
Ông Nguyễn Hoàng Hoan, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thu lãi từ ruộng bí hơn 400 triệu đồng/năm - Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 25-2, ông Nguyễn Việt Khái - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời - cho biết đã phát triển được hơn 700ha hoa màu, trong đó có nhiều diện tích được trồng trên đất ruộng. Việc sản xuất theo kiểu tiết kiệm nước, "thuận thiên" của bà con nơi đây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết trước khi cắt lúa đông xuân khoảng 25 ngày thì ươm dưa leo giống để chuẩn bị trồng trên giàn. Trên đất ruộng ông tận dụng diện tích bỏ trống cho bí bò xuống ruộng để có thêm hơn 50 triệu đồng từ vụ màu.
"Nông dân ở vùng Trần Văn Thời nếu cầm trong tay khoảng 1ha trồng chuyên lúa thì sống không nổi, nhưng nếu đưa cây màu xuống ruộng thì thu nhập có khi cao gấp 4 lần trồng lúa", ông Vĩnh chia sẻ.
Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau "sống khỏe" nhờ đưa màu xuống ruộng, sản xuất theo kiểu "thuận thiên" - Video: THANH HUYỀN
Việc đưa màu xuống ruộng được các cấp hội, chính quyền địa phương ở Cà Mau khuyến khích, bởi vì lượng nước sử dụng để tưới cho hoa màu ít hơn nhiều lần so với trồng lúa vụ 3.
Bên cạnh đó, việc phát triển cây màu cũng tạo điều kiện tăng thu nhập cho nông dân và hạn chế để tình trạng đất trống mọc cỏ dại sau vụ lúa.
Hơn 5 năm nay, ông Nguyễn Hoàng Hoan, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã xem vụ màu trên đất lúa là vụ chính trong năm.
Gần cuối vụ lúa, ông Hoan đã chuẩn bị hơn 11.500 gốc bí rợ để cuối tháng 10 xuống giống.
Sau 70 ngày ông Hoan thu hoạch từ 5ha bí rợ được hơn 600 triệu đồng, trừ các chi phí ông Hoan còn lãi hơn 400 triệu đồng, số tiền này gấp 3 lần so với ông trồng hai vụ lúa trong năm.
Ông Hoan cho biết trồng màu tuy cực nhưng được lãi nhiều, nhờ màu mà kinh tế gia đình có của dư để dành, trồng màu cũng ít sử dụng nước tưới hơn so với trồng lúa nên tiết kiệm được lượng nước ngọt đáng kể.
Đây cũng là cách để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển được lâu dài trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước ngọt như hiện nay.

Ông Vĩnh (bìa trái) trao đổi với cán bộ địa phương về phương pháp trồng màu tiết kiệm nước của gia đình - Ảnh: THANH HUYỀN
Vụ bí năm nay ông Hoan tranh thủ xuống giống sớm để tránh hạn, vì thế ruộng bí của gia đình ông thu hoạch sớm trong khu vực, với giá bán mỗi kg lên đến 8.500 đồng/kg.
Không chỉ những hộ trồng hoa màu có thu nhập từ việc làm đất, chăm sóc, xuống giống, bón phân, tưới nước... mà thu hoạch cũng cần đến rất nhiều lao động tại địa phương.
Năm nay vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời của bán đảo Cà Mau dứt mưa muộn, nước dưới sông còn nhiều. Người dân đã chủ động đưa màu xuống ruộng, trữ nước tưới nên đa phần diện tích hoa màu phát triển tốt, năng suất cao hơn hằng năm.
Trồng hoa màu trên ruộng lúa giúp người dân tránh lãng phí đất sau khi thu hoạch lúa đông xuân. Hiệu quả mô hình cao hơn nhiều lần so với làm chuyên lúa, lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha/vụ.
Trồng màu trên đất ruộng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích kép như: giảm lượng nước tưới hơn so với trồng lúa, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất và xác của những cây hoa màu sau thu hoạch sẽ là nguồn phân hữu cơ giúp cho vụ lúa năm sau bội thu.

Dưa leo, khổ qua, bầu, bí là các giống cây trồng ưa chuộng của người dân huyện Trần Văn Thời vì ít tốn nước, dễ bán - Ảnh: THANH HUYỀN

Theo ông Hoan, trồng màu chỉ tốn lượng nước bằng 1/10 so với trồng lúa vụ 3, do chỉ đào các kênh nhỏ dẫn nước vào tưới - Ảnh: THANH HUYỀN

Nhờ trồng bí mà ông Hoan đã xây được nhà, có vốn tích lũy và nuôi con cái học hành - Ảnh: THANH HUYỀN

Hoa màu được thương lái đến tận ruộng thu hoạch và thu mua - Ảnh: THANH HUYỀN

Sau khi được thu gom tại ruộng, hoa màu được trung chuyển ra các xe tải để chuyển đi các tỉnh tiêu thụ - Ảnh: THANH HUYỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận