Ngày 18-11, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững" do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức.
Tại hội thảo, ông Thạch Phước Bình - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - nêu băn khoăn với Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ có 30% hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Ông Bình đề nghị cho biết đâu là "điểm nghẽn" khiến việc nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay? TS Trần Du Lịch (chuyên gia kinh tế) cho biết ông cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc này, cụ thể là vì sao dân thì muốn vay, ngân hàng thì có thừa tiền và cũng muốn cho vay nhưng lại vay không được?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Minh Tú cho biết Đảng, Nhà nước nói chung, các bộ ngành nói riêng có rất nhiều cơ chế chính sách để giúp hộ nông dân, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận các mô hình, trong đó có tín dụng.
Dẫn hoạt động của các hợp tác xã, ông Tú cho rằng cần nhìn nhận bức tranh hợp tác xã phát triển có bền vững không, có chực chất không, có lành mạnh và hiệu quả không, bởi những cái này liên quan điều kiện để tiếp cận tín dụng.
"Vốn ngân hàng cho hộ nông dân, hợp tác xã vay chỉ vài chục triệu đồng không phải quá lớn, rủi ro cho từng con người không lớn, tất nhiên nhiều người sẽ lớn.
Câu chuyện tín dụng là phải có điều kiện, còn điều kiện tối thiểu cho hợp tác xã, hộ nông dân, chúng tôi tin rằng ngân hàng đã có chính sách, ví dụ với doanh nghiệp hay một số dự án khác thì giao dịch phải có tài sản đảm bảo, nhưng đối với hộ nông dân chỉ cần sổ đỏ hay tài sản trên đất đem đến ngân hàng vay vốn, nhưng nhiều khi chưa có thì đó cũng là nguyên nhân.
Hay phương án sản xuất kinh doanh thế nào cho có hiệu quả, đối với hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực quản trị kinh doanh thế nào, làm sao các ngân hàng chấp nhận tín chấp mà không cần tài sản thế chấp miễn là quản lý được dòng tiền, đòi được nợ. Ngược lại không chứng minh được thì dứt khoát ngân hàng không cho vay", ông Tú lý giải.
Ông Tú cũng nhìn nhận phía doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân rất muốn vay vốn, ngân hàng cũng rất muốn cho vay nhưng không vay được, giải quyết nút thắt đó thế nào thì cơ chế chính sách cũng như trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện rất quyết liệt nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng.
Góp thêm về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV - nêu một số giải pháp như cần đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng bên cạnh nguồn từ các ngân hàng thương mại; khuyến nghị về cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền, tài trợ chuỗi cung ứng, tài trợ hàng tồn kho trên cơ sở doanh nghiệp nông nghiệp, hộ kinh doanh phải minh bạch hơn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận