TTCT - Cũng như vài mảnh đất còn sót lại của một làng hoa lừng lẫy một thuở, sâu trong những ngõ nhỏ và sâu của Hà Nội, ngay quận Ba Đình vẫn còn những người nông dân chân lấm tay bùn theo đúng nghĩa, níu giữ hồn phách của nghề trồng hoa Ngọc Hà… Phóng to Ông Trần Nguyên Bộ chăm sóc mảnh vườn nhỏ ở Ngọc Hà, giữ lấy nghề cũ của cha ông - Ảnh: Hoàng Điệp Vườn nằm trong ngõ nhỏ và sâu - kiểu ngõ ngóc ngách đặc trưng của phố Hà Nội. Nhà ông Trần Nguyên Bộ (sinh năm 1942) lọt thỏm trong ngõ, giữa những ngôi nhà cao tầng của tổ 20, phường Ngọc Hà. Dưới tán cây khế già đầu cổng là cánh cổng sắt cũ kỹ dẫn vào căn nhà được xây dựng từ năm 1985. “Từ bấy tới nay cũng không có điều kiện để xây cao hơn. Nhiều nhà xung quanh bán đất đều đã lên tầng 4, tầng 5 mà nhà tôi vẫn chỉ có vậy”. Ông Bộ nói rồi dẫn khách qua phòng khách, qua cả gian bếp, đến mấy chiếc chuồng gà ghép bằng gỗ vụn. Phía sau đó, một khoảng vườn xanh mướt đang ươm giống hoa cho vụ tết mở ra... Người già giữ nghề “Năm nay lạnh muộn nên trồng hoa tết cũng muộn hơn” - bà Liên, vợ ông Bộ, trong bộ đồ bảo hộ lao động đang gói cây cúc giống trong những mảnh giấy báo cũ nói. Từng hàng bóng điện treo dọc mỗi luống hoa để hãm không cho hoa nở sớm. Đám cây giống là để cho buổi chợ đêm. “Vì không còn nhiều đất nên nhà tôi chỉ chiết cúc giống, hơn 800m đất này thì của bà chị gái một nửa. Chị tôi chưa xây dựng, cũng chẳng muốn bán, lại không có người trồng hoa nên để cho vợ chồng tôi sử dụng” - ông Bộ kể. Sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà, lớn lên vào bộ đội, xuất ngũ lại trở về làm việc trong hợp tác xã, khi hợp tác xã giải thể, kinh tế mở bung ra, đất của ai trả về nhà nấy nên nhà nhà bán đất, bán vườn để xây nhà cao tầng. “Thế nên đất trồng hoa Ngọc Hà mới không còn. Giờ làng Ngọc Hà rất nhiều người nơi khác đến sinh sống. Họ chỉ biết làng Ngọc Hà trồng hoa chứ cũng chẳng mấy ai tiếc nuối cái nghề đã khiến tên Ngọc Hà trở nên nổi tiếng” - bà Liên nói. Mảnh vườn của nhà ông Bộ sở dĩ còn do đây là đất hương hỏa của cha mẹ ông để lại, chia đều cho mỗi con một ít. “Xung quanh đây có rất nhiều anh chị em, họ hàng nhà tôi” - ông Bộ nói. Hợp tác xã tan rã, mỗi người ở Ngọc Hà đều kiếm một công việc mới để làm, chẳng ai muốn trồng hoa nữa, mà muốn cũng chẳng có đất để trồng. “Nghề cũ của cha ông tôi giữ tiếp, coi như giữ một kế sinh nhai cho con cháu. Giờ mảnh vườn này tôi giao lại cho thằng con rồi, tôi nhận chăm sóc cây cảnh cho mấy công ty, mỗi tháng cũng được 1,5-3 triệu đồng” - ông Bộ nói và chìa đôi bàn tay chi chít vết xước do gai và cành khô. Phóng to Chàng nông dân của phường Ngọc Hà nâng niu ươm giống cúc - Ảnh: Hoàng Điệp Người trẻ nối nghiệp Trần Nguyên Thành, con trai út của ông Bộ, sinh năm 1980. Ba người anh trai chọn việc khác, Thành tiếp nhận mảnh vườn cũng như cách chăm sóc hoa từ bố như một lẽ tự nhiên và dường như anh không có ý định tìm một nghề khác. Chẳng ai nghĩ chàng trai có gương mặt thư sinh và những ngón tay thuôn dài ấy là một người làm vườn thực thụ, cho đến khi thấy Thành cầm chiếc kéo thoăn thoắt tỉa cành hay làm đất giâm cây non. “Sở dĩ hoa Ngọc Hà đẹp là bởi làng có nhiều ao hồ. Mỗi vụ cuối năm tát ao bắt cá, nhà nhà đều vét bùn ao lên phơi khô rồi đập nhỏ rải ra vườn. Có lẽ thứ đất ao ấy đã khiến hoa trồng ở đây bông bao giờ cũng to hơn, sắc thắm hơn, lá xanh và mỡ màng hơn những nơi khác”. “Lúc mới bắt tay vào làm vườn tôi cũng suy nghĩ nhiều. Nhưng đây đúng là công việc mà tôi quen thuộc nhất vì đã làm quen với cây và hoa từ lúc còn bé tí, hồi ấy mảnh vườn này thấp hơn mặt đường đằng sau rất nhiều. Chỉ khác là trước đây chơi với vườn, thỉnh thoảng giúp bố việc này việc kia, giờ thành kế sinh nhai” - Thành vừa tâm sự vừa chèn lại những hàng gạch đổ phía dưới những luống hoa xanh mơn mởn. Ông Bộ bảo sở dĩ hoa Ngọc Hà đẹp là bởi làng có nhiều ao hồ. Mỗi vụ cuối năm tát ao bắt cá, nhà nhà đều vét bùn ao lên phơi khô rồi đập nhỏ rải ra vườn. Có lẽ thứ đất ao ấy đã khiến hoa trồng ở đây bông bao giờ cũng to hơn, sắc thắm hơn, lá xanh và mỡ màng hơn những nơi khác. Giờ thì các ao hồ đều lấp đi cả, ngay cả chiếc ao nhỏ mà nhà ông cố giữ giờ cũng cạn nước. Làng đã thành phố. Để trồng được hoa, mảnh vườn nhỏ của gia đình Thành phải nhờ vào những lần thuê xe chở đất bãi về phủ lên một lượt. “Vừa chở đất bãi về vừa phải bón phân nữa - Thành nói - Lúc đầu phải tưới phân cho hoa tôi cũng ngại lắm vì hàng xóm trêu “Thành ơi, mày làm gì mà mùi ghê thế”. Sau rồi quen, vả lại diện tích đất ít, cũng phải chuyển sang ươm giống hoa, như vậy đất được canh tác nhiều hơn, thời gian phải chờ đợi cũng ít hơn. Nét duyên giữa phố Nhưng chọn nghề ươm giống đòi hỏi kỹ thuật làm hoa cao hơn, từ chăm sóc cây mẹ với nilông che mưa cùng đèn điện thắp sáng suốt đêm đến việc theo dõi sâu bệnh, cắt cành, tỉa lá cho cây mẹ khỏe mạnh cả năm. Khu vườn dành để giâm cây con phải luôn được che nắng. Mỗi khi thời tiết thay đổi, ngày cũng như đêm, chuyện chạy ra vườn kéo nilông che cho cây là bình thường. Vất vả quanh năm vậy, nhưng rủi may nghề trồng hoa chẳng khác gì người nông dân khi phải nhờ vào thời tiết. “Có năm mưa nhiều, cả làng Ngọc Hà chìm trong nước. Thế là vụ hoa ấy của tôi đi tong, phải trồng lại cây mẹ, vất vả lắm” - Thành nói. Hà Nội mỗi ngày lại ngập nặng hơn, mảnh vườn nhà Thành cứ phải tôn lên mãi. “Nhưng tôn đất lên tốn tiền lắm, khi trước mỗi năm chỉ 700.000 đồng một xe đất bãi, giờ tăng lên gấp đôi. Đắt mà vẫn phải mua, vì nếu không thì đất bạc màu, mấy cây cúc mẹ đỏng đảnh chẳng thèm lớn, hoặc sâu bệnh đất cũ chui lên ăn hết cây non” - Thành rủ rỉ kể. “Tôi cũng chả tính được thu nhập từ việc trồng hoa là bao nhiêu vì thấp lắm - Thành nói - Tôi lại chỉ chuyên về hoa cúc thôi”. Mảnh vườn này Thành bận rộn chăm sóc gần như cả năm. Tháng 2 bắt đầu trồng và chăm sóc cây mẹ, đến tháng 5 mới chiết được cây con. Cây cúc con chính là phần cành non của cây mẹ được cắt tỉa và giâm dưới đất cát pha chừng mười ngày thì mọc rễ thành cây mới. “Một ngày tôi có thể chiết và ươm cả vạn cây cúc con, toàn bán cho khách quen” - Thành cho biết. Khách mua cây giống của nhà anh đều đến từ các làng trồng hoa gần Hà Nội: Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh..., bây giờ cả người từ Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương cũng ghé đặt hàng. Cả ngày Thành ở ngoài vườn, từ tưới tắm, cắt tỉa cành, nhặt lá, bắt sâu đến chiết ghép hay tạo màu cho đất. Bà Liên lo việc bán buôn cây con. “Ngoài những đơn đặt hàng từ người quen thì đêm nào tôi cũng mang cây con lên chợ Quảng Bá bán. Chợ thường họp từ 11 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau mới tan - bà Liên nói trong khi xếp những gói cây cúc con vào thúng. Mỗi gói có 100 cây cúc con, bán được 10.000 đồng - Hôm nào khách đặt nhiều thì bán được vài ba vạn, có hôm chỉ bán được vài ngàn cây...”. Cả ba thế hệ nhà ông Bộ dù vẫn cùng sống trong căn nhà chẳng lấy gì làm rộng rãi nhưng họ chưa bao giờ có ý định bán đi mảnh vườn. “Đó là mảnh vườn cuối cùng của Ngọc Hà, nó vẫn giúp cả nhà tôi sinh nhai được với nghề cũ của ông bà” - Thành nói và dắt chiếc xe máy duy nhất của cả nhà đi đón vợ khi đã quá chiều. Vợ Thành, một cô gái miền núi đã được Thành “bắt” về trong một chuyến lên Yên Bái thăm người thân. “Chẳng riêng cô ấy mà họ hàng nhà cô ấy nhiều người rất bất ngờ, vì họ chẳng tin giữa quận Ba Đình, Hà Nội mà vẫn còn nông dân” - chàng nông dân của phường Ngọc Hà dí dỏm kể. Tags: Hà NộiNông dânLàng hoaNghề trồng hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.