khẩu và 5% thuế giá trị gia tăng nên giá bán rẻ hơn đường trong nước 1.000 đồng/kg.

Thái Lan cũng có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất mía đường nên giá đường của họ luôn rẻ hơn.

Mỗi năm, đường nhập lậu khoảng 500.000 tấn, gây thất thu ngân sách khoảng 500 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nông dân 1.500 tỉ đồng. Hiện tồn kho đường cả nước đã lên con số kỷ lục: 700.000 tấn.

Theo ông Nguyễn Hải - tổng thư ký VSSA, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đường tuy đã có nhiều cố gắng nhưng buôn lậu đường không chỉ ở các tỉnh biên giới Tây Nam mà đã ra cả các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và phía Bắc.

TRẦN MẠNH - CHÍ HẠNH

Gặp khó với các cơ sở sản xuất đường phèn

Theo ông Nguyễn Hoàng Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện còn 7 cơ sở sản xuất đường phèn "mọc" ven biên giới với nước bạn Campuchia hơn 5 năm qua.

Họ qua mặt cơ quan chức năng bằng các giấy tờ hóa đơn mua bán hợp lệ nên không thể xử phạt hay rút giấy phép.

"Có những cơ sở sản xuất đường phèn khi vào kiểm tra thì họ đã trộn nước với đường nên cũng không biết đâu là đường nội, đường ngoại...".

Đường lậu 'hô biến' thành đường nội?

TT - Một lượng lớn đường Thái Lan hằng ngày được tập kết sẵn bên kia biên giới Tây Nam, thuộc địa phận Campuchia trước khi tuồn qua ngả An Giang rồi đưa đi khắp các tỉnh thành tiêu thụ.

CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên