Nông dân Ken Ries tại trang trại lợn của mình ở Ryan, bang Iowa, Mỹ. Trang trại sử dụng "tấm làm mát" điều khiển bằng máy tính. Ảnh: reuters.com
Nhiều nông dân Mỹ đã sử dụng các ứng dụng công nghệ cao để giúp động vật chăn nuôi chống chọi thời tiết nắng nóng. Đó là "tấm làm mát" điều khiển bằng máy tính dành cho lợn nái, máy đếm bước chân đặc biệt đo các dấu hiệu sinh tồn giúp cung cấp manh mối về sức khỏe của bò.
Bên cạnh đó, nông dân chăn nuôi bò sữa còn dùng máy phun sương, điều hòa không khí và quạt khổng lồ để hạ nhiệt độ chuồng trại.
Gia đình McAllister ở New Vienna, bang Iowa, đã lắp đặt nhiều chiếc quạt mới ở nơi những con bò của họ nằm. Đàn bò của gia đình McAllister đã có dấu hiệu cải thiện như ăn nhiều hơn. Megan McAllister cho biết: "Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho đàn bò của mình bất kể điều gì đang xảy ra hoặc không xảy ra với biến đổi khí hậu". Gia đình chồng chị đã gắn bó với nghề nông qua 5 thế hệ.
Tất nhiên, khoản đầu tư đó có cái giá của nó: Nhiều quạt hơn để làm mát đồng nghĩa với hóa đơn tiền điện cao hơn. Đó là điều mà bác sĩ thú y Michelle Schack tại Arizona cũng đã nhận thấy. Cô nói rằng những người nông dân mà cô ấy làm việc cùng đã chuẩn bị tốt cho cái nóng gay gắt tại bang này trong năm nay, họ đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng chi phí bỏ ra khá cao.
Điều này có được giải quyết một phần với năng lượng Mặt Trời rẻ hơn được tích hợp vào các dự án nông nghiệp. Giáo sư đã nghỉ hưu Gerald Nelson tại Đại học Illinois Urbana-Champaign đánh giá có "thách thức tài chính" đối với nhiều trang trại áp dụng các chiến lược giảm thiểu nhiệt. Ông đồng thời đề cập các loài động vật có khả năng chịu nhiệt khác nhau và thậm chí những thứ đơn giản như cấu trúc bóng râm và nguồn cung cấp thêm nước có thể tạo ra khác biệt lớn khi muốn thích nghi với nhiệt.
Thông tin cũng có thể giúp ích. Một nhóm gồm các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ và các trường đại học gần đây đã tung ra một ứng dụng mới có tên HotHog sử dụng dữ liệu thời tiết địa phương để giúp nông dân dự đoán các điều kiện có thể gây khó chịu cho đàn lợn của họ. Nhà khí tượng học Chip Redmond tại Đại học bang Kansas cũng phát triển một công cụ dự báo trong 7 ngày cho những người chăn nuôi bò thịt với thông tin về nhiệt độ cũng như các yếu tố độ ẩm và gió.
Giáo sư Mario Herrero tại Đại học Cornell nhận xét: "Những đổi mới đó mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Vấn đề là chúng ta triển khai chúng như thế nào".
Nắng nóng mùa Hè ngày càng gay gắt hơn do biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc động vật có thể phải chịu tình trạng căng thẳng về nhiệt dẫn đến nguy cơ thất thu hàng tỷ USD cho nông dân và chủ trang trại nếu không quản lý đúng cách.
Tuy nhiên, công nghệ thường được áp dụng đối với vật nuôi ở các nước giàu, điều này phần nào cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Lancet Planetary Health cho thấy tổn thất do căng thẳng nhiệt ở gia súc sẽ cao hơn nhiều ở hầu hết các vùng nhiệt đới so với vùng ôn đới bởi tác động của khí hậu. Các chuyên gia ủng hộ người dân ở những quốc gia có chế độ ăn nhiều sản phẩm từ động vật như Mỹ giảm tiêu thụ thịt và sữa.
Mỹ là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt bò lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. Người dân Mỹ đã giảm uống sữa bò nhưng lại tiêu thụ nhiều phô mai hơn và chương trình của chính phủ vẫn hỗ trợ các công ty sản xuất sữa trên toàn quốc. Giáo sư Atul Jain tại Đại học Illinois Urbana-Champaign cho biết khoảng 20% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu bắt nguồn từ các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Cả ông Chip Redmond và Jackie Boerman - giáo sư dự bị tại Đại học Purdue, nói rằng họ nhận ra nông dân phải đối phó với tác động của biến đổi khí hậu hàng ngày. Bà Boerman nói: "Chúng tôi muốn làm mát những con bò, nhưng chúng tôi cũng muốn bền vững với môi trường". Tuy nhiên bà thừa nhận hai ý tưởng đó "đôi khi hơi mâu thuẫn với nhau"./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận