Đàn bò của gia đình anh Bùi Duy Quyền, chị Bùi Thị Hiếu gây dựng từ nguồn vốn của chương trình - Ảnh: Vũ Tuấn
Sau 15 năm hỗ trợ vốn, chương trình đã tiếp sức cho hàng nghìn hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.
Nhận vốn lúc đại dịch
Từ 20 triệu đồng vốn vay Tiếp sức nhà nông, vợ chồng chị Bùi Thị Hiếu, ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã có cả một đàn bò gần chục con. Gia đình chị cũng từ một hộ nghèo vươn lên thành hộ khá, kinh tế ổn định.
Chỉ ba năm trước, vợ chồng anh Bùi Duy Quyền, Bùi Thị Hiếu ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan không dám mơ có một cơ ngơi ấm cúng, thu nhập ổn định như bây giờ. Căn nhà xây chắc chắn, thoáng đãng không còn lo những trận mưa nước ngập ngang gối như trước đây. Trong chuồng, cả chục con bò, con trâu béo múp vô tư chén đống cỏ voi tươi rói.
Đây là đàn bò, đàn trâu mà anh chị gây dựng từ đồng vốn vay của chương trình "Tiếp sức nhà nông" do báo Tuổi Trẻ và Công ty GREENFEED Việt Nam tổ chức. Số vốn vay ban đẩu chỉ 20 triệu đồng, với 3 triệu tiền hỗ trợ thức ăn cho vật nuôi, anh Quyền, chị Hiếu tậu được một cặp bò (một bò mẹ và một bê).
Già nửa năm sau, con bê lớn, anh chị bán đi, vay thêm tiền của người thân tậu thêm được một con bò mẹ. Thế là chưa đầy một năm rưỡi gia đình nông dân này có một cặp bò mẹ và một cặp bê.
Anh Quyền vui vẻ thổ lộ trời không phụ lòng người tốt, lúc nhận vốn cũng là lúc bùng phát dịch COVID-19, người nghèo càng trở nên khốn đốn. "Lúc ấy chẳng biết bấu víu vào đâu cả. Trồng cấy không bán được, chăn lợn, chăn gà thì bị dịch, đi làm thuê cũng chẳng ai thuê! Khắp nơi giãn cách, khó vô cùng!" - anh Quyền tâm sự.
Khu nhà cũ của anh Quyền, chị Hiếu lại ở chỗ trũng, dành dụm mãi mới gây được đàn gà thì một trận lũ tràn qua mất cả. Thế là đồng vốn thành cái cọc giữa dòng lũ để anh chị bám vào. Thời điểm ấy giá trâu bò cũng rất rẻ nên anh chị mới mua được cặp bò đẹp.
"Lúc ban đầu tôi đăng ký nhận vốn về sẽ sửa chuồng trại để nuôi lợn, nhưng chỗ nhà tôi trũng, sửa sang mất nhiều tiền. Hơn nữa lúc ấy lại có dịch tả lợn châu Phi, chẳng ai dám nuôi lợn. Tôi thấy nuôi bò được nên chúng tôi quyết định chuyển sang nuôi bò" - anh Quyền nói.
Có vốn, có giống, anh em họ hàng và Hội nông dân xã giúp anh Quyền thầu được một mảnh đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đến nay ngoài bốn con bò ban đầu, vợ chồng anh Quyền, chị Hiếu đã tậu thêm được hai con bò và ba con trâu.
Ngày thường anh chị đi làm đồng, buôn bán nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Lúc rảnh ra vườn chặt cỏ về chăn bò. Anh chị còn dự trữ cả rơm khô cho mùa lạnh, tiền hỗ trợ thức ăn gia súc, anh chị dành mua thức ăn tinh cho đàn bò.
"Vui nhất là con cái học hành lại được nhận học bổng của chương trình. Mình làm việc vất vả cũng chỉ mong có tiền cho con cái học tập tốt. Ngoài giúp vốn, chương trình còn tặng học bổng cho con chúng tôi, vui lắm!" - chị Hiếu tâm sự.
Sau hơn hai năm nhận vốn, chăn nuôi hiệu quả, anh Quyền, chị Hiếu bảy tỏ mong muốn có thêm nhiều hộ nông dân khác trong xã tiếp tục được hỗ trợ vốn.
Ông Bùi Văn Thục - chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phú - cho hay nông dân trong xã nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của nhiều chương trình, tổ chức nhưng cách "cho vay" của chương trình "Tiếp sức nhà nông" lại rất đặc biệt. Vừa cho vay vốn không lãi lại vừa thưởng khi trả đúng hạn, vừa theo sát cùng bà con tập huấn kỹ thuật, giải đáp thắc mắc, để đồng vốn có hiệu quả.
"Lúc đầu thì chúng tôi cũng lo vì lúc nhận vốn đúng lúc bùng dịch (COVID-19). Chúng tôi lo các hộ không tập trung chăn nuôi mà phải dùng tiền vốn vào việc khác, không hiệu quả. Nhưng khi cán bộ của Công ty GREENFEED tiếp tục đến động viên bà con, giải đáp kỹ thuật thì đồng vốn đã thực sự phát huy hiệu quả" - ông Thục nói.
Tiếp sức cho hàng nghìn nông dân
Chương trình Tiếp sức nhà nông đến nay đã được 15 năm. Trong suốt thời gian này đã có 2.620 hộ nông dân ở 24 tỉnh trong cả nước được nhận vốn. Có tỉnh đã tái cấp vốn lần thứ tư, tổng số tiền hỗ trợ lên tới 77 tỉ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, chương trình còn hỗ trợ 923 tấn thức ăn chăn nuôi, tổ chức 50 lớp tập huấn kỹ thuật và trao 4.119 suất học bổng cho con em các hộ vay vốn vượt khó học tập tốt.
Theo đánh giá của ban tổ chức, tỉ lệ hoàn vốn của chương trình đạt 95% và 94% số hộ chăn nuôi hiệu quả hoàn vốn đúng hạn. Hàng trăm hộ từ nông dân nghèo vươn lên thành chủ trang trại, chủ mô hình chăn nuôi cá thể có thu nhập cao.
Sau 1 năm nhận vốn, các hộ nông dân ở Thanh Hóa đã có thu nhập ổn định - Ảnh: Vũ Tuấn
Ông Đinh Anh Dũng - giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình - cho hay năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn, dịch bệnh hoành hành, các hộ dân không biết làm gì ra tiền, không có đồng vốn để chăn nuôi.
"Chính vì vậy mà từ 20 triệu từ chương trình Tiếp sức nhà nông, cùng với hỗ trợ của các nguồn vốn khác để đầu tư vào chăn nuôi sản xuất, đến nay nhiều hộ đã là những hộ giàu, có cả một trang trại lợn, có vườn cây, ao cá. Có hộ có cả đàn bò, có hộ lại có cả đàn hươu, nhiều hộ đã xây được nhà mới" - ông Dũng nói.
Cũng theo giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Ninh Bình, nguồn vốn của chương trình Tiếp sức nhà nông không những giúp các hộ phát triển kinh tế mà còn tạo động lực cho con em các hộ dân vươn lên trong học tập. Đây là điểm rất khác với những chương trình khác và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ông mong muốn Ninh Bình sẽ là một trong những tỉnh được tái cấp vốn để nông dân có điều kiện, có động lực để phát triển kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận