Những con bò mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết - Ảnh: HOÀNG HÀ
Ngày 1-3, ông Nguyễn Khắc Khánh - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hà Tĩnh - cho biết trên địa bàn đang xuất hiện dịch bệnh lạ ở trâu, bò. Cơ quan chuyên môn xác định đây là bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh.
Ông Khánh cho hay ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện đầu tiên tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) vào ngày 15-12-2020. Những con bò mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.
Một số người dân ở xã Mai Phụ có bò bị mắc bệnh cho biết căn bệnh này lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương. Do không biết rõ bệnh nên một số người dân tự mua thuốc về chữa, song bệnh của bò không thuyên giảm nên đã thông báo với cơ quan chức năng.
Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ trâu, bò mắc bệnh, Chi cục Thú y vùng 3 xác định căn bệnh các con bò ở xã Mai Phụ bị mắc là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Sau huyện Lộc Hà, trâu, bò ở các địa phương khác như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh lần lượt bị mắc bệnh.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Hà Tĩnh đang có chiều hướng tăng khiến người dân lo lắng - Ảnh: HOÀNG HÀ
Tính đến hết ngày 28-2, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 huyện, thị có trâu, bò mắc bệnh với số lượng lên đến 997 con, trong đó có 56 con đã chết. Các huyện có số lượng trâu, bò mắc bệnh lớn như huyện Lộc Hà 209 con; huyện Thạch Hà 359 con; huyện Cẩm Xuyên 291 con…
Sau khi xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Hà Tĩnh đã có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời chuyển 5.000 liều vắc xin phòng chống bệnh viêm da nổi cục nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ về tiêm cho trâu, bò ở địa phương.
Theo ông Khánh, nguồn gốc bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất phát từ ruồi, muỗi, ve bọ. Khó khăn lớn nhất trong thời gian qua là số lượng vắc xin tiêm phòng chuyển về ít, số lượng trâu, bò được tiêm nằm ở mức 30% tổng đàn nên dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh.
"Để phòng chống dịch, địa phương đang hướng dẫn người dân phun hóa chất chống ruồi muỗi, tiêu hủy trâu, bò bị chết do mắc bệnh, yêu cầu người dân ở những xã có dịch không buôn bán, giết mổ trâu, bò, đồng thời tiến tới tiêm thêm 20.000 liều vắc xin cho tất cả trâu, bò ở địa phương", ông Khánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận