Chị Nguyễn Thị Trâm lựa chọn mô hình nuôi gà thịt quy mô vừa sau khi nhận vốn Tiếp sức nhà nông - Ảnh: VŨ TUẤN
Chương trình Tiếp sức nhà nông do báo Tuổi Trẻ và Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam vừa trao vốn cho 80 hộ nông dân tiêu biểu ở các tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. 40 hộ dân ở Hưng Yên nhận vốn, bắt tay ngay vào chuẩn bị chuồng trại, đặt con giống chuẩn bị lứa chăn nuôi mới, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chị Nguyễn Thị Trâm ở Thôn Hạ, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) dẫn chúng tôi thăm khu nhà chị dự định sẽ nuôi gà Đông Tảo. Căn nhà của chị Trâm không rộng, nằm sâu trong làng. Chị Trâm bảo cái khó nhất của chị là không có đất đủ rộng. Vì thế, phù hợp nhất là nuôi gà với quy mô vừa phải. Chị chọn giống gà Đông Tảo vì đây là giống đặc sản ở địa phương, thịt thơm ngon và bán được giá rất cao.
Những năm trước, chị đã nuôi nhưng không nhiều. "Vì không có kinh nghiệm hay kỹ thuật, tôi cứ nuôi mỗi loại chục con. Nhìn cả đàn thì nhiều nhưng mỗi lần bán chả được bao nhiêu tiền. Hôm trước cán bộ của Công ty GreenFeed bảo chăn nuôi theo cách ấy là manh mún và hướng dẫn tôi chuyển đổi mô hình" - chị Trâm nói.
Dự định của chị Trâm là cải tạo lại toàn bộ khu chuồng cũ đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Chỗ nhà chị nằm khuất sâu trong ngõ, khá tách biệt nên khử trùng tốt là không sợ dịch bệnh.
Chị Trâm cho hay, đồng vốn 20 triệu, chị dành một phần để sửa chuồng trại theo cán bộ kỹ thuật Công ty GreenFeed hướng dẫn. Phần còn lại chị mua giống và một phần dành mua thức ăn, thuốc phòng dịch…
Nông dân Hưng Yên hào hứng với phương pháp cải tạo chuồng nuôi heo để nuôi gia cầm - Ảnh: VŨ TUẤN
"Mùa này mưa phùn gió bấc, chưa phù hợp để nuôi gà, tôi tranh thủ sửa chuồng trại. Sau tết, nắng ấm, tôi sẽ mua giống để chăn nuôi. Lần này được hướng dẫn kỹ thuật, lại được trao vốn "đỡ gánh", tôi quyết tâm chăn nuôi để cuộc sống khấm khá hơn".
Chị Trâm là một trong 5 hộ nông dân khó khăn nhất được Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên chọn để chương trình Tiếp sức nhà nông trao vốn. Chồng chị mất đã bảy năm, một mình nuôi hai con nhỏ và bố mẹ già. Hai đứa con, một đứa đau ốm liên miên, chị đùa "nó uống thuốc nhiều hơn ăn cơm". Bố chồng chị tâm lý không ổn định, thường xuyên đi viện.
Người trong làng thương tình cho chị mượn mấy sào ruộng bỏ không để chị trồng rau. Người phụ nữ gầy guộc thường xuyên dậy từ 3h sáng ra vườn cắt rau để kịp đi chợ. Vào mùa rau hết, chị vẫn dậy từ nửa đêm đi mua rau từ chợ đầu mối về bán lẻ kiếm chút lời. Đến 8h, chợ vãn, chị lại ra đồng làm việc.
"Tôi muốn chăn nuôi, muốn làm trang trại… để vươn lên nhưng không có đất, không có kinh nghiệm mà cũng chẳng có vốn. Nuôi vài con gà ở chỉ là thêm thắt được đồng mua muối, mua mắm chứ không khá hơn được" - chị Trâm nói.
Đang cơn bĩ cực, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên xét duyệt để chị được chương trình Tiếp sức nhà nông trao vốn. Chị lại được cán bộ kỹ thuật của Công ty GreenFeed Việt Nam hướng kỹ thuật, cách chăm sóc gia cầm thịt. Chị Trâm nhận thấy hướng chăn nuôi gia cầm quy mô vừa phải phù hợp nhất với chị. Vốn có, phiếu mua thức ăn có, kỹ thuật được hướng dẫn. Chị hi vọng sau vài tháng nữa, chị sẽ có những khoản thu đầu tiên từ chăn nuôi theo hướng này.
Theo Hội nông dân tỉnh Hưng Yên, sau khi nhận vốn từ chương trình Tiếp sức nhà nông, 40 hộ nông dân được trao vốn đã bắt tay vào cải tạo chuồng trại, chuẩn bị "vào đàn". Thời điểm hiện tại miền Bắc mưa phùn gió bấc, chưa phù hợp để chăn nuôi, các hộ dân tranh thủ cải tạo chuồng trại, khử trùng để sau tết sẽ bắt đầu một mùa chăn nuôi mới, vươn lên làm giàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận