21/11/2012 08:57 GMT+7

Nông dân không muốn làm ôsin

LÊ THỊ HOAN (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang)
LÊ THỊ HOAN (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang)

TT - Tôi là nông dân ở Bắc Giang. Tôi đang có một đàn heo 10 con và đàn gà vài chục con. Cả đêm hôm qua tôi đã nằm nghĩ về việc nên hay không nên chăn nuôi lợn tiếp?

Kz4hnTDO.jpgPhóng to
Chăn nuôi heo tại một hộ gia đình ở Hà Tây, Hà Nội - Ảnh: T.T.D.

Nhà tôi có 6 sào ruộng (sào Bắc bộ), không đủ sống nên phải chăn nuôi thêm. Ở vùng quê tôi, đất không rộng nên việc chăn nuôi chỉ được thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ. Trong xóm tôi có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như nhà tôi. Mỗi hộ thường nuôi vài con heo, vài trăm con gà... với mục đích kiếm thêm tiền cho con cái ăn học, có đồng ra đồng vào chi tiêu trong nhà và cũng để có thịt, trứng sử dụng mà không phải mua ngoài chợ.

Những năm gần đây, việc chăn nuôi gặp quá nhiều khó khăn. Lợi nhuận trong chăn nuôi luôn bấp bênh, dịch bệnh trong chăn nuôi nhiều. Nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi rất khổ.

Ví như nhà tôi, khi có một đàn heo khoảng 10 con thì phải đầu tư vào đó cám hỗn hợp mua từ chợ, gạo ngô có sẵn trong nhà và công sức chăn nuôi khoảng năm tháng (ba tháng heo chửa đẻ và hai tháng lớn). Tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra chăm sóc, khi bán ra chỉ thu được 12 -13 triệu đồng. Như vậy, trong năm tháng vất vả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như tôi chỉ lãi được 2-3 triệu đồng.

Tuy nhiên đấy là lúc thịnh vượng, lúc vật nuôi gặp dịch bệnh thì rất khổ. Tôi vẫn nhớ những đợt heo bị dịch chỉ nằm ở chuồng tốn cám cho ăn, phải chích thuốc, nằm trong danh sách tiêu hủy, người nuôi lỗ đơn lỗ kép.

Nuôi gà cũng vậy. Một đàn gà khoảng 200 con được nhà nông chúng tôi nhập gà giống vào với giá khoảng 3 triệu đồng, cho ăn cám hỗn hợp hết khoảng 8 triệu đồng, ngô sắn từ gia đình hết khoảng 6 triệu đồng và công lao động trong suốt ba tháng... Khi gà ở mức giá 45.000 đồng/kg thì thu được khoảng 20 triệu đồng, lấy công làm lời thì lãi được chừng 3 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá gà rất rẻ và bấp bênh (khi cao, khi thấp) thì thu về chỉ khoảng 15 triệu đồng, nên nuôi gà đã hoàn toàn lỗ.

Có thể nói hai năm gần đây chăn nuôi đã trở nên cùng cực vì giá cám đắt, nhiều dịch bệnh, giá xuất chuồng bấp bênh. “Nông dân bé” chúng tôi đang phải tự chịu tất cả. Dịch bệnh thì tự chữa, mua thức ăn gia súc đắt thì chịu, giá bán thấp cũng phải chấp nhận... Chúng tôi còn phải chịu đựng những bấp bênh từ kinh tế vĩ mô như kinh tế khó khăn, chuyện cho thịt gà, thịt lợn nhập khẩu tràn lan...

Đôi lúc ngồi với chị em trong xóm, chúng tôi thường nói việc chăn nuôi bây giờ như đánh bạc. Chúng tôi tính rằng nhập giống vào thời điểm này tốt vì sau ba tháng chăm sóc, bán gà sẽ được giá. Thế nhưng không hẳn như vậy, có thể ba tháng sau gặp đợt dịch (lỗ toàn bộ) hoặc giá rẻ không có lãi vì nhiều người nuôi cùng một thời điểm.

Chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi cộng cả xóm cũng chỉ cỡ trăm con heo, vài nghìn con gà. Nhưng nếu cộng tất cả người chăn nuôi nhỏ lẻ cả nước, con số hẳn là có ý nghĩa với nền kinh tế, nhất là ở khu vực nông thôn đang rất cần ổn định cuộc sống để không phải bỏ vùng quê lên chen chúc tìm việc ở các vùng đô thị. Chúng tôi bỏ chăn nuôi, Nhà nước sẽ thiệt thòi vì nước ta rồi cái gì cũng phải nhập khẩu.

Chăn nuôi tiếp thì khó có lãi và nhiều rủi ro, còn không chăn nuôi thì không có việc làm. Tôi là nông dân bám ruộng đồng mấy chục năm rồi, tôi không muốn làm ôsin ở thành thị.

Cứu người chăn nuôi

Nhiều ý kiến phản hồi bài “Đóng cửa trại gà vì gà nhập” (Tuổi Trẻ ngày 20-11) đã đề xuất các giải pháp để cứu người chăn nuôi.

Quản lý giá thức ăn

Người chăn nuôi là nông dân phần lớn chỉ lấy công làm lời, vậy sao lại lỗ? Chi phí từ khi nuôi con giống đến khi bán được đều đổ dồn vào thức ăn. Mà giá thức ăn gia súc lại bị một số công ty lớn chi phối nên thường tăng vô tội vạ đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, giá bán sản phẩm của người chăn nuôi luôn phải cạnh tranh vất vả với gà ngoại nhập, thậm chí là gà nhập lậu, thì làm sao người chăn nuôi có thể tồn tại. Cho nên, người chăn nuôi cứ mất vốn dần, dẫn đến việc phải nuôi gia công hoặc bỏ nghề. Nếu không quản lý thị trường giá thức ăn gia súc mà cứ để tình trạng như vậy thì việc khuyến khích người chăn nuôi chỉ là trên lý thuyết.

Chặn cửa tạm nhập

Tại sao lại có chuyện gà tạm nhập tuồn ra thị trường? Một câu hỏi đơn giản là ngành hải quan làm gì mà không kiểm soát chuyện này? Một container hàng tạm nhập đều phải qua cửa hải quan, không xuất ra hoặc xuất không đủ số lượng hải quan phải nắm được hết. Do đó, hải quan cần chặn ngay cửa nhập gà này để cứu người chăn nuôi.

Cân nhắc khi mua hàng

Rất nhiều thắc mắc xung quanh giá gà nhập lại rẻ như vậy. Họ có dùng thuốc tăng trưởng, giống gà biến đổi gen để sinh trưởng nhanh làm cho giá thành thấp không? Thức ăn sử dụng nuôi gà là gì? Đó là chưa kể gà nhập nguồn gốc không rõ ràng rất nguy hiểm. Chỉ vì giá rẻ mà người tiêu dùng có thể ăn phải thực phẩm nguy hại. Vì sức khỏe của bản thân cũng như vì ngành chăn nuôi trong nước, người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua thịt gà, tốt nhất không nên mua gà phụ phẩm nhập ngoại khi chưa biết rõ chất lượng của nó.

LÊ THỊ HOAN (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên