Cây điên điển
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người nông dân sẽ giảm bớt rủi ro, không lệ thuộc vào con nước lũ đang ngày càng thất thường. Trồng điên điển cho bông đang là một trong những cách nông dân đang làm và cho thu nhập tốt...
Trước đây điên điển là cây mọc hoang dại hoặc chỉ trồng một ít trên đê, mương. Giờ nhiều nơi trồng thành vườn, quanh năm mùa nào cũng có thể thưởng thức. Loại cây này dễ trồng, không cần phân thuốc nên an toàn hơn, được thị trường ưa chuộng.
Hái bông điên điển: cực mà vui
Nhiều gia đình nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng điên điển và có thu nhập ổn định, cuộc sống bền vững hơn. Tôi đến gia đình ông Đào Văn Diện (50 tuổi, ấp Long Bình, huyện Chợ Mới, An Giang) đúng lúc gia đình đang tất bật hoàn thành căn nhà xây khang trang. Hỏi thăm chuyện làm ăn thì vui không kém. Mùa nước nổi năm nay dù lũ thấp nhưng gia đình vẫn ổn với thu nhập ổn định từ việc bán bông điên điển.
Hoa điên điển
Bà Nguyễn Thị Son, vợ ông Diện, cho biết gia đình trồng điên điển từ 5 năm nay. Với cây này, nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất nhiều. Điên điển vốn sống hoang dại, không phải mất công chăm sóc nhiều. Thu hoạch bông tuy cực mà vui. "Hái điên điển thấy vậy cũng cực lắm chú, thức khuya dậy sớm, muỗi cắn... Mà ra đồng, thấy bông rộ là ai cũng mê, quên hết mệt mỏi..." - bà mộc mạc chia sẻ.
Hằng ngày, khoảng 2h sáng, hai vợ chồng bà thức dậy ra sau hè rọi đèn hái bông điên điển tươi, ngon nhất để kịp bán lúc 6h sáng. 1,5 công đất (1.500m2) điên điển đang thu hoạch rộ từ tháng 7 âm lịch hiện thu trung bình 6kg/ngày. Giá bán đang ổn định ở mức 25.000 đồng/kg, tính ra mỗi tháng gia đình có thêm thu nhập ít nhất khoảng 4,5 triệu đồng. Với một gia đình nông thôn, số tiền này đủ trang trải cuộc sống.
Sinh kế mới
Ở nông thôn miền Tây, nếu ít đất sản xuất, người dân thường có hai lựa chọn: rời quê đi xa làm công nhân hoặc mướn đất nông nghiệp làm. Nhưng muốn tạo thu nhập, làm giàu trên đất thuê không phải dễ dàng (với giá thuê đất từ 3-4,5 triệu đồng/công/năm).
Trồng điên điển, người thuê đất không "ngán" tiền thuê. Bông điên điển lại cho thu nhập khá hơn, không lo giá quá bấp bênh như nhiều loại nông sản khác, so ra khá hơn thu nhập từ lúa. Nhiều vụ nông dân trồng lúa "méo mặt" vì chỉ huề vốn, lỗ công sức.
Trồng rẫy thì tốn nhiều chi phí thuốc, phân bón và nhân công. Với cây điên điển, người nông dân "quên" được nỗi lo thường trực là chi phí sản xuất và giá bán. Hơn nữa, thu hoạch điên điển là vào buổi tối, ban ngày có thể làm những công việc khác để tăng thu nhập.
Cây điên điển giờ được trồng quanh năm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Ảnh: HOÀNG VŨ
Mô hình trồng điên điển lấy bông, nghịch vụ, trên cạn... đang tạo kinh tế khá ổn cho nhiều gia đình ở miền sông nước ĐBSCL. Nông dân một số tỉnh, đặc biệt là vùng đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Long An... nhận ra lợi ích kinh tế từ cây này đã chuyển hẳn sang trồng điên điển bán bông hoặc trồng xen, kết hợp trồng cỏ nuôi bò.
Điển hình nhất là tại ấp Hòa Bình 2, xã Hòa Lạc (Phú Tân, An Giang), có khoảng 50 hộ trồng điên điển quy mô lớn cho thu hoạch quanh năm. Và diện tích ngày càng mở rộng để thay thế cho sản xuất lúa đang khó khăn, lợi nhuận thấp. 3-4 công đất trồng cây điên điển có thể tạo thu nhập chục triệu đồng/tháng.
Có ba loại giống điên điển (truyền thống, Thái, Đài Loan) được nông dân chọn trồng. Điên điển Thái được cho là ưu điểm vượt trội so với điên điển truyền thống bởi bông dài, to và dày nên rất nặng ký, hái bông mỗi ngày. Giống điên điển Đài Loan có mùi thơm nhiều hơn. Nhưng điên điển truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng vì đặc điểm, mùi vị quen thuộc...
Điểm chung và lợi nhất là các giống đều dễ trồng và chi phí đầu tư thấp. Điên điển được thị trường ưa thích, không ế hàng và là đặc sản luôn được ưa chuộng vào mùa lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận