Ông Trần Hoài Linh - phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - cho hay huyện đưa vào trồng thử nghiệm cây quế để tìm một loài cây thay thế cây tràm trên vùng gò đồi, vốn cho hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng môi sinh.
"Khi làm, chúng tôi tham khảo địa phương có nhiều cây quế to thì nghĩ có thể trồng được, giờ mới biết khó làm", ông Linh nói.
Dở dang với quế
Trước khi đưa vào trồng thử nghiệm ở nhiều xã, huyện Cam Lộ tổ chức đoàn tham quan ở tỉnh Yên Bái. Thấy giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân hồ hởi tham gia liên kết trồng quế với một doanh nghiệp.
20 hộ dân thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) trồng 6ha quế trên vùng đồi. Ông Trần Thọ Liên, trú thôn An Mỹ, cho hay người dân lần đầu trồng cây quế, thuê máy về san ủi đất, đào hố.
Ông Liên đứng đầu nhóm hộ, hồ hởi trông chờ một ngày tươi sáng. Tuy nhiên, mùa hè năm 2023 thì quế bắt đầu chết và đến cuối năm 2023 thì diện tích chết đến 60-70%. Đến nay, 6ha quế thì diện tích chết đến 80%. Diện tích còn lại, cây phát triển tốt thì cao hơn 2m, cây còi cọc chừng 50cm.
"Gần đây thấy cây quế chết nhiều nên người dân không chăm sóc nữa, thả lơ rồi trở lại trồng rừng tràm gỗ lớn. Số cây lên được thì rải rác, giờ để thế nhưng cũng không biết sau này sẽ bán như thế nào", ông Liên trăn trở.
Theo quy trình thì 4 - 5 năm sẽ tỉa thưa, nhưng số cây chết khá nhiều nên không cần tỉa thưa nữa. Trong khi đó, thời gian khai thác của cây quế lên đến 10 - 12 năm. Do đó, người dân mất nguồn thu giữa chu kỳ, vừa lo lắng vì thời gian thu hoạch khá dài.
Ông Nguyễn Anh Tuân - chủ tịch UBND xã Cam Tuyền - cho hay xã này trồng 34ha quế. "Những ngày đầu, sở ngành và đơn vị liên kết khẳng định khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Bà con tham quan thấy cây rất tốt, hiệu quả cao nên đồng tình.
Sau 7 tháng đến một năm, cây chững lại. Cuối năm 2022, đầu 2023 thời tiết khắc nghiệt, tỉ lệ chết cao. Công ty liên kết hỗ trợ giống trồng giặm lại nhưng tỉ lệ sống không cao. Đến nay, 80% diện tích quế chết.
Bà con cũng như xã rất tiếc do chưa đánh giá hết, phát triển cây mới thì chắc chắn có rủi ro", ông Tuân nói.
Với mỗi ha, nông dân bỏ ra gần 27 triệu đồng đối ứng, tương đương 50% tiền giống và phân bón, khoảng 30 triệu đồng tiền công.
Với diện tích quế chết, huyện Cam Lộ hỗ trợ nông dân 100% giống và phân bón, trở về với cây trồng truyền thống là cây tràm nhưng theo phương thức trồng rừng gỗ lớn.
Cần chọn lại vùng trồng
Huyện Cam Lộ trồng 127,8ha quế tại 7 xã, nguồn giống lấy từ Yên Bái và Kon Tum. Đến nay, có gần 115ha có tỉ lệ cây chết trên 70%. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là thời tiết nắng nóng với cường độ cao, thổ nhưỡng một số vùng có tầng đất canh tác mỏng, rễ quế không ăn sâu được.
Ông Trần Hoài Linh - phó chủ tịch UBND Cam Lộ - cho hay huyện Cam Lộ sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá lại quá trình liên kết trồng quế để tìm ra nguyên nhân, từ đó lựa chọn vùng trồng phù hợp.
Dù bước đầu chưa thuận lợi, huyện Cam Lộ cho rằng quế là cây dược liệu mới, dài ngày, có giá trị kinh tế cao và đã được trồng rải rác trong vườn nhà sinh trưởng phát triển tốt, huyện thống nhất tiếp tục thí điểm với quy mô vừa phải, nhiều vùng và nhiều mô hình trồng xen, theo dõi đánh giá để có cơ sở thực tiễn chính xác trước khi nhân rộng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, hiện có nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và mong muốn liên kết trồng quế với địa phương.
Công ty cam kết hỗ trợ đánh giá nguyên nhân quế có tỉ lệ sống thấp, tìm giải pháp, đồng thời lựa chọn vùng trồng phù hợp, trình diễn quy trình kỹ thuật và chuyển giao bà con...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận