Phóng to |
Mỗi ngày đi làm thợ hồ qua rẫy cà phê không đủ nuôi sống mình, anh Doãn Tâm nói: “Lòng rầu lắm”. Ảnh: N.H.T. |
Vùng đất chạy dọc 30 cây số theo quốc lộ 26 và phóng chiều rộng ra 15 - 20 cây số nối sang xứ Buôn Hồ ở phía tây và Krông Bông ở phía nam này là vùng cà phê hàng đầu cao nguyên Đắc Lắc.
Kỳ 1: Làng quê còn là khế ngọt? Kỳ 2: Một thôn 5 nhà máy
Đợi trời mưa xuống
Rẫy vườn của không ít nông dân ở đây phải đợi trời mưa xuống mang phân đi bón chứ không thể nào chủ động được thời điểm việc tưới, bón phân. Theo ông Trần Văn Minh (86 tuổi), ở thôn 6, xã Hòa An, huyện Krông Păc, những vị trí đắc địa (đất tốt và ở nơi có nguồn nước lý tưởng) đã thuộc về các nông trường và công ty, số đông cư dân với đất canh tác là những mảnh rìa lân cận. Ông Minh bảo do nguồn nước không đảm bảo nên ông chỉ lo ba sào ruộng nước ở dưới thung lũng.
Còn bà Nguyễn Thị Phi (52 tuổi), ở thôn 2, xã Ea Knuec, bảo gia đình bà đã bán sạch đất cho những người sở hữu ao nước dưới trũng để vào nơi sâu hơn, sát rừng ở vùng Tân Hòa, để mua bảy sào đất cận suối mà trồng cà phê. Ông Lê Thanh Dũng (68 tuổi) ở thôn Phước Lộc 2, xã Ea Phê quyết sống chết với cây cà phê, dù những năm rồi do nước tưới không đảm bảo khiến mỗi mùa chỉ tận thu được 1,2 tấn cà phê nhân/ha (khi có nước tưới đảm bảo thu đến 2,5 - 4 tấn/ ha). Ông mang cả ba sổ đỏ đi vay ngân hàng để lấy 40 triệu đồng về làm một lúc hai cái giếng, hi vọng 1,3ha cà phê ông trồng từ nay sẽ không còn sống dở chết dở vì "khát nước".
Ở đây là thế, ai có được nguồn nước là đảm bảo được đời sống. Các hợp tác xã có được đất trồng ở vùng trũng thấp, tạo lập được hồ nước, vậy là thu các rẫy vườn xung quanh với giá 200.000 đồng/ha/năm, thường là ba đợt tưới. Các hồ nước lớn nhỏ hình thành trong vùng như hồ 31, giếng xối, hay hồ "1-4", "1-5", rồi hồ Furo, Phước Mỹ..., kể cả nông dân là nhân viên của các công ty sở hữu các hồ này cũng phải trả 600.000 đồng/ha/năm. Cứ đặt máy hút xuống hồ là phải... trả tiền, tính theo sự xuất hiện của máy nổ ở dưới hồ, nghe tiếng máy nổ là người ta đi ghi thu tiền.
Vào sâu các vườn rẫy nằm quanh những vùng có hồ nước, có những gia đình nghèo thường dùng nước "chui" từ các hồ mà các doanh nghiệp sở hữu. Có người tưới ba đợt chỉ khai hai hoặc một, có người nhờ diện tích nhỏ lẻ mà thường "ké” vào những rẫy cà phê lớn của ông bạn rẫy bên nhân đợt ông thả máy xuống hồ để "thoát" trả tiền nước. Ở đây, vườn rẫy và diện tích đất canh tác dường như đã định vị, ổn định. Phần đông nông dân chỉ có 1-2ha cà phê, có diện tích qui mô hơn thường là dân kinh doanh, gia đình bán buôn... Giới trẻ ở vùng này đều đi lập nghiệp, mưu sinh nơi khác. Nhà nào cũng có con đi làm xa ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... "Tết nhất tụi nó mới xuất hiện ở làng!" - anh Doãn Tâm, ở xã Ea Kênh, kể.
Phải bám đất mà sống thôi
Phóng to |
Anh Phạm Văn Tuyển: “Giá cà phê xuống mức thấp hơn thì nông dân chỉ có chết!”. Ảnh: N.H.T. |
Với 1,1ha cà phê nhận khoán của công ty cà phê tháng mười năm ngoái, sau khi nộp sản lượng cho công ty, số cà phê anh Doãn Tâm thực sở hữu chỉ 5 tạ nhân, nghĩa là thu nhập một mùa vụ cà phê được 17,5 triệu đồng (nếu bán được lúc giá ở mức 35.000 đồng/kg). Tính ra cho 300 - 500 công (huy động thêm người) đổ vào rẫy suốt một năm ròng rã, trừ đi nguồn tiền đầu tư phân tro, nước tưới..., anh Tâm nói qui ra là "bán sức lấy tiền công nhật, với giá bình quân 40.000 đồng/ngày công".
Vậy là hai năm nay vợ anh đi làm thuê thêm (cuốc cỏ, lặt chồi, hái cà phê cho người khác), còn anh chuyển sang nghề thợ hồ. Già nửa thời gian trong năm họ kiếm sống bằng nghề làm thuê, còn lại dành cho cái rẫy nhỏ của mình.
Nhiều nông dân xứ cà phê bảo người dân miền xuôi nghe nói giá cà phê 35.000-38.000 đồng/kg cứ bảo "cà phê được giá!", rồi "dân cà phê giàu to!" là không chia sẻ, oan cho nông dân cao nguyên! Nhiều chủ hàng quán cho biết trước đây nông dân hay ra bưng bia nguyên thùng về uống, nhưng bây giờ đã không còn. "Không có tiền mua phân để nuôi cà phê, lấy đâu xài sang hay vỗ ngực ta là nông dân của cà phê!", ông Nguyễn Cao Thiện (57 tuổi), nguyên chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phước An, ở tổ 1, khối 14, thị trấn Phước An, bày tỏ. Ông Thiện bảo rằng ai nói cà phê đã trở lại đỉnh điểm được giá (35.000-38.000 đồng/kg) là cách nhận xét thiếu thông tin.
Ông phân tích: thời điểm giá đó của 15 năm trước, 1kg gạo 3.000-5.000 đồng, 1kg thịt heo 25.000-30.000 đồng, một lít dầu diezel giá 4.500-5.000 đồng, 1kg phân NPK 1.500 đồng... Nay cũng mức giá cà phê đó thì 1kg gạo - thịt heo - dầu cho máy tưới đã tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, mỗi hecta cà phê cần lượng phân bón như cũ, mùa khô cũng không thể bỏ tưới, còn con người cũng phải mỗi ngày ba bữa... "Giá cà phê chạy không kịp giá thực phẩm, vật tư nông nghiệp!" - anh Phạm Văn Tuyển (25 tuổi), ở Nông trường cà phê Thắng Lợi, xã Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột, lập luận. Anh nói nông dân trồng cà phê cao nguyên giờ đây nếu có ước vọng thì đó là giá thực phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu... giảm, còn giá cà phê đừng giảm nữa. Còn ngược lại, giá cà phê xuống mức thấp hơn, nông dân chỉ có chết!.
Bà con ở đây nói trước đây với 1,2 triệu đồng nông dân mua được ba bao phân NPK thì nay chỉ mua được một bao NPK (1ha phải bỏ 40 bao trọng lượng 50kg). Vậy là nhiều nông dân nay chuyển sang tự chế biến phân để bón, giảm mua phân kali, urê, NPK... từ các hãng phân bón. Mọi năm nhiều nông dân chở cà phê tươi mới hái vào cho đại lý phơi xay thì nay chở về nhà xay để lấy vỏ cà phê làm phân bón. Mỗi nhà cố là một "xưởng" sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Ông Thiện nói ngay cả lá cà phê khô trong rẫy ai gom đốt chứ ông chở hết về để ủ làm phân. Ông còn đi xin rơm rạ, cùi bắp, vỏ đậu... về băm nhỏ, trộn vôi, tưới nước ủ nhiều tháng trời thành phân như thế.
"Tôi cố giảm chi phí đầu tư phân xuống còn 50%, bằng nguồn phân tự chế để đảm bảo rẫy vườn có lãi", ông Thiện nói. Cũng như ông Thiện, giờ đây nông dân cao nguyên không "đặt cược" cả cuộc sống gia đình vào cây cà phê nữa mà "cày" nhiều hơn: tăng cường thả gà, chăn nuôi heo, thỏ, bò, trồng thêm rau, đậu, dưa, bắp... Người nào có được mảnh ruộng ở chỗ sình lầy vốn bỏ bê trước đây thì nay "cưng" nó: dọn cỏ, dẫn nước vào để sạ lúa với hi vọng khỏi phải mất thêm tiền mua gạo. "Gian khổ cũng phải bám đất mà sống chứ không thì biết bám vào đâu!" - ông Thiện nói.
----------------------------------------------
Ở xã Minh Thuận tại Kiên Giang, trung bình cứ mười nhà mới có ba nhà có điện thắp sáng, bốn nhà thì một nhà mắc nợ quá hạn ngân hàng... Vậy nhưng muốn có con lộ nhỏ về ấp phải đóng góp đến 960.000 đồng/hộ.
Kỳ tới:Chuyện ở Minh Thuận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận