31/10/2019 12:11 GMT+7

Nông dân ĐBSCL 'sống dở chết dở' với cây mía vì đường lậu

NHÓM PV TÂY NAM BỘ
NHÓM PV TÂY NAM BỘ

TTO - Đường lậu hoành hành, nhiều nông dân trồng mía tại ĐBSCL 'sống dở chết dở' khi cây mía đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn đang bị 'ngâm nước', giá mua mía thấp hơn giá thành...

Nông dân ĐBSCL sống dở chết dở với cây mía vì đường lậu - Ảnh 1.

Mía lại ngập nước và chết khô héo ngoài đồng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Trong khi đường lậu được nhập về ào ạt và hoành hành ở thị trường nội địa, nhiều nông dân trồng mía tại ĐBSCL đang "sống dở chết dở" khi cây mía đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn đang bị "ngâm nước", giá mua mía thấp hơn giá thành...

Tại nhiều địa phương, diện tích mía ngày càng sụt giảm mạnh, nhiều nông dân đã rời bỏ cây mía chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cây mía "ngâm nước" chờ thu hoạch

Đưa chúng tôi ra ruộng mía đang bị "nước ngâm chân", anh Nguyễn Chánh Thư (thị trấn Cây Dương, Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết hơn 5 công (tương đương 0,5ha) mía của gia đình anh đã quá tuổi và bị ngâm nước một thời gian dài vẫn chưa bán được một cây mía nào. 

"Năm nào cũng lỗ, tôi và người dân ở đây ba năm liền đều lỗ, đều bất lực nhìn mía bị ngập nước và chín rục ngoài đồng mà không có cách nào cứu được" - anh Thư nói.

Nhiều nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp cho biết trong niên vụ mía 2019-2020, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) chi nhánh Hậu Giang ký hợp đồng bao tiêu và mua mía nguyên liệu có 10 chữ đường trở lên với giá 700 đồng/kg tại ruộng, dự kiến vào vụ ép mía để sản xuất đường ngày 10-9. Tuy nhiên, mãi đến ngày 10-10, tức chậm hơn một tháng, công ty mới bắt đầu mua mía.

Nhiều nông dân đã bán mía cho các thương lái mua đem lên tiêu thụ tại TP.HCM với giá 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, chưa tiêu thụ được bao nhiêu, nước ngập và mía đổ ngã, các tiểu thương đều "bỏ chạy", nông dân chỉ còn biết ngồi chờ nhà máy đến mua, trong khi chất lượng chữ đường sụt giảm. 

Vừa thuê đốn xong 50 tấn mía "ngợp nước", ông Nguyễn Văn Năm (ở xã Tân Long, Phụng Hiệp) sau một thời gian dài chờ đợi, công ty mới cho ghe vào mua mía khi chữ đường giảm vì ngập nước, giá bán không đủ bù chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Năm, ngay cả khi bán được mía 700 đồng/kg (loại 10 chữ đường), người trồng mía cũng cầm chắc thua lỗ vì từ khâu đào liếp trồng mía đến khi đốn đều phải thuê mướn nhân công. 

"Chưa kể khi thu hoạch mía bị dơ, công ty sẽ đánh giá tạp chất rồi hạ chữ đường, giá mua cũng giảm theo... Tôi và người dân ở địa phương bán mía với giá cao lắm cũng chỉ được 600 đồng/kg sau khi bị trừ cấn" - ông Năm cho biết.

Ông Trần Văn Tuấn, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho biết trong niên vụ mía 2019-2020, diện tích mía trên địa bàn đạt hơn 6.400ha, năng suất ổn định 100 tấn/ha. Tuy nhiên, do nhà máy mua mía trễ với giá thấp nên người trồng mía bị thua lỗ nặng. 

"Ở vùng ngoài đê bao, các ruộng mía đều bị ngập nước nên năng suất và chất lượng đều giảm, nhiều người trồng mía bị thua lỗ, thậm chí có hộ thất trắng" - ông Tuấn nói.

Khuyến cáo nông dân bỏ cây mía

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hiếu, chủ tịch HĐQT Casuco, cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng mua được 450.000 tấn mía nguyên liệu trên địa bàn. Tuy nhiên, do mía vào chính vụ được thu hoạch nhiều trong khi Nhà máy đường Phụng Hiệp (công suất 2.500-2.600 tấn/ngày đêm) không tiêu thụ kịp, dẫn đến tình trạng giảm chữ đường.

Do đó, công ty cũng lên phương án điều tiết, chuyển mía sang Nhà máy đường Sóc Trăng nếu Nhà máy đường Phụng Hiệp không tiêu thụ kịp, trong đó sẽ ưu tiên tiêu thụ những diện tích mía bị ngập nước. Tuy nhiên, một lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sóc Trăng cho biết Nhà máy đường Sóc Trăng bắt đầu sản xuất từ ngày 10-10 nhưng sau đó máy móc trục trặc, vừa mới khắc phục xong.

Theo ông Nguyễn Chí Hùng - chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, Casuco bắt đầu mua mía tại địa phương từ ngày

10-10, đến nay đã mua được trên 200ha. Tuy nhiên, tiến độ mua rất chậm, khoảng 10ha/ngày trong khi mía của người dân đã chín rộ. "Chúng tôi đã kiến nghị công ty đẩy nhanh tiến độ và sản lượng mua mía cho dân, công ty yêu cầu địa phương xác định chính xác diện tích mía cần thu hoạch để công ty lên kế hoạch mua" - ông Hùng cho biết.

Theo ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PNNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích mía tại Sóc Trăng vào thời "hoàng kim" đạt trên 13.000ha nhưng hiện chỉ còn 5.000ha. 

"Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo nông dân chuyển đổi diện tích mía sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế. Sóc Trăng chỉ ổn định chừng 2.000ha mía phục vụ sản xuất của các nhà máy đường, ưu tiên diện tích trồng mía ép nước uống, dễ tiêu thụ hơn" - ông Quyết nói.

Không bỏ cây mía Không bỏ cây mía

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mía đường đã triển khai các giải pháp liên kết chuỗi sản xuất, hỗ trợ người nông dân trồng mía.

NHÓM PV TÂY NAM BỘ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên