Nhà hàng kết hợp quán cà phê mọc trên ruộng lúa ngày càng xuất hiện nhiều ở ngoại thành Hội An - Ảnh: B.D
Thay vì chỉ quần quật để đổi lấy hạt lúa, nay nông dân được chủ các nhà hàng, tiệm cà phê trả công, bao ruộng để bà con yên tâm cuốc cày.
Những diễn viên lấm bùn
Suốt gần tháng qua, cánh đồng tại thôn Thanh Tây (Cẩm Châu, Hội An) được chăm bẵm cày xới bởi những "diễn viên" nông dân. Trên đám ruộng rộng gần 2.000m2 được thuê lại từ một nhóm nông hộ thôn Thanh Tây, ông Phạm Vũ Dũng - chủ doanh nghiệp du lịch Hoa Hồng - đã be bờ, khoanh ô rồi hằng ngày thuê các nông dân xung quanh về cày cấy cho du khách chụp ảnh.
Người được mời "trình diễn" nhiều nhất là ông Na - một nông dân trồng nhiều lúa ở Hội An và lâu nay được Công ty Hoa Hồng mời vào làm việc "biên chế" tại các nhà hàng. Công việc của ông Na thường ngày là chăm đàn trâu béo ú mà chủ doanh nghiệp kỳ công chọn mua về, đàn trâu này thường ngày được vỗ béo, xức nước hoa thơm lừng rồi tản bộ gặm cỏ ung dung trên cánh đồng để khách du lịch cưỡi lên chụp ảnh.
Nhưng khi đồng được đưa nước vào để bắt đầu vụ cấy cày mới, đám trâu này đã được huấn luyện và lội xuống bùn cùng ông Na cày cấy trong cảnh công việc thường ngày của nhà nông. Dù "con trâu đi trước cái cày theo sau" nhưng cả chủ lẫn trâu của ông Na không phải chuyện được hay mất mùa. Điều cần bận tâm duy nhất là "diễn" sao thật "đạt" để khách du lịch thích thú.
Sau gần một tuần khai trương, các dãy ghế ở nhà hàng trên cánh đồng Thanh Tây của ông Phạm Vũ Dũng gần như đã kín ghế. Đám ruộng ngày nào được ông Na cày cuốc đã đến lúc gieo mạ. Khi khách tới đông, ông Dũng gọi mấy phụ nữ sống bằng nghề nông ở thôn Thanh Tây ra xắn quần lội ruộng đi cấy. Một chiếc xe kéo tay chở đầy mạ non đã chờ sẵn, mấy phụ nữ xắn cao quần lội xuống bùn để cấy tỉa. Nhiều khách du lịch ngồi trên bờ vừa uống cà phê vừa tỏ rõ sự thích thú.
Trồng lúa để... thiên hạ ngắm chơi
Thật ra, chuyện người nông dân làm chủ thể của một sản phẩm du lịch đồng quê tại Hội An vốn đã rất thịnh hành. Những cánh đồng lúa chín vàng cùng hình ảnh nông dân tất bật ra đồng từ lâu trở thành một thương hiệu của du lịch phố cổ, được du khách quốc tế tìm tới. Nhưng khác với trước, nhà nông ở Hội An giờ không chỉ làm lúa đơn thuần như công việc mưu sinh trên ruộng đồng mà họ còn là các "diễn viên quần chúng", doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay chi trả để bà con giữ nghề trồng lúa.
Trời vừa ửng sáng, chiếc xe máy cà tàng tiếng nổ lạch bạch lớn dần ngoài con đường bêtông dẫn vào mấy quán cà phê dọc cánh đồng Cẩm Châu. Bà Nguyễn Thị Bán và người bạn là Nguyễn Thị Thiệt thả chiếc nón tơi ra khỏi khuôn mặt, xỏ đôi chân vào bộ ủng nhựa rồi chuẩn bị xuống đồng.
Cả bà Thiệt lẫn bà Bán không phải người Hội An, không làm lúa để kiếm thóc gạo mà nhiệm vụ của hai bà là... đi làm "mo đồ" do chủ một doanh nghiệp thuê. Để vào cấy chính thức trong nhà hàng, hai bà được bố trí một đám ruộng nằm giữa đồng rồi cấy thử. Một ngày như thế họ được trả công 300.000 đồng/người.
"Mình tranh thủ lúc nông nhàn như thế này để qua Hội An làm mẫu, cấy lúa. Làm vừa vui mà được... lên hình" - bà Bán cười.
Trong nhiều nhà hàng, quán cà phê được mở trên đồng lúa Hội An thời gian gần đây, quán cà phê có tên "Moving house" do ông Nguyễn Đức Xinh mở ở cửa ngõ vào Hội An đang thu hút nhiều du khách gần xa. Ông Xinh vốn là kiến trúc sư. Nhận thấy nhu cầu của khách biến đổi mạnh mẽ, ông đã về đồng lúa, biến khu đất hơn 1.000m2 của mình thành tiệm cà phê với không gian hoài cổ.
Nhưng điều kéo khách tới không chỉ do quán đẹp mà mỗi khi ngồi uống cà phê, mọi người được nhìn ngắm cánh đồng bao la, trực tiếp thấy nông dân cày cấy ngay trước bàn chân mình.
"Khi mở quán, tôi tìm những chủ ruộng gần tiệm cà phê. Hiểu chuyện, tất cả bà con đều sẵn lòng "trình diễn" mà không nhận bất cứ thù lao nào. Thậm chí có người cho tôi đám ruộng rộng hơn 2 sào để tôi trồng lúa. Bà con thấy du khách chụp hình, được vừa làm lúa vừa "làm mẫu" nên họ phấn chấn và chăm bẵm ruộng hẳn" - ông Xinh nói.
Ông chủ trẻ này còn cho biết sau 2 năm đưa quán đi vào hoạt động, thấy bà con trồng lúa càng giúp khách tới nhiều hơn thì ông đã "trả công" cho nông dân bằng cách mời những người có ruộng vào làm nhân viên trong tiệm cà phê. Một người dân có đám ruộng trước quán, mới bị chính quyền thu hồi lại đã được ông Xinh thuê tặng một đám ruộng khác kế bên để người này trồng sen, rau muống.
"Bà con vừa làm lúa có cái ăn, vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi phục vụ ở quán và được trả lương tháng" - ông Xinh nói.
Bà Thiệt và người bạn là bà Bán trình diễn công đoạn nhổ mạ, cấy lúa trên đám ruộng do một doanh nghiệp thuê lại của dân phục vụ du lịch
Ruộng thành sân khấu, nông dân thành "diễn viên"
Ông Phạm Hữu - nhà ở Sơn Phô 2 (Hội An) - được ba mẹ cho 1.300m2 ruộng ngay sát một nhà hàng trên cánh đồng Cẩm Châu. Theo ông Hữu, lâu nay ruộng gần như bỏ hoang, mới đây chủ một doanh nghiệp đã đến mời ông góp đất trồng lại lúa. Điều kiện được đặt ra là ông phải trồng theo cách mà doanh nghiệp đặt ra (không dùng phân bón, thuốc hóa học) hoặc chuyển toàn bộ đất để doanh nghiệp tự thuê nông dân làm.
Ông Hữu chọn cách giao hẳn 1.300m2 ruộng với tiền thuê 8 triệu đồng mỗi năm. "Bình thường với chừng đó ruộng mình làm cật lực thì tổng cộng 2 vụ sẽ thu được khoảng 1,6 tạ lúa khô, giá bình quân bán ra được 8 triệu/tấn. Nông dân gần như không còn lãi. Nay đưa đi thuê thì vừa nhận được tiền, ruộng của mình lại được chăm bẵm tốt nên tôi rất mừng" - ông Hữu nói.
Ngoài ông Phạm Hữu, nhiều nông dân gần đó đã đưa ruộng cho doanh nghiệp. Ngoài nhận tiền mặt hằng năm, họ còn được mời ra đồng cày cấy cho khách ngắm nhìn. Mỗi người sẽ được trả một khoản tương xứng. Nhiều năm qua, hàng chục nông dân ở thôn Võng Nhi (Cẩm Thanh, Hội An) đã gom ruộng của mình chuyển cho chủ nhà hàng The Field.
Ông Phan Xuân Thanh - chủ nhà hàng này - cho biết không chỉ quy ra thóc để trả tiền tương ứng với thu hoạch từ lúa hằng năm trên ruộng, The Field còn hướng dẫn bà con trồng cấy hữu cơ, lúa làm ra được tặng lại cho bà con.
Việc duy nhất mà các nông dân phải làm đó là ra đồng cày cấy, giữ ruộng xanh tốt, sạch sẽ để doanh nghiệp làm dịch vụ tham quan trên nền ruộng đồng. Vào các ngày diễn ra các sự kiện lớn thì bà con được mời vào để trình diễn cuộc sống thường ngày, diễn lại cảnh cày cấy, chăn trâu, tát nước. Nhờ diễn nhiều vai như vậy mà nông dân ở phố cổ có thêm các thu nhập ngoài cây lúa.
Du lịch ruộng đồng giúp thay đổi đời sống nhà nông
Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết không chỉ trồng lúa như lâu nay bà con Hội An đang duy trì, nhiều phương pháp canh tác mới trên ruộng đồng đang được áp dụng vào Hội An biến người nông dân vừa làm ra hạt gạo năng suất hơn và trở thành chủ thể của ngành du lịch. Hội An kiên quyết giữ ruộng đồng, sinh thái tự nhiên và đời sống người dân để người nông dân có thu nhập chắc tay từ hai nguồn chính: làm lúa và làm du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận