Cơ quan Dự báo khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) mới đây cho biết một khối không khí cực nóng từ châu Phi di chuyển về phía bắc khiến nhiệt độ bắt đầu tăng lên tại bán đảo Iberia ở tây nam châu Âu vào ngày 25 và 26-4. Cơ quan này cảnh báo nhiệt độ cao, có thể lên tới 40oC ở một số nơi, sẽ khiến phần lớn Tây Ban Nha có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Nông dân "đổ mồ hôi"
Mùa đông và mùa xuân năm 2023 ở châu Âu ấm và khô hơn mức trung bình làm dấy lên những lo ngại về một đợt hạn hán nghiêm trọng hơn năm ngoái. Hình ảnh vệ tinh cho thấy mực nước giảm thấy rõ tại các hồ chứa ở phía nam châu Âu.
Theo kênh truyền hình Euronews, tại Tây Ban Nha, các nhà sinh thái học cảnh báo nông dân có thể sớm không thể duy trì việc sản xuất lúa mì và lúa mạch. Các loại cây trồng như ô liu, các loại lấy hạt cũng bị ảnh hưởng, nông dân khó có đủ nước tưới cho bắp, hướng dương và bông.
Hội nông dân lớn nhất Tây Ban Nha COAG thông tin: "Hơn 3,5 triệu ha cây trồng tại đây đã chịu thiệt hại không thể khắc phục được". Cũng theo tổ chức này, hạn hán hiện ảnh hưởng đến 60% vùng nông thôn của Tây Ban Nha.
"Nếu lượng mưa không cải thiện trong vài ngày tới, sản lượng cây trồng nhờ mưa, đặc biệt là ngũ cốc vụ đông, sẽ giảm đáng kể" - nhà nghiên cứu Sergio Vicente-Serrano tại Viện Sinh thái học Pyrenean ở tỉnh Zaragoza của Tây Ban Nha cảnh báo.
Các nước châu Âu khác cũng đối mặt với hạn hán. Bà Samantha Burgess, phó giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU), cho biết: "Thông thường, nhất là ở các quốc gia Nam Âu, chúng tôi kỳ vọng có thêm mưa vào mùa đông. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong năm nay tại nhiều nước trong số đó. Vì vậy, chúng tôi bước vào mùa trồng trọt với độ ẩm của đất rất thấp".
Nông dân cũng đang phải cạnh tranh với các ngành khác về nguồn nước. Chẳng hạn ngành năng lượng Pháp cũng cần nhiều nước cho thủy điện và nước làm mát các lò phản ứng hạt nhân. Sau mùa đông khô hạn nhất trong 60 năm, Chính phủ Pháp đã ra lệnh tiết kiệm nước hồi tháng 2 và tháng 3 năm nay.
Đâu là giải pháp?
Theo Hãng tin Bloomberg, các nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm tình trạng nắng nóng và hạn hán trên khắp thế giới. Năm ngoái, châu Âu trải qua mùa hè khô hạn nhất trong khoảng 500 năm, trong khi các khu vực khác ở Bắc bán cầu, từ Mỹ đến Trung Quốc, cũng bị hạn hán bất thường.
Phát biểu trước Quốc hội Tây Ban Nha tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói chính phủ coi hạn hán là "một trong những vấn đề thảo luận chính trị trọng tâm của đất nước trong những năm tới".
Năm ngoái là năm nóng kỷ lục đối với Tây Ban Nha khi nhiệt độ tăng 1,3oC kể từ những năm 1960. Hiện nay, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Catalonia ở đông bắc Tây Ban Nha. Gần ba năm hạn hán đã làm giảm mực nước trong các hồ chứa nước ở Catalonia xuống còn khoảng 27% công suất.
Theo báo cáo công bố gần đây của C3S, khủng hoảng khí hậu đã gây ra những tác động "đáng sợ" ở châu Âu vào năm ngoái, khiến nhiều người chết và héo úa mùa màng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra cách duy nhất để hạn chế thiệt hại ngày càng tăng là nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải carbon.
"Chúng ta không thể chấm dứt những tác động khí hậu này. Chúng ta chỉ có thể hạn chế chúng bằng cách giảm nhanh lượng khí thải nhà kính" - tiến sĩ Rebecca Emerton, tác giả chính của báo cáo, nhận định. Bà Burgess, phó giám đốc C3S, thì nhấn mạnh: "Chúng ta cũng cần tìm kiếm các công nghệ mới sử dụng ít nước hơn và tìm cách tái chế càng nhiều nước càng tốt".
Tại Ý, chính phủ đang chuẩn bị một gói viện trợ trị giá 7,8 tỉ euro và kế hoạch cung cấp nước sau khi mực nước ở sông Po - con sông dài nhất của Ý - giảm xuống. Hàng triệu người Ý có thể sẽ phải tiết kiệm nước.
Tại L'Espluga de Francoli, thị trấn có 3.600 dân sinh sống ở Catalonia, nhà chức trách đã buộc phải cúp nước về đêm để tiết kiệm hơn. Chị Maria Gonzalez, cư dân 24 tuổi tại thị trấn này, cho biết: "Chúng tôi chứa nước trong chai để có thể đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng". Ban đêm, người dân địa phương tắm tại nơi làm việc hoặc tại phòng tập thể dục.
Nóng hơn các châu lục khác
Theo Đài DW (Đức), các số liệu từ Liên Hiệp Quốc cho thấy châu Âu đang nóng lên nhanh hơn các châu lục khác. Nhiệt độ trung bình ở đây trong khoảng thời gian năm năm qua đã cao hơn khoảng 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Hơn 20.000 người, gồm nhiều người già và nhóm dễ tổn thương, đã chết trong các đợt nắng nóng ở Tây Âu vào năm 2022. Đã có hơn 3.000 ca tử vong liên quan nắng nóng chỉ riêng ở Anh, nơi nhiệt độ lần đầu tiên vượt ngưỡng 40 độ C.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận