Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11-2022, bộ này đã có chỉ thị 8084 về việc phát triển bền vững khi trồng sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển 'nóng'.
Nhất là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; hay chuyển đổi đất lúa...
Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ hậu quả khó lường khi tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào; không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, quản lý.
Cụ thể, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ. Đặc biệt, các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Vì thế, Cục Trồng trọt đề nghị các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 8084.
Sau đó tuyên truyền để thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Thay vào đó, trồng sầu riêng cần theo định hướng thị trường, các cơ quan quản lý; tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối… để nâng giá trị gia tăng.
Ngoài ra, triển khai Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 mà bộ đã phê duyệt. Đó là tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…
Đồng thời, bộ còn đưa ra một số chỉ đạo khác như khẩn trương lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận